Theo SSI Research, trong 9 tháng năm 2021, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 443.100 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ 2020.
Nhiều nhà đầu tư bắt đầu để ý hơn tới tài sản đảm bảo cho trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm ngành bất động sản. Ảnh minh họa
Lãi suất phát hành bình quân của các trái phiếu doanh nghiệp (loại trừ trái phiếu ngân hàng) trong quý III/2021 là 9,3%, giảm 1,1% so với cuối năm 2020. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay chỉ giảm khoảng 0,6 - 0,7% trong cùng giai đoạn.
Mặt bằng lãi suất thấp là động lực chính cho các doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp để có thể huy động vốn được nhanh chóng và giảm áp lực lên chi phí tài chính, khi mặt bằng lãi suất cho vay từ ngân hàng không có mức giảm tương ứng.
Theo thống kê, tính chung 9 tháng năm nay, quán quân phát hành vẫn là các doanh nghiệp bất động sản với 201.900 tỷ đồng, chiếm 45,5% tổng giá trị phát hành toàn thị trường. Tiếp sau là các ngân hàng, phát hành trái phiếu với giá trị 136.400 tỷ đồng, chiếm 30,8%.
Lãi suất bình quân của trái phiếu bất động sản là 10,36%/năm, thấp hơn so với bình quân năm 2020 và kỳ hạn bình quân ở mức 3,8 năm.
Khoảng cách giữa lãi suất trái phiếu doanh nghiệp (loại trừ ngân hàng) với lãi suất tiền gửi ngân hàng bình quân lên tới 4%/năm, cho thấy dư địa dòng tiền cá nhân tìm đến những tài sản đầu tư tài chính như trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn rất lớn.
Tuy nhiên, lãi suất càng cao thì rủi ro càng lớn. Nếu như dòng tiền của các donh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu bị hao cạn do gặp khó trong kinh doanh, khi đó khả năng thanh khoản sẽ mất, doanh nghiệp không có khả năng thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.
Kỳ hạn bình quân của trái phiếu bất động sản trong 2 năm gần đây là khoảng 3,5 - 4 năm, do vậy áp lực trả nợ gốc sẽ tăng dần trong giai đoạn 2023 - 2025.
Trong nhóm trái phiếu bất động sản, tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu/cổ phần của chính doanh nghiệp phát hành.
Câu chuyện về "bom nợ Evergrande" đã khiến nhiều nhà đầu tư bắt đầu để ý hơn tới tài sản đảm bảo cho trái phiếu doanh nghiệp.
Ttrong tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành 9 tháng năm 2021, có khoảng 140.000 tỷ đồng trái phiếu được đảm bảo một phần cổ phiếu, chiếm tỷ trọng 67%. Số lượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo cũng tương đối cao, chiếm 15,8% tổng lượng phát hành.
"Đây sẽ là rủi ro lớn cho các nhà đầu tư trong trường hợp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản không được đảm bảo nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư", chuyên gia SSI Research nhận định.
Bạch Hiền (t/h)