Hãng thông tấn Tass đưa tin, trong cuộc phỏng vấn mới nhất, Đại sứ Nga tại Thụy Sĩ Sergey Garmonin cho biết, quá trình đàm phán về Ukraine phải tính đến lợi ích an ninh của Nga, được tiến hành có tính đến thực tế hiện tại và Kiev nên dỡ bỏ lệnh cấm đàm phán với giới lãnh đạo hiện tại của Moscow.
"Trước hết, Ukraine phải dỡ bỏ lệnh cấm đàm phán với lãnh đạo Nga. Đây là điều kiện tiên quyết rõ ràng để bắt đầu bất kỳ cuộc đàm phán thực chất nào về vấn đề chấm dứt xung đột", ông Garmonin nói và nhắc lại rằng các quan chức Nga bao gồm cả Tổng thống Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergey Lavrov đã nhiều lần nói điều này.
Đại sứ Nga tại Thụy Sĩ Sergey Garmonin. Ảnh: Tass
Thứ hai, đại sứ Nga nhấn mạnh quá trình đàm phán “phải tính đến lợi ích của Nga trong lĩnh vực an ninh chứ không phải là một nỗ lực khác nhằm áp đặt những giấc mơ xa rời thực tế của Ukraine. Ông nói thêm rằng Nga "đơn giản là sẽ không tham gia vào các sự kiện thúc đẩy cái gọi là 'công thức hòa bình' của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoặc các kế hoạch tương tự khác nhằm tạo thành "tối hậu thư" cho Nga.
Thứ ba, tiến trình hòa bình sẽ được tiến hành có tính đến thực tế hiện có “trên thực địa”. “Yêu cầu khôi phục lại đường biên giới năm 1991 là không thực tế. Bất kỳ nỗ lực nào của phương Tây nhằm kéo dài cuộc xung đột đang sôi sục sẽ chỉ làm xấu đi vị thế đàm phán ban đầu của Ukraine khi nước này tiếp tục mất thế đứng trên tiền tuyến”, ông Garmonin cho hay.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh, hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine dự kiến sẽ diễn ra tại tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock (bang Nidwalden, Thụy Sĩ) vào ngày 15 – 16/6 tới. Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ trước đó cho biết đã mời hơn 160 phái đoàn đến từ hơn 100 quốc gia bao gồm cả các thành viên của G7, G20 và BRICS đến sự hội nghị. Nga vẫn chưa được mời "tính đến thời điểm hiện tại".
Tuần tuần trước, cơ quan truyền thông Delovaya Stolitsa đưa tin, chính phủ Ukraine đã phải cắt bỏ cái gọi là công thức hòa bình do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra trước đó từ 10 điểm xuống còn 3 do lo ngại hội nghị thượng đỉnh hòa bình sắp tới ở Thụy Sĩ có thể kết thúc trong thất bại. Hội nghị trước đó dự định chỉ thảo luận về công thức của ông Zelelnsky nhưng các nhà tổ chức đã quyết định rằng tất cả những người tham gia nên có cơ hội đưa ra những thay đổi trong tài liệu cuối cùng.
Chính phủ Ukraine hiện đang phải đối mặt với 2 diễn biến bất lợi gồm: các nhà lãnh đạo phía Nam bán cầu sẽ bỏ qua hội nghị thượng đỉnh hoặc hội nghị sẽ dẫn đến một tài liệu cuối cùng ít có ích cho Kiev. Vì vậy, một quyết định đã được đưa ra là 10 điểm vốn có trong công thức xuống còn 3 để ít gây tranh cãi giữa những người tham gia.
Theo Tass