(ĐSPL) - Làng trên xóm dưới có thể sẽ biến mất nếu cát tặc tiếp tục đà khai thác như thời gian qua trên dòng sông Lam đoạn qua xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn (Nghệ An).
Ngày 12/11, PV báo Đời sống và Pháp luật có mặt tại xóm 1 và xóm 2, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn (Nghệ An) để tìm hiểu sự việc. Tại đây, người dân địa phương cho biết, hoạt động khai thác cát trên sông Lam diễn ra từ khá lâu nhưng 2 năm trở lại đây, hoạt động này diễn ra một cách rầm rộ với quy mô lớn hơn.
Trung bình mỗi ngày có đến 3 lượt tàu thuyền đua nhau tới hút cát, mỗi lượt có gần 20 chiếc xà lan đồng loạt hoạt động từ 1h đến 3h sáng. Ngoài ra, một số xà lan còn hoạt động độc lập khung giờ với các xà lan còn lại.
Thoáng nhìn, cảnh tượng tại "đại công trường" của "cát tặc" như một thành phố nổi trên sông. Mỗi xà lan khi khai thác đều có đèn điện sáng rực, thêm vào đó có 2 động cơ liên tục chạy để vận hành máy hút cát, 1 động cơ để phục vụ máy hút nước tràn vào xà lan tránh gây chìm. Tiếng ồn ào phát ra từ các động cơ này khiến người dân nơi đây bị ám ảnh mỗi khi màn đêm buông xuống.
|
Khúc sông cạnh bờ kè đường điện 500kv – "đại công trường" của cát tặc. |
Theo thông tin từ một người chuyên làm thuê tại "đại công trường" khai thác cát, mỗi xà lan cát được bán ra thị trường với giá 6 triệu đồng. Như vậy, đồng nghĩa với việc mỗi ngày có hơn 300 triệu đồng tài nguyên cát ở khu vực này bị đánh cắp. Được biết, chủ các xà lan hút cát giờ đây không chỉ là người địa phương mà còn có cả người từ nhiều nơi đổ về khai thác. Bởi, họ ưa chuộng tính chất không bị nhiễm mặn của cát ở khúc sông này.
Sự lộng hành của "cát tặc" không chỉ khiến tài nguyên bị khai thác một cách bừa bãi mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đất đai sạt lở, phần đất sát bờ bị thu hẹp dần khiến tình trạng sụt lún diễn ra trầm trọng.
Theo phản ánh của nhiều người dân sống ven bờ sông Lam, ngoài diện tích đất hoa màu bị thu hẹp khiến không thể canh tác được, đoạn bờ kè bảo vệ đường điện 500kv cũng như đê bao chống lũ 5 Nam (đê do 5 xã tại huyện Nam Đàn xây dựng) đã bắt đầu có dấu hiệu sụt lún chân móng.
“Do địa hình càng sâu thì càng dễ hút cát nên "cát tặc" thường chọn những những khúc sông sát nhà dân phía mạn phải con sông tính từ khu vực dân cư nhìn sang. Đất vườn nhà tôi hiện tại đã bị sụt lở mạnh, các loại hoa màu canh tác có những chỗ đã sụt theo đất xuống mép sông. Hiện tại, những đường nứt lớn giữa thửa đất kéo dài từ bờ sông đang có xu hướng kéo dài thêm và theo thời gian sẽ ảnh hưởng đến móng nhà”, ông Đặng Văn B. (xóm 2, Khánh Sơn, gia đình có đất sụt lún mạnh) nói.
|
Một trong số những thửa đất bị sụt lún, nứt toác do "cát tặc" lộng hành. |
Đồng tình với quan điểm này, hơn 20 hộ dân xóm 1 và xóm 2 xã Khánh Sơn, sống ven sông Lam đều phản ánh về tình trạng sụt lún, gây nguy hiểm và tiếng ồn ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, giấc ngủ của họ luôn chập chờn bởi từ 1h đến 3h sáng, tiếng máy móc ầm ĩ phục vụ khai thác cát lại kêu liên hồi.
Có những hôm để đánh lạc hướng các cơ quan chức năng, "cát tặc" chọn thời điểm nhá nhem tối để khai thác và khi xà lan đầy cát cũng là lúc đêm muộn. Những đêm này, hầu như trẻ nhỏ trong khu vực không thể học tập, người lớn xem ti vi ở chế độ.. câm.
Ông Tô Bá Th. (xóm 2, xã Khánh Sơn) chia sẻ: “Đã nhiều lần chúng tôi làm đơn gửi về xã, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng đề cập đến vấn đề này, tuy nhiên biện pháp xử lý đối với chủ xà lan hút cát tại khúc sông này là chưa triệt để. Dân tình đang ngày đêm phải đối mặt với những mối đe doạ từ sụt lún đất. Cát tặc vẫn ngang nhiên lộng hành, thách thức và cứ thế mang tài nguyên đi bán một cách hiên ngang mà hậu quả thì người dân khu vực xóm 1, 2 phải gánh chịu”.
Được biết, toàn bộ việc khai thác trái phép của cát tặc đã được các cơ quan chức năng tìm biện pháp xử lý. Tuy nhiên cho đến nay, thực trạng này vẫn chưa thể ngăn chặn. Người dân sống dọc bờ sông, do quá bức xúc, có gia đình đã phải chặt neo mỗi khi xà lan của cát tặc khai thác ở khúc sông cạnh vườn nhà.
“Phải bắt và xử lý bọn chúng. Nếu tình trạng này tiếp diễn thêm một thời gian ngắn nữa thôi thì có khi làng xóm ven sông cũng biến mất. Những năm qua, người dân chúng tôi rất bất bình nhưng không ai dám ngăn cản vì bọn chúng luôn thách thức và thường đáp trả những lời kêu van của người dân bằng dao và những hành động thiếu văn hoá”, ông Th. nói thêm.
|
Người dân bức xúc trước cảnh đất vườn biến mất dần. |
Trao đổi với PV về sự việc trên, ông Lê Anh Thơ, phó trưởng Công an xã Khánh Sơn, phụ trách hình sự, cán bộ tư pháp xã, một trong những thành viên chính của đoàn tuần tra cấm khai thác cát của xã cho biết: “Hiện tại, xã đã thành lập đoàn đi kiểm tra hoạt động hút cát hằng ngày. Tuy nhiên, hình thức và thời gian hoạt động của "cát tặc" không ổn định khiến đoàn gặp không ít khó khăn. Phương tiện để đoàn đi lại tuần tra là nốc nhỏ của dân chài lưới nên việc di chuyển truy bắt các xà lan lớn là quá khó. Mặt khác, lực lượng của đoàn tuần tra còn quá mỏng, 100\% là cán bộ xã mà vấn đề quản lí tài nguyên thuộc thẩm quyền cấp trên nên khi bị bắt, "cát tặc" có thái độ coi thường và chỉ chấp hành qua loa các yêu cầu của địa phương cho đến khi đoàn tuần tra rút khỏi hiện trường”.
Xem thêm Clip: "Cát tặc" ngang nhiên đục khoét dòng sông Lam