Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết sau khi xảy ra vụ việc Tân Hoàng Minh bị hủy 9 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nghìn tỷ, cơ quan điều hành có những động thái siết lại rất chặt khiến các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) tạm dừng phát hành trái phiếu trong tháng 4.
Doanh nghiệp BĐS quay lại đường đua phát hành trái phiếu. Ảnh minh họa: Tiền Phong
Tuy nhiên, thống kê của VBMA cho thấy, trong tháng 5 và tháng 6, doanh nghiệp BĐS đã quay trở lại đường đia phát hành trái phiếu với trị giá lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, trong tháng 5, thị trường ghi nhận một đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đầu Tư và Thương Mại TNG và 34 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 23.805 tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng thương mại đứng đầu với giá trị phát hành đạt 14.629 tỷ đồng, chiếm gần 61% tổng giá trị phát hành. Trong đó, OCB có giá trị phát hành lớn nhất với 2.600 tỷ đồng (chiếm 10,78% tổng giá trị phát hành) sau 2 đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm.
Tiếp sau đó là MB với giá trị phát hành 2.500 tỷ đồng (chiếm 10,37%) và ACB với 2.000 tỷ đồng (chiếm 8,29%).
Nhóm bất động sản xếp thứ hai khi phát hành 6.879 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 28,53% tổng giá trị phát hành.
Đến tháng 6/2022, để có vốn làm dự án, nhiều doanh nghiệp BĐS phải phát hành thêm trái phiếu. Trong tháng này, nhóm ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục đứng đầu về giá trị phát hành trong tháng 6 với khối lượng là 15.790 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp BĐS cũng phát hành trái phiếu, có thể kể đến như: Công ty CP Đầu tư và Bất động sản Hưng Lộc (150 tỷ đồng); Công ty CP Đầu tư Nam Long (500 tỷ đồng); Tập đoàn Novaland (2.000 tỷ đồng)…
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng của doanh nghiệp BĐS là 8.996 tỷ đồng và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ 143.389 tỷ đồng. Tuy nhiên, lượng trái phiếu do doanh nghiệp BĐS phát hành vẫn ở mức thấp, chỉ chiếm 6,2% tổng giá trị phát hành.
Bạch Hiền (t/h)