Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cuộc bén duyên kỳ lạ với thơ của phó giáo sư toán học

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Khi nhắc đến ông, người ta nghĩ đến những vần thơ thắm đượm tình người. Đó là câu chuyện của một thầy giáo dạy toán nổi tiếng nhưng nhiều giải thưởng về thơ ca.

(ĐSPL) - Nhà giáo Lê Quốc Hán được nhiều người biết đến không chỉ vì ông là một thầy giáo dạy toán giỏi, cũng không phải vì ông có một cái lò luyện thi đại học uy tín ở TP. Vinh (Nghệ An). Mỗi khi nhắc đến ông, người dân xứ Nghệ nghĩ đến những vần thơ mộc mạc mà thắm đượm tình người. Đó là câu chuyện hiếm gặp của một thầy giáo dạy toán nổi tiếng nhưng lại nhận đủ hầu hết các giải thưởng lớn nhỏ về thơ ca từ Bắc chí Nam.

Tiến sĩ toán học có biệt tài làm thơ

Đến trường Đại học Vinh (Nghệ An), hỏi về thầy Lê Quốc Hán (SN 1949), chúng tôi được một bạn sinh viên tên Minh nhanh nhẹn dẫn đường. Minh cho biết, ở khu phố này, ai ai cũng biết đến nhà thơ Lê Quốc Hán, có lẽ bất kỳ một bạn sinh viên yêu văn thơ nào cũng có thể đọc thuộc lòng một đoạn thơ, một bài thơ của thầy Hán. Bởi lẽ, những vần thơ của thầy mộc mạc, dễ nhớ nhưng lại thắm đượm tình người. Đặc biệt hơn nữa, thầy Hán là một con người rất đỗi bình dị, chân chất. Cả cuộc đời làm nghề dạy học, thầy luôn gắn bó bên chiếc xe đạp Favourite, mà các bạn sinh viên vẫn thường bông đùa là chiếc “@)” hiếm hoi từ những năm 70 còn sót lại.

Trường Đại học Vinh, nơi nhà giáo Lê Quốc Hán đang công tác

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học thuộc huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), giống như bạn bè cùng trang lứa, thuở thiếu thời, Lê Quốc Hán cũng xuất thân trong hoàn cảnh nghèo khó, thiếu thốn đủ bề. Tuy nhiên, so với chúng bạn thì cậu học trò họ Lê là người có năng khiếu về toán học được bộc lộ khá sớm. Mới cắp sách học đánh vần vài tháng lớp vỡ lòng ở trường làng, Hán đã thuộc hết bảng cửu chương. Những bài toán cô ra làm tại lớp, Hán xung phong lên bảng biểu diễn nhanh như xiếc trước ánh mắt thán phục của các cô cậu học trò nhí.

Vào những năm 1965 – 1967, khi đất nước còn đang chiến tranh ác liệt, cậu bé Hán mới học lớp 7 nhưng đã rất xuất sắc khi ba năm liền đạt giải nhất học sinh giỏi toán toàn miền bắc và giải toán học tuổi trẻ. Chàng thanh niên tài năng này đã từng phải đi cày ruộng, đi làm gia sư, từng theo học ngành sư phạm rồi về dạy cấp hai ở một trường làng nhiều năm để mưu sinh.

Cuộc đời tuy lên thác xuống ghềnh nhưng lòng say mê toán học và thơ ca theo tháng ngày không hề giảm. Với tài năng và nổ lực không ngừng nghỉ của mình, Lê Quốc Hán được mời về trường Đại học Vinh làm trợ giảng, rồi bảo vệ thành công học vị Tiến sỹ và chẳng bao lâu nhận học hàm Phó giáo sư. Hiện nay, thầy Hán đang là chủ nhiệm bộ môn toán học, kiêm thư ký chi hội toán học trường Đại học Vinh.

Thời gian tuy bận rộn suốt cả ngày, ấy thế mà thầy vẫn có thơ in đều đặn trên các tờ báo. Những bài thơ mộc mạc “quê mùa” luôn gắn bó với người nông dân nhưng lại chan chứa tình người, được nhiều người biết đến. Thầy Hán cũng đã giành được nhiều giải thưởng cao quý, tiêu biểu như: Giải thưởng thơ báo Tài hoa trẻ, giải thưởng thơ Tầm nhìn thế kỷ (báo Tiền Phong), giải thưởng thơ Hồ Xuân Hương (Nghệ An), tạp chí sông Lam...

Sự ghi nhận lớn nhất đối với nhà giáo Lê Quốc Hán trong sự nghiệp thi ca chính là tấm thẻ Hội viên Hội nhà văn Việt Nam mà ông được nhận vào năm 2013. “Tôi luôn tự hào khi mình là đại diện duy nhất của trường đại học Vinh được cầm trên tay tấm thẻ Hội nhà văn Việt Nam. Nhưng dù sao đi nữa thì tôi cũng chỉ coi thơ ca như một người bạn tri kỷ trong cuộc đời mình, là nơi để tôi tâm sự những nỗi niềm trong cuộc sống. Mơ ước lớn nhất của đời tôi đó là chinh phục đến những đỉnh cao của toán học”, thầy Hán chia sẻ.

Mỗi khi nhắc đến một câu thơ nào đó, ông giáo lại căng mặt lên rồi trầm tư suy nghĩ như không thể dứt ra được, khiến người ta khó có thể nhận ra đó là người của những con số toán học.

Được biết, ngoài sáng tác thơ thì thầy Hán còn có biệt tài bình thơ. Ông say mê đọc thơ của những người bạn. Mỗi lần bắt gặp một câu thơ hay ông lại tấm tắc, xuýt xoa rồi vớ ngay một mẫu giấy bất kỳ nào để bình phẩm khi phát hiện ra những ý hay.

Khi hỏi về bài thơ nào thầy tâm đắc nhất trong những sáng tác của mình, thầy Hán trầm ngâm một lúc rồi bảo rằng bài thích nhất của thầy là bài thơ “Thời gian”. Rồi thầy lại cất giọng cao, lấy hết cảm xúc mà đọc, rồi phân tích cho tôi hiểu từng câu, từng chữ: “Thời gian như chuyến tốc hành/Mang theo lá đỏ và anh trở về/Tóc xanh vừa lỗi lời thề/Thoắt thành mây trắng cuối hè bay ngang/Ngu ngơ chạm phải ao làng/Sen chưa kịp hái đã tàn trên tay/Trái đất ơi ! Ngược vòng quay/Cho ta gặp lại cái ngày đầu tiên”. Đó là bài thơ được Lê Quốc Hán viết vào năm Nhâm Thân (1992), lúc đó thầy đang là nghiên cứu sinh để chuẩn bị bảo vệ luận án Phó giáo sư.

Nhà giáo, nhà thơ bình dị...

Được biết, suốt cả cuộc đời làm nghề dạy học, nhà giáo Lê Quốc Hán luôn gắn bó bên chiếc xe đạp thân yêu của mình. Xe đạp không chỉ là phương tiện để ông giáo đi lên giảng đường mỗi ngày, mà chiếc xe đạp còn là một báu vật được thầy gìn giữ từ những ngày mới bước chân đến trường đại học. Chiếc xe đạp Favourite cũ kỹ, cà tàng ấy như một người bạn giúp thầy đi tìm kiếm những vần thơ mộc mạc trữ tình. Cứ mỗi chiều khi đi làm về, hay những lúc rảnh rỗi thầy lại đạp xe đi trên các tuyến phố để cho thư thả tâm hồn, rồi bất chợt đâu đó lại hiện lên những vần thơ mới lạ.

Hạnh phúc bình dị của nhà giáo, nhà thơ Lê Quốc Hán

Chia sẻ với chúng tôi, cô Đinh Thị Thanh Tùng, người bạn đời của nhà giáo Lê Quốc Hán cho hay: “Thầy đi xe thường không tập trung vào tay lái, hay bị ngã, nên đi xe đạp cho an toàn. Sống với nhau mấy chục năm, tôi hiểu ông ấy hơn ai hết, nếu mà đi xe máy thì dễ bị ngã như chơi. Mỗi khi đi xe, thầy thường hay suy nghĩ, không biết mình đang lái xe, nên lại bị vấp ngã. Bây giờ, tuổi thầy đã cao nên mỗi khi đi đâu thầy thường đi bộ, nếu đi xa thì đành phải đi xe ôm cho tiện”.

Khi hỏi về cơ duyên nào lại khiến thầy trở thành một người đam mê thơ ca như vậy, thầy Lê Quốc Hán mỉm cười: “Tôi là người có duyên nợ với thơ ca từ nhỏ. Cha tôi là một người rất am hiểu về văn học, nhất là văn học Pháp. Dưới sự hướng dẫn của cha, tôi đã mò mẫm làm quen với các nhà thơ lãng mạn Pháp như Muyxê, Vinhi, Lamáctin từ rất sớm. Cái máu văn chương có lẽ đựợc nhen nhóm từ đấy. Đặc biệt từ hồi nhỏ, thường nghe mẹ hát ru những vần thơ của nhà thơ Nguyễn Bính vì thế bây giờ trong thơ tôi luôn mang đậm nét phong cách thơ Nguyễn Bính”. Tập thơ đầu tay của thầy Hán mang tên “Lời khấn nguyện” được xuất bản năm 1996. Không lâu sau, nhiều tập thơ khác cũng thu hút được sự chú ý của độc giả như: “Bến vô cùng”, Nxb Văn học 1999; “Mạc khải”, Hội Nhà văn 2004; “Bất biến”, Hội Nhà văn 2009. Lê Quốc Hán được đánh giá là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế kỷ XX.

Khi thơ ca Việt Nam chuyển sang một gai đoạn mới, cho phép con người hướng về cội nguồn, tình cảm gắn bó với cuộc sống thực tại lại phù hợp với phong cách của nhà giáo Lê Quốc Hán. Từ đó những bài thơ của ông ra đời được nhiều người đồng cảm và yêu thích, tiêu biểu là những bài thơ được chọn vào tuyển tập thơ lục bát Việt Nam. Bài thơ “Nợ” là một trong những bài thơ được hội nhà văn Việt Nam đánh giá cao, mang đậm phong cách của thơ Lê Quốc Hán: “Cuộc đời vay trả trả vay/Thời gian đặt nợ vào tay chất chồng/Nợ từ thủa mới lọt lòng/Sữa thơm của mẹ, máu hồng của cha/Nợ người một điệu dân ca/Nợ quê hạt gạo phù sa lở bồi/Nợ em tần tảo một đời/Nợ con một ánh mắt cười thơ ngây/Giất mình chiều tím chân mây/Vẫn nguyên vẹn nợ như ngày sơ sinh”.

Hiện nay, Phó Giáo sư - Tiến sĩ toán học Lê Quốc Hán vừa là hội viên Hội Văn nghệ Nghệ An, vừa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Khi dòng chảy của thị trường ào ạt, không ít người đã hờ hững với thơ, nhưng thầy giáo dạy toán này lại chiều chuộng thơ ca hết mực và luôn giành nhiều giải thưởng lớn về thơ ca khu vực cũng như toàn quốc. Mặc dù đam mê thơ ca, trở thành một nhà thơ được nhiều người biết đến nhưng thầy không để ảnh hưởng đến công việc chính của mình. Bằng chứng là thầy Lê Quốc Hán vẫn là một nhà giáo giỏi được sinh viên và đồng nghiệp hết sức nể phục.

Tin nổi bật