(ĐSPL)- Đại gia ngoại đặt vấn đề chính thức với Bộ GTVT về việc đầu tư 2,5 - 3 tỷ USD xây dựng sân bay Long Thành là Tập đoàn ADP, ADP được coi là tập đoàn quản lý sân bay lớn thứ hai thế giới về doanh thu và đứng đầu thế giới về việc vận chuyển hàng hóa, thư từ bằng đường hàng không.
Chiều qua (23/3), ông Augustin de Romanet - Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Aéroports de Paris (ADP) đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Đại diện ADP đã đề nghị đầu tư 2,5 - 3 tỷ USD để xây dựng và vận hành nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) dưới sự thu xếp của Ngân hàng Credit Suisse. Đồng thời, ADP cũng mong muốn trở thành cổ đông chiến lược của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thông qua việc mua 25 - 30\% cổ phần của ACV.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị ADP phối hợp thực hiện khi phương án cổ phần hóa Tổng Công ty Cảng hàng không được Chính phủ phê duyệt và chủ trương xây dựng sân bay Long Thành sẽ được quốc hội thông qua vào tháng 5 tới.
Ông Augustin de Romanet - Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Aéroports de Paris (ADP) (Thứ 2 từ phải qua). |
|
Phía ADP dự định sẽ mua cổ phần của ACV thông qua chỉ định công ty con là Aeroports de Paris Management (ADPM), một công ty chuyên vận hành, phát triển và đầu tư hàng không nước ngoài, thực hiện thương vụ này.
ADP là tập đoàn đang vận hành 32 sân bay trên toàn thế giới theo hình thức hợp tác công – tư (PPP). Phía ADP dự định sẽ mua cổ phần của ACV thông qua chỉ định công ty con là Aeroports de Paris Management (ADPM), một công ty chuyên vận hành, phát triển và đầu tư hàng không nước ngoài, thực hiện thương vụ này.
ADP được coi là tập đoàn quản lý sân bay lớn thứ hai thế giới về doanh thu và đứng đầu thế giới về việc vận chuyển hàng hóa, thư từ bằng đường hàng không.
ADP được hình thành như một công ty thuộc sở hữu của chính phủ vào năm 1945. Thế nhưng sau đó, nó đã trở thành một công ty đại chúng vào ngày 20/4/2005 mặc dù Chính phủ Pháp và vùng Ile-De-France vẫn nắm giữ cổ phần trong công ty.
Tập đoàn ADP cũng từng thông qua công ty con ADPM để mua lại 38\% TAV Airports Holding - công ty hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ đang vận hành sân bay quốc tế Ataturk Istanbul cũng như các sân bay tại Georgia, Tunisia, Macedonia, Latvia và Ả Rập Saudi.
Với một loạt các công ty con như ADOM, ADP Ingénierie, Alyzia và Hub Télécom, tập đoàn ADP đã thực hiện nhiều dự án xây dựng và lắp đặt dịch vụ của các sân bay, các tòa nhà và cơ sở hạ tầng có liên quan tại hơn 55 quốc gia.
Mô hình sân bay Long Thành. |
|
Phát biểu với Bộ trưởng Đinh La Thăng, ông Augustin de Romanet, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành tập đoàn, đề nghị: “Nếu trở thành cổ đông chiến lược, chúng tôi sẵn sàng đóng góp cổ phần tới 25\% hoặc 30\% giá trị của ACV trước khi thực hiện IPO trong nước.” Ngoài ra, ADP đề nghị hỗ trợ chuyên gia, kinh nghiệm để điều hành ACV sau cổ phần hóa.
Theo kế hoạch, ACV sẽ bán 25\% cổ phần trong đợt IPO dự kiến diễn ra vào quí 2 năm nay bằng cách vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phần tăng vốn điều lệ. Theo quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp vào cuối tháng 12-2014, ACV được định giá xấp xỉ 38.000 tỉ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 20.000 tỉ đồng.
Cách đây hai năm, ADP cũng đã gửi thư đến Bộ GTVT, bày tỏ ý định tham gia đầu tư vào dự án Sân bay Long Thành, và đã có nhiều cuộc tiếp xúc sau đó để bàn về kế hoạch này.
Đề xuất của ADP về việc ứng trước 25\% đến 30\% giá trị cổ phần của ACV để trở thành cổ đông chiến lược của doanh nghiệp này cũng là một hình thức được phép theo các quy định bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiện hành. Theo đó, có hai hình thức bán cho cổ đông chiến lược là bán thỏa thuận trước IPO (như nhà đầu tư Pháp đề nghị) và bán sau IPO.
Tuy nhiên, đến nay ACV chưa trình phương án IPO nên Bộ GTVT chưa quyết định sẽ thực hiện theo phương án nào, với giá bao nhiêu mỗi cổ phiếu, và có chấp nhận phương án bán cho đối tác chiến lược trước IPO hay không vì chưa xác định được số lượng các nhà đầu tư muốn tham dự. Trong trường hợp các nhà đầu tư đăng ký mua quá số lượng cổ phần bán ra thì sẽ phải tiến hành đấu giá theo quy định.
ACV nằm trong danh sách các doanh nghiệp IPO thu hút nhất năm 2015 của Bộ GTVT vì đây là doanh nghiệp nhà nước độc quyền kinh doanh việc khai thác cảng và các dịch vụ mặt đất, luôn làm ăn có lãi với việc quản lý 22 cảng hàng không nội địa và quốc tế.
Dự kiến với mức độ tăng trưởng của ngành hàng không bình quân 15\% trong những năm gần đây, việc đầu tư vào ACV là khả quan.
Video: Chính phủ báo cáo về xây dựng sân bay Long Thành
Đánh giá cao ADP là Tập đoàn lớn có nhiều kinh nghiệm trong quản lý đầu tư, khai thác sân bay, Bộ trưởng Thăng cho biết Bộ GTVT đang tích cực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để có thể hoàn thành cổ phần hóa ACV trong quý II năm nay.
“Dự kiến ngay trong tháng 4 sẽ trình Chính phủ phương án cổ phần hóa” – Bộ trưởng nói và đề nghị ADP phối hợp chặt chẽ với ACV để có thông tin cập nhật cũng như có thể tham gia cổ đông chiến lược của ACV sau khi phương án CPH DN này được Chính phủ phê duyệt.
Về Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, ông Thăng cho biết là hiện Chính phủ đang hoàn thiện báo cáo lập dự án đề trình Quốc hội xem xét cho ý kiến vào tháng 5 năm nay.
“Nếu được Quốc hội thông qua thì đây sẽ là dự án xây dựng cảng hàng không lớn nhất của VN, đòi hỏi phải huy động nguồn vốn lớn ngoài ngân sách để triển khai thực hiện”, Bộ trưởng khẳng định.
Trước đó, theo Báo cáo giải trình bổ sung mới nhất về Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi rà soát và tính toán chi tiết hơn trên nguyên tắc áp dụng đơn giá của các dự án có quy mô và yêu cầu kỹ thuật tương tự đã và đang triển khai trên thế giới, cũng như trong khu vực, giá trị khái toán rà soát của Cảng hàng không quốc tế Long Thành chỉ còn 15,8 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 5,2 tỷ USD.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm nhượng quyền Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (Sân bay Phú Quốc) để lấy vốn xây dựng sân bay Long Thành.
Văn bản nêu rõ, trong thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng Đề án xã hội hóa đầu tư các lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông trong đó có Đề án "Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không".
Với hình thức nhượng quyền khai thác sân bay, nhà đầu tư sẽ vận hành khai thác công trình và trả lại Nhà nước sau một thời gian nhất định. Người sử dụng (trong đó có cả các hãng hàng không) sẽ được hưởng dịch vụ tốt hơn với giá cả hợp lý hơn. Nhà nước sẽ thu hồi được khoản kinh phí xác định có thể dùng để đầu tư một số công trình trọng điểm, công trình quan trọng đối với an ninh-quốc phòng, làm giảm áp lực cho ngân sách.
Bộ Giao thông Vận tải đã lựa chọn Cảng hàng không quốc tế để triển khai thí điểm hình thức nhượng quyền sân bay. Trước mắt, sẽ thí điểm nhượng quyền cho nhà đầu tư trong nước và việc lựa chọn nhà đầu tư tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo công bằng, minh bạch.
AN NHIÊN (Tổng hợp)