Cổng thông tin điện tử Quốc hội thông tin, trong ngày làm việc đầu tiên của đợt 2, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, cũng là ngày Nhà giáo Việt Nam, thay mặt Quốc hội, tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gửi tới các Thầy giáo, Cô giáo – những người đã và đang ngày đêm cống hiến sức lực, trí tuệ, tài năng của mình cho sự nghiệp trồng người của nhân dân ta lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc các Thầy, các Cô luôn mạnh giỏi, hạnh phúc và thành công.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, tại kỳ họp thứ 5, lần đầu tiên Quốc hội dành 1/2 ngày để thảo luận tại hội trường về báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã nhận được nhiều ý kiến phát biểu của ĐBQH và sự quan tâm đặc biệt của cử tri cả nước, do đó, tại kỳ họp thứ 6 nội dung này đã được đưa vào vào chương trình kỳ họp để các ĐBQH thảo luận.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng góp ý về 2 vụ án của người dân liên quan đất đai xảy ra tại TP.Đà Nẵng trong các năm 2010, 2011. Qua nghiên cứu đơn và các bản án, đại biểu nhận thấy có sự khó hiểu và khó lí giải về các bản án đã tuyên.
Vụ thứ nhất là vụ Phan Văn Anh Vũ (vụ án Vũ "nhôm") và các bị cáo phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, được Tòa án nhân dân TP.Hà Nội xử sơ thẩm Bán án số 48 ngày 30/1/2019 và TAND cấp cao xử phúc thẩm ngày 13/6/2019 xác định thiệt hại của vụ án là 7 tài sản của Nhà nước mua, thuê trái phép, trị giá thiệt hại của tài sản được xác định tại thời điểm các bị cáo thực hiện hiện nghi phạm tội là năm 2010 và 2011.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án nói trên và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sửa bản án theo cách xác định trị giá thiệt hại tại thời điểm khởi tố.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy gửi đến Chán án TAND Tối cao phản ánh của cử tri TP.Đà Nẵng.
Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội.
Ngày 5/9/2019, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã bác kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao bằng Quyết định Giám đốc thẩm số 14 do Chánh án ký.
Quyết định này khẳng định việc xác định thiệt hại của vụ án tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là đúng pháp luật.
Vụ thứ hai là vụ Trần Văn Minh và các bị cáo phạm tội vi phạm quy định về sử dụng, quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhận thấy, trong vụ án này, cả Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội số 20 ngày 13/1/2020 và Bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội số 158 ngày 12/5/2020 lại xác định trị giá tài sản thiệt hại tại thời điểm khởi tố vụ án, tức là thời điểm năm 2018.
Tóm lại, hai vụ án đều được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử đều liên quan tới 3 tài sản nhà nước tại thành phố Đà Nẵng: (1) nhà đất số 319 đường Lê Duẩn; (2) dự án Việt ven biển, đường Trường Sa; (3) đất công viên An Đồn cũ, nhưng lại không thống nhất trong cách xác định trị giá thiệt hại của tài sản.
Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trả lời cho đại biểu Quốc hội và cử tri được biết một số câu hỏi như sau:
Vì sao Tòa án lại áp dụng không thống nhất việc xác định trị giá tài sản thiệt hại đối với 3 tài sản nhà nước ở hai vụ án nói trên?
Thứ hai là bản án phúc thẩm số 158 có sự sai về quy định của pháp luật về việc xác định trị giá tài sản thiệt hại hay không?
Câu hỏi thứ ba, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao cần làm gì để bảo đảm sự thống nhất, công bằng, khách quan trong việc xét xử 2 vụ án trên, tạo niềm tin cho cử tri về sự công minh của pháp luật?
Báo Dân trí đưa tin về câu trả lời của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trước câu hỏi của ĐBQH TP.Đà Nẵng. Chánh án khẳng định các yếu tố cấu thành phạm tội đều phải xác định tại cùng một thời điểm hành vi phạm tội xảy ra, không thể có việc hành vi, động cơ, mục đích, thủ đoạn xác định ở thời điểm hành vi phạm tội xảy ra, còn riêng hậu quả lại xác định tại thời điểm phát hiện hành vi phạm tội. "Như vậy là không công bằng", ông Bình nói.
Chánh án cho rằng hậu quả của hành vi phạm tội đối với xã hội phải do chính hành vi đó gây ra, không phải do các yếu tố bên ngoài.
Ông Bình dẫn chứng việc một lô đất năm nay trị giá 100 tỷ đồng, sang năm tăng lên 200 tỷ rồi năm sau nữa tăng lên 300 tỷ. Đó là do thị trường, không phải do hành vi phạm tội gây ra. Nếu xác định giá trị đất như vât, trong thực tế có sẽ những bất cập khác.
Về hành lang pháp lý, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã có một nghị quyết hướng dẫn tất cả các vụ án sẽ phải xử xác định hậu quả ở thời điểm hành vi phạm tội xảy ra, không phải thời điểm phát hiện.
"Vì có thể nhiều năm sau chúng ta mới phát hiện, không thể lấy thời điểm nhiều năm sau đó để xác định hậu quả. Những vụ xảy ra trước khi có nghị quyết của Hội đồng thẩm phán, trái với nghị quyết của Hội đồng thẩm phán, sẽ phải xem xét lại", ông Bình giải thích.
Cũng theo Chánh án, trình tự xem xét lại những vụ án đã xác định không đúng thời điểm gây hậu quả của hành vi phạm tội, sẽ phải theo quy định của luật.
"Điều kiện xem xét lại một vụ án được ghi trong luật. Muốn xem xét lại phải đúng quy định như vậy, chứ chúng tôi không thể căn cứ vào phát biểu tại hội trường của ai đó mà xem xét lại vụ án, cái này không đúng trình tự tố tụng", ông Bình nói.
Bảo An (T/h)