(ĐSPL) - Mặc dù lãnh đạo Hà Nội khẳng định không có chuyện "kiếm chác" trong việc thay thế cây xanh, tuy nhiên nhiều người vẫn hoài nghi xung quanh lượng gỗ lớn sau khi bị đốn hạ.
Liên quan đến dự án Hà Nội chặt hàng loạt cây xanh gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đề cập về vấn đề này trong phiên họp vào sáng 19/3.
Trong cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội thẳng thắn phê bình các đơn vị triển khai vì thông tin quá kém, không rõ ràng dẫn đến việc người dân không hiểu hết vấn đề. Chính vì thông tin không đầy đủ khiến người dân hiểu rằng thành phố có cả một đề án, chiến dịch chặt hạ hơn 6.700 cây xanh. Đề án không nhấn mạnh chỉ thay thế những cây sâu mọt, già cỗi, không đúng chủng loại…
“Việc thay thế các loại cây này là chủ trương đúng đắn. Quá trình thay thế cây hoàn toàn không phải là vụ đấu thầu, đấu đá chặt hạ cây để kiếm chác hay có nhóm lợi ích. Các đơn vị, doanh nghiệp, tư nhân ủng hộ và đóng góp những cây rất có giá trị, đúng chủng loại theo quy hoạch thay thế. Ngân sách không phải bố trí một đồng nào cho việc thay thế cây xanh này", ông Thảo cho biết.
Trao đổi về đề xuất thay thế 6.700 cây xanh, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cũng đề cập đến lý do cần thiết phải chặt hạ, thay thế số lượng cây xanh này.
Theo ông Dục, đây là số cây sâu mục, già cỗi, cong nghiêng ảnh hưởng tới giao thông đô thị. Số cây trên từng bước được thay thế bằng những cây phù hợp với quy hoạch đô thị, môi trường sinh thái.
Ông Dục cũng khẳng định, Ban duy tu hạ tầng sẽ phụ trách việc thu hồi, tổ chức bán đấu giá, nộp ngân sách số gỗ thu được từ việc chặt cây trong những ngày qua.
Mặc dù lãnh đạo Hà Nội khẳng định không có chuyện "kiếm chác" trong việc thay thế cây xanh, tuy nhiên nhiều người vẫn hoài nghi xung quanh lượng gỗ lớn sau khi bị đốn hạ.
Trên Vietnamnet, anh Hiếu - một độc giả thường xuyên theo dõi vụ việc cho biết: "Rõ ràng tôi thấy rất nhiều cây đã bị đốn hạ là những cây thân gỗ lớn còn rất xanh tốt, không hề nằm trọng diện bị thay thế. Thành phố phải có giám sát hoạt động này chứ không thể để kiểu vô tội vạ như vậy được".
Phân tích sâu hơn, bạn đọc Nguyễn Hằng chỉ ra hàng loạt những số liệu chưa rõ ràng:"Đề án nói 6.700 cây bị chặt, nhưng không thấy thống kê trong số đó bao nhiêu cây sẽ được làm củi, bao nhiêu cây sẽ được bán gỗ. Chỉ tính sơ sơ, cũng có ít nhất 6.000 khối gỗ, số tiền thực sự không hề nhỏ. Trong khi dự án thực hiện đến tận 2017, rải rác vậy thì thành phố sẽ kiểm soát bằng cách nào?".
Đánh giá tổng thể về đề án, chị Nguyễn Hằng cho rằng đây là một sự lãng phí.
"Thành phố nói tiền thực hiện chặt hạ 6.700 cây là tiền xã hội hóa, ngân sách nhà nước không phải bỏ ra một đồng, nhưng xét cho cùng đều là tiền và đó là sự lãng phí. 70 tỷ chia cho 6.700 cây, vậy việc chặt hạ và trồng mới 1 cái cây mất tới hơn 9 triệu đồng".
Liên quan đến vụ việc, chiều ngày 19/3 công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội đã chính thức treo biển trưng cầu ý kiến người dân về việc chuẩn bị thay thế cây sâu mục trên một số tuyến phố. Dự kiến, đến hết sáng nay (ngày 20/3), sẽ có 100 cây sâu mục, chết trên địa bàn được treo biển.
Phó Tổng Giám đốc công ty Công viên cây xanh cho biết, sau khi treo biển một tuần, công ty sẽ tiếp nhận thông tin phản hồi của người dân qua số máy 043.9764540, trực 24/24 giờ. Nếu trường hợp không có ý kiến phản đối của người dân, cây sẽ được đánh chuyển, thay thế bằng một cây đúng chủng loại, kích thước theo quy định.
Nói về thủ tục chặt hạ cây sâu mục, chết trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Công viên cây xanh cho biết thêm, đơn vị đã xin phép đầy đủ các cơ quan chức năng của thành phố để được được chặt hạ, thay thế theo đúng quy định.
MINH SANG (Tổng hợp)