Theo báo Công thương, về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, đại biểu Quốc hội Lê Văn Dũng - đoàn Quảng Nam thống nhất rất cao với Đề án của Chính phủ với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên làm tiền đề để đẩy nhanh phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn tới, làm cơ sở để hiện thực hóa các mục tiêu của Đảng đã đề ra nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 là một thách thức rất lớn. Chúng ta không chỉ dựa vào quyết tâm chính trị mà còn cần có các giải pháp, kịch bản cụ thể để đạt được chỉ tiêu này. Báo cáo Chính phủ cũng đã phân tích, đánh giá và đưa ra các giải pháp rất cụ thể với tinh thần bàn làm chứ không bàn lùi.
Theo đại biểu, chúng ta có cơ sở, chúng ta có dư địa để thực hiện. Bởi hiện nay, về xuất khẩu hàng hóa đã cán mốc 400 tỷ USD, đã 9 năm liên tiếp chúng ta xuất siêu, điều đó không chỉ chứng tỏ vị thế của Việt Nam trong cạnh tranh buôn bán với nước ngoài, mà còn tác động đến GDP, tăng dự trữ ngoại hối, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.
Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu 11 năm liên tiếp, vốn đầu tư nước ngoài tăng, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm, khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng, nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Đại biểu Lê Văn Dũng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Công thương
Năm 2024, chúng ta đã đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu, hàng loạt chương trình nghị sự, ngoại giao, thương mại tiếp tục gặt hái được nhiều thắng lợi mới. "Cần khẳng định rằng dư địa cho phát triển nền kinh tế nước nhà còn rất lớn, vấn đề quan trọng là làm sao vực dậy, khơi thông và đưa nguồn lực đất nước vào phát triển", đại biểu nói.
Trong khi đó, Tạp chí Kinh Tế Sài Gòn đưa tin, theo đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nhận định mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm nay là một phép thử quan trọng, giúp chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo tăng trưởng hai con số.
Góp ý giải pháp, ông An cho rằng, có nhiều nhiệm vụ mang tính tổng thể, nhưng cũng có giải pháp tức thì. Đối với việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng ở mức cao năm nay thì cần quan tâm tới các giải pháp tức thì, tức là những giải pháp có tác động ngay. Ông cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên thì cần tăng cường đầu tư và nguồn vốn. Mặc dù đồng tình với việc tăng đầu tư công, ông An cho rằng cần có chỉ tiêu về đầu tư tư.
Theo ông An, đầu tư tư nhân đang tăng trưởng 7-9% và có xu hướng giảm thời gian qua, do đó, đầu tư tư cần tăng trưởng 2 con số và để làm điều đó thì nguồn lực tín dụng cũng phải được đẩy mạnh. “Nếu tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 15-16% thì khó đạt mục tiêu, cần tăng lên khoảng 18-19%, mặc dù điều này có thể liên quan đến chính sách tiền tệ, lạm phát, nhưng nếu không có tín dụng thì khó phát triển”, ông nêu quan điểm.
Cùng với đó, ông Xuân An cũng đồng tình việc Chính phủ thay đổi phương thức quản trị khi giao chỉ tiêu tăng trưởng cho các địa phương. "Như Hà Nội, TP.HCM được giao tăng trưởng 8-8,5%. Đây là 2 đầu tàu tăng trưởng thì 2 thành phố tăng trưởng 2 con số được không? Nếu 2 thành phố tăng trưởng 2 con số thì sẽ đạt được mục tiêu chung cả nước”, ông Xuân An gợi ý.
Góp ý một số giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu mới, ông Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm có nghị quyết quy định sự phối hợp, liên kết giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI.
Ông Thân cũng đề xuất cần có chỉ tiêu đánh giá kết quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước theo các mốc thời gian 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, nhằm bảo đảm hiệu quả quản lý đối với những người hưởng lương từ ngân sách.
Cùng với đó, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ với các dự án năng lượng tái tạo hiện nay, đồng thời phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần tạo đột phá, tăng năng suất lao động - yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế đạt 8%.