(ĐSPL) - Dư luận phản đối, nhà báo Trần Đăng Tuấn viết tâm thư, GS.Ngô Bảo Châu lên tiếng, cư dân mạng lập fanpage..., hàng loạt cây xanh vẫn tiếp tục ngã xuống. Quá xót xa trước “lá phổi xanh” đang bị đốn hạ, công ty cây xanh Hoàng Gia ao ước có thể bỏ 10 tỷ đồng để mua lại những cây sẽ bị chặt.
Trước việc 6.700 cây xanh sẽ bị đốn hạ, ông Hà Văn Minh (PGĐ công ty cây xanh Hoàng Gia) đau xót: “6.700 cây đâu phải là ít? Chặt đi 6.700 cây xanh đồng nghĩa với việc phá hủy đi bao nhiêu công viên ở TP.Hà Nội này? Cây cũng như người, chết đi rồi, chặt đi rồi thì không bao giờ có thể sống lại được nữa. Đó là tâm huyết, là tình yêu, niềm tự hào của bao thế hệ người dân Hà Nội.
Thất thoát tiền, vài tỷ, vài chục tỷ, thậm chí vài trăm tỷ còn có thể lấy lại được, còn mất mát này, biết lấy gì bù đắp nổi?”.
Video: Số phận những cây xanh bị 'thay thế' đang như thế nào?
Đây cũng là lý do khiến ông Minh muốn bỏ ra 10 tỷ đồng để mua lại những cây xanh bị kết án tử, với mục đích hồi sinh cho chúng bằng cách mang đến trồng ở một nơi khác. Tuy nhiên, điều đó, theo vị PGĐ này là khó thực hiện được.
Bởi theo ông, với một chương trình chặt cây lớn như thế, chắc chắn người ta đã có kế hoạch từ rất lâu rồi. Cây nào chặt đã có người mua. Cây nào mua đã có người bán. Bản thân doanh nghiệp có muốn bỏ tiền ra mua chưa chắc đã mua được.
Người dân đau xót trước hàng loạt cây xanh bị đốn hạ không thương tiếc. |
|
Nói về giá trị của cây, ông Minh cho biết: “Riêng với những cây gỗ lớn, giá trị của chúng rất cao và phải bắt buộc cưa ngang gốc, chứ không thể trồng lại được. Những cây xà cừ cổ thụ có đường kính từ 50 – 60cm như những cây đã bị đốn hạ trên đường Nguyễn Trãi sẽ có giá vài chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng/cây. Với giá trị lớn như vậy, trong quá trình thực hiện chủ trương, rất khó để không phát sinh những lợi ích nhóm”.
Theo ông Minh, điều đáng nói là trong số 6.700 cây xanh đã, đang và sẽ bị chặt, có không ít những cây cổ thụ tuổi đời nhiều chục năm. Chúng đã chứng kiến những tháng năm lịch sử, những thăng trầm thời gian, chứng kiến sự lớn lên của bao thế hệ người dân nơi Thủ đô ngàn năm văn hiến. Mưa bom, bão đạn quân thù không tàn phá nổi cây xanh Hà Nội, vậy mà giờ đây, chúng lần lượt bị xóa sổ trong một chiến dịch đốn hạ cây hàng loạt.
Clip: Kiến trúc sư Hà Nội đeo biển, đứng chôn chân phản đối chặt cây.
Ở các nước khác trên thế giới, người ta đều cố gắng giữ lại những cây như thế. Đợi đến bao giờ chúng ta mới lại có được một Hà Nội rợp bóng cây như bây giờ? Hay chỉ vài năm nữa, khi những cây thay mới kia chưa kịp trưởng thành, người ta lại thấy không phù hợp và chặt đi?
Là một người gắn bó với cây xanh, ông Minh khẳng định, với điều kiện phát triển trên đường phố, dù đảm bảo chăm tưới ở điều kiện tốt nhất, cũng phải mất từ 5 – 10 năm nữa, những cây thay thế mới đạt đường kính khoảng 20cm.
Nói rằng, sợ những cây cổ thụ không an toàn trong mùa mưa bão, phải thay bằng những cây khác, việc này không sai. Nhưng trong điều kiện bão lớn, cây nào là cây không bị đổ, gẫy? Nếu cắt tỉa cây một cách kỹ lưỡng, thường xuyên và hợp lý sẽ chẳng bao giờ xảy ra những chuyện như vậy.
“Những cây nằm trong quy hoạch, những cây già cỗi, mục nát… phải thay là đúng. Nhưng trong số 6.700 cây bị kết án tử kia, tôi không tin tất cả đều đáng bị chặt! Những cây không phù hợp trồng ở đường phố như cây keo, cây chàm thay là đúng.
Nhưng không phù hợp tại sao trước đây thành phố lại cho trồng để bây giờ phải chặt đi thay cây mới? Trong khi đó, lãnh đạo thành phố lại bảo chặt cây nào là do chúng tôi quyết định, không cần phải hỏi ý dân” – vị lãnh đạo công ty xây xanh Hoàng Gia nhận định.
DƯƠNG DUNG - ONG LÝ