Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đại tướng quân “hai lúa” kể chuyện chế tạo xe bọc thép

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Trong một lần qua Campuchia thấy có nhiều xe bọc thép bị hư hỏng nặng, ông Trần Quốc Hải tự nguyện đứng ra xin sửa toàn bộ số xe trên.

(ĐSPL) - Trong một lần qua Campuchia thấy có nhiều xe bọc thép bị hư hỏng nặng, ông Trần Quốc Hải tự nguyện đứng ra xin sửa toàn bộ số xe trên. Nhiều người nghĩ, với trình độ của một nông dân, chắc ông sẽ không bao giờ làm được điều đó. Nhưng bằng nghị lực, quyết tâm, cuối cùng những cố gắng đã được đền đáp khi đích thân Quốc vương và Thủ tướng nước này trao tặng bằng khen và huân chương Đại tướng quân cho hai cha con ông.

Cha con ông Hải nhận được bằng khen và huân chương Đại tướng quân trên đất nước Chùa Tháp (ảnh Đức Vượng).

"Hai lúa" tự nguyện sửa xe bọc thép

Có thể nói những phát minh sáng chế của ông Trần Quốc Hải như rơ moóc tự hành (có cả láp, thắng hơi, ben), giàn cày cải tiến (tăng công suất cao, gần gấp đôi so với giàn cày cũ nhưng tiết kiệm được 1/3 nhiên liệu); máy bơm xác mì từ hầm chứa lên xe tải, máy thổi lá cao su, máy bón phân tự động, máy thu hoạch mủ cao su và gần đây nhất là máy trồng mì (sắn) tự động... nhưng việc chế tạo ra một chiếc xe bọc thép thì quả thật không hề đơn giản chút nào.

Ban đầu khi mới nhận trách nhiệm về việc chế tạo xe bọc thép, rất nhiều người đều ngạc nhiên về khả năng của ông Hải. Họ cho rằng ông chỉ có tiếng trong phát minh ra máy nông nghiệp, chứ không hề biết gì về xe quân sự vì nó vô cùng phức tạp. Mặc dù nhiều người luôn nghĩ, với khả năng của riêng ông thì không thể nào làm được điều đó. Thậm chí trước đó có nhiều chuyên gia, kỹ sư nước ngoài đã từng thử sức nhưng đều không làm được.

Chiếc xe bọc thép do cha con ông Hải phục chế trong lễ ra mắt (ảnh nhân vật cung cấp).

Trong một lần đi công tác qua nước bạn Campuchia, ông Hải thấy nhiều xe bọc thép cũ do Liên Xô sản xuất đến nay đã hư hỏng hoàn toàn không thể sử dụng được. Đã có nhiều kỹ sư, chuyên gia nước ngoài đến xem nhưng họ đều bó tay. Vì ngay từ nhỏ ông Hải đã có niềm đam mê rất lớn với xe bọc thép và từ lâu đã tìm nhiều tài liệu nghiên cứu nên ông đã quyết định ở lại Campuchia xin sửa những chiếc xe này.

Chuyện về người nông dân Việt Nam tự nguyện sang Campuchia xin sửa chữa xe bọc thép quả là xưa nay hiếm. Khi biết thông tin này, Tư lệnh Lữ đoàn của Campuchia vừa mừng vừa bối rối, phải họp với nhau để có phương án tốt nhất. Bản thân ông Hải cũng thấy mình hồi hộp không kém, nhưng vì bản lĩnh dám nghĩ dám làm nên ông tin mình sẽ thành công. Sự quyết đoán và bản lĩnh của ông Hải, Chính phủ Campuchia cũng lấy làm cảm động để ông ở lại nhận nhiệm vụ sửa chữa từng chiếc xe bọc thép đã bị hỏng.

Nhận nhiệm vụ, ông bắt đầu suy nghĩ rồi đưa ra một phương án là sẽ cải tiến động cơ cũ của xe bằng động cơ chạy dầu diesel hiện đại. Thấy hợp lý, ông quyết định về Việt Nam bàn kế hoạch với con trai là Trần Quốc Thắng. Kế hoạch bàn xong, hai cha con ông rong ruổi khắp nơi tìm kiếm động cơ sao cho phù hợp để đưa sang đó thử nghiệm với hai chiếc xe đầu tiên chi phí hết 25 ngàn USD (hơn 500 triệu đồng).

Thời gian đầu, hai cha con ông mất tới nửa tháng để thiết kế, làm động cơ, lắp hệ thống điện. Sau đó, ông Hải bắt đầu cải tiến thêm nhiều tính năng của xe hơn như: Tác chiến năng động, ít tiêu hao năng lượng, di chuyển nhanh... Cuối cùng mọi cố gắng, nỗ lực của hai cha con ông đã được đền đáp khi chiếc xe đầu tiên đã chạy thành công. Chính phủ Campuchia quyết định chi trả toàn bộ cả vốn lẫn lãi mà hai cha con ông đã làm trong thời gian qua.

Nói về công việc này, ông Hải khiêm tốn: "Đó là cái duyên và cái nghiệp luôn theo đuổi gắn bó trong tư tưởng của tôi ngay hồi còn nhỏ. Hiện cuộc sống gia đình cũng khá thoải mái với đồn điền cao su, còn xưởng cơ khí mở ra chủ yếu là để thỏa mãn niềm đam mê của tôi mà thôi. Chuyện chế tạo xe bọc thép chẳng qua là sự may mắn khi cha con tôi được nước bạn tạo điều kiện".

Niềm vui trong ngôi nhà nhỏ

Chỉ trong thời gian ngắn, chiếc xe bọc thép đã có thể vận hành với 25 lít dầu diesel/100km (so với trước đây là 45 lít), tác xạ nhanh hơn, hỏa lực mạnh hơn so với trước, vòng xoay súng có thể bắn ở cự ly gần hơn so với 150m của xe cũ, tháp pháo tự động. Nhiều người Campuchia ngạc nhiên khi chiếc xe bọc thép bị vứt bỏ, ngay cả chuyên gia nước ngoài cũng bó tay. Vậy mà chỉ qua bàn tay của hai cha con nông dân Việt Nam, chiếc xe bỗng dưng vận hành rất tốt như thường.

Sau thành công của chiếc xe bọc thép đầu tiên, ông Hải tiếp tục được Lữ đoàn 70 Campuchia giao sửa chữa thêm chục chiếc xe khác tương tự như vậy. Chỉ trong thời gian ngắn với những cải tiến của mình, cha con ông Hải đã khiến những chiếc xe tưởng như đã thành sắt vụn bỗng hồi sinh trở lại trong niềm vui hân hoan chào đón của hàng nghìn người dân nước bạn.

Ông Hải nói: "Sửa chữa xong mấy chiếc xe đó rồi nhưng tôi vẫn chưa yên tâm, vì loại xe bọc thép này không phù hợp với điều kiện ở Campuchia. Ngay sau đó, tôi lập tức nghĩ đến việc chế tạo xe bọc thép hoàn toàn mới. Thế là ròng rã bốn tháng tự tìm kiếm trang bị cho chiếc xe mới (trong đó ba tháng nghiên cứu và một tháng chế tạo), cuối cùng hai cha con tôi mới hoàn thành xong chiếc xe thứ hai với tính năng hoàn toàn mới lạ. Vòng quay tay súng có thể bắn ở khoảng cách 7m (so với xe cũ là 150m), tháp pháo tự động và hỗ trợ quay tay, trang bị thêm hỏa lực hai bên xe... vận hành trơn tru trong sự ngưỡng mộ của toàn lữ đoàn".

Với những đóng góp cho đất nước Campuchia trong việc phục chế, chế tạo xe bọc thép, cả gia đình ông Hải được đón nhận niềm vui khi đích thân Quốc vương và Thủ tướng Campuchia trao tặng bằng khen và huân chương Đại tướng quân cho ông cùng con trai Trần Quốc Thắng. "Vinh dự đó đã hơn tháng nay, giờ nhắc lại tôi vẫn thấy vui khôn tả. Hôm đó hai cha con tôi được đứng trong hàng danh dự, để tận mắt xem chiếc xe bọc thép do mình chế tạo diễu binh trước hàng vạn người", ông Hải nói trong niềm vui sướng.

Cụ Trần Văn Thu (89 tuổi, bố ông Hải) cho biết: "Mấy ngày qua cả nhà tôi ai cũng vui, vì lúc nào cũng có người đến nhà chơi và chúc mừng. Ngày xưa gia đình tôi ở huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, lúc đó Hải còn nhỏ nhưng lại có tính ham mê về máy móc. 5 tuổi, Hải đã giấu chiếc radio vào phòng ngủ để nghịch, nhưng nhấn phải nút mở, không tắt được tiếng phát thanh nên dìm luôn vào thùng nước để... phi tang. Biết chuyện con trai mình đã làm hư chiếc máy radio, nhưng tôi không đánh mắng mà chỉ gọi vào nói nếu con muốn biết thì phải tìm hiểu, học hỏi. Nhờ thế mà Hải mới tiến bộ như hôm nay".

"Ở Campuchia họ biết cách sử dụng nhân tài, tạo mọi điều kiện để làm mà không đặt nặng vào vấn đề thành công hay thất bại. Tôi nghĩ Nhà nước ta cũng có những chính sách quan tâm hơn tới ngành khoa học công nghệ cũng như những người đam mê nó", ông Hải nói thêm.

Vinh dự lớn cho vùng quê nghèo

Trả lời chúng tôi về vấn đề này, ông Võ Đức Trong - Chủ tịch UBND huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh cho biết: "Cha con ông Hải được Thủ tướng Campuchia trao tặng huân chương Đại tướng quân về việc phục chế và chế tạo thành công xe bọc thép là niềm vinh dự lớn cho vùng quê nghèo này. Trước đó ông Hải cũng từng chế tạo thành công máy bay, một số máy phục vụ nông nghiệp được người dân đánh giá rất cao. Chúng tôi cũng nhiều lần xuống thăm hỏi, động viên và tặng giấy khen về việc làm thiết thực, ý nghĩa trên của ông Hải. Hy vọng rằng đất nước ta không những có một ông Hải, mà sẽ còn nhiều người như thế”.

Tin nổi bật