Theo hãng tin RT, phát biểu tại đại hội toàn quốc của Đảng Tự do ở Washington D.C vào cuối tuần trước, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc lại lời hứa sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột Nga-Ukraine nếu tái đắc cử vào tháng 11. Ông luận rằng bằng cách tài trợ cho các cuộc xung đột ở nước khác, Mỹ đang làm tăng khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh toàn cầu và ông sẽ chấm dứt hoạt động tài trợ như vậy.
Ông Trump đồng thời tuyên bố rằng dưới sự lãnh đạo của chính quyền hiện tại, Mỹ đang trở thành một “quốc gia thất bại” và hứa sẽ khôi phục “hòa bình và ổn định” nếu ông trở lại Nhà Trắng. Ông nêu các ưu tiên chính là chấm dứt cuộc khủng hoảng biên giới, ngăn chặn sự lãng phí tiền thuế của Mỹ để tài trợ cho quân đội nước ngoài và bảo vệ “chủ quyền của Mỹ".
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP
“Chúng tôi sẽ nói về tự do, thịnh vượng và chủ nghĩa tư bản ở Mỹ. Và thậm chí trước khi tôi đến Phòng Bầu dục, ngay sau khi chúng tôi giành được chức tổng thống, tôi sẽ giải quyết cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine để ngừng việc chi hàng trăm tỷ USD hỗ trợ cho cuộc chiến của người khác. Tôi cam kết khôi phục hòa bình và ổn định cũng như 'cuộc hành quân tới Thế chiến III' của ông Joe Biden", ứng cử viên Tổng thống Đảng cộng hòa nói.
Mặc dù ông Trump không nói rõ về kế hoạch chấm dứt xung đột Nga-Ukraine như thế nào, nhưng trước đó ông đã nói với Thủ tướng Hungary Viktor Orban rằng ông có một “kế hoạch chi tiết” và cam kết chấm dứt tình trạng thù địch này chỉ trong 24 giờ. Đây cũng là tuyên bố đã được ông nhắc lại nhiều lầm kể từ tháng 5/2023.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận định rằng những bình luận của ông Trump chỉ đơn giản là một phần trong "thông điệp chính trị". Tháng 12 năm ngoái, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng nhận định rằng tuyên bố trước đó của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc có thể giúp kết thúc xung đột Nga - Ukraine trong 24 giờ là không thực tế.
Ông Peskov cho rằng một giải pháp nhanh chóng cho cuộc chiến ở Ukraine giống như ông Trump tuyên bố sẽ ít có khả năng trở thành hiện thực vì tình hình chiến sự đến nay còn rất phức tạp. Hai bên vẫn chưa thể tìm thấy tiếng nói chung, khiến việc đàm phán hòa bình trở thành thách thức lớn. Quan chức Điện Kremlin thông tin thêm rằng Tổng thống Vladimir Putin mong muốn nhà lãnh đạo mới của Mỹ sẽ có chính sách "mang tính xây dựng" hơn với Nga và hiểu được tầm quan trọng của việc đối thoại song phương.