Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cú sốc mất tất cả sau một đêm của người phụ nữ mang bầu 8 tháng

(DS&PL) -

Chỉ sau 1 đêm, người phụ nữ đang mang bầu tháng thứ 8 này tưởng như không gượng dậy nổi khi đã mất đi tất cả: mất chồng, mất việc và một đống nợ nần...

Chỉ sau 1 đêm, người phụ nữ đang mang bầu tháng thứ 8 này tưởng như không gượng dậy nổi khi đã mất đi tất cả: mất chồng, mất việc và một đống nợ nần của chồng cứ bất ngờ tìm đến. Để những ngày sau đó, có nằm trong mơ, chị cũng không tưởng tượng được cuộc đời mình lại cơ cực đến vậy.

Người phụ nữ bất hạnh và đầy vất vả ấy chính là chị P.T.T.H, 30 tuổi. Hiện chị sống cùng con trai nhỏ ở nhà bà ngoại và đang kinh doanh thiết bị y tế tại TP. Hưng Yên.

Lấy chồng 16 tháng, sau ngày chồng mất mới tá hỏa biết chồng có máu lô đề

Quen nhau qua một người anh họ của chồng (sau này) giới thiệu, khi đó T.H đang là giáo viên dạy hợp đồng ở một trường cấp 3 ngay sát nhà chồng. Chưa kể, nhà T.H trên thành phố cũng ngay gần cửa hàng bán thiết bị y tế của chồng nên họ nhanh chóng quen và yêu nhau.

Như bao cặp đôi khác, họ nên vợ nên chồng sau hơn 1 năm tìm hiểu: “Quen nhau hơn 1 năm thì chúng mình cưới. Thời gian yêu và cả sau khi cưới, anh vẫn rất quan tâm, chăm sóc mình cũng như đối xử tốt với bố mẹ, họ hàng bên nhà vợ. Vợ chồng mình sống tình cảm, nhiều người ngoài còn nói mình may mắn khi lấy được anh vì anh nhanh nhẹn, hoạt bát, đẹp người, tốt tính… Mình cũng rất tin tưởng anh ở đức tính này” - chị T.H nói.

Và cũng bởi tin tưởng chồng hoàn toàn nên chị không hay biết anh ngấm ngầm chơi lô đề từ lúc nào. Theo lời chia sẻ của người vợ trẻ này thì trong quãng thời gian yêu nhau cũng như khi đã kết hôn, anh không hề có biểu hiện của một người mê cờ bạc, chơi lô đề.

“Mình không hề biết điều kinh khủng ấy, không rõ vì chồng giấu quá giỏi hay vì mình quá tin tưởng chồng mà không nhận ra điều đó. Thậm chí khi có ai đó nói chuyện lô đề, anh còn bảo họ chơi làm gì, ăn làm sao được… Bạn bè của chồng cũng hoàn toàn bất ngờ khi biết anh như vậy. Có lần anh còn về quê nhờ mẹ chồng vay lãi ngày mà bà cũng không nói gì cho con dâu biết”.

Sự việc vỡ lở, T.H mới ngỡ ngàng biết chồng nghiện chơi đề là khi chị kiểm tra lại két sắt của gia đình và thấy trong kết trống rỗng. Nhưng thời điểm đó, người phụ nữ đang mang bầu tháng thứ 8 vẫn đinh ninh cho rằng đó chỉ là lần duy nhất anh dính vào trò "đỏ đen". Nào ngờ: “Khi mình thấy ở trong két không còn tiền nên có hỏi anh. Lúc này anh mới nói thật là trả nợ do chơi đề. Anh đã xin mình tha lỗi và hứa sẽ không chơi nữa. Anh bảo giờ còn nợ 50 triệu nữa. Anh xin mình nhờ bố mẹ đẻ vay cho anh 50 triệu để anh trả cho hết nợ rồi không bao giờ chơi nữa”.

Người vợ trẻ này kể cụ thể: “Lúc đó mình đang mang bầu nên cũng nói rõ ràng với anh đây là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng mình làm việc này. Nếu còn có lần thứ 2 anh tự giải quyết và mình không chấp nhận một người chồng như thế. Thế nhưng, ngày thứ 5 anh và bố vợ đến ngân hàng rút tiền thì tối thứ 7 anh gặp tai nạn mất đột ngột”.

Chị P.T.T.H, 30 tuổi.

Đang mang bầu tháng thứ 8, T.H vô cùng bàng hoàng khi chồng ra đi quá đột ngột. Đau đớn khi mất đi chỗ dựa trụ cột gia đình, T.H cho đến giờ vẫn không tin đó là sự thật. Không chỉ mất chồng, T.H còn phải đối mặt với những nỗi cơ cực khác.

“Cuộc sống của mình đến tận lúc này nhiều khi mình cũng chẳng muốn tin đó là sự thật. Từ giáo viên của một trường cấp 3, chồng bán dụng cụ y tế, thế rồi sau một đêm mình mất tất cả, mất chồng, mất việc. Khi chồng mất cũng để lại cho mình một đống nợ nần. Điều mình hối tiếc nhất cho đến tận bây giờ là đã quá chắc chắn và tin tuyệt đối ở chồng. Anh hiền, tốt tính, quan tâm, chia sẻ nhưng mình không ngờ anh lại mê đánh đề. Lúc anh mất, cả nhà còn đang lo việc hậu sự cho anh thì những chủ nợ đã đánh tiếng đòi nợ mình. Những ngày sau đó, có nằm mơ mình cũng không tưởng tượng nổi cuộc đời mình lại cơ cực đến như vậy. Mình tưởng rằng đã không thể gượng dậy được”.

Mất chồng, mất việc và đối mặt với một đống nợ nần của bà mẹ đơn thân

Sau ngày chồng mất, trong đầu T.H lúc ấy và cả lúc này chỉ còn 2 chữ vì con: “Mình mang thai rất vất vả, nghén từ lúc mang bầu đến khi sinh, không ăn được gì. Con là món quà duy nhất mà ông trời đã ban cho mình. 20 ngày sau khi chồng mất, mình sinh con. Khi mình lên viện sinh con, nhà chồng không một ai vào viện thăm mình. Sau đó mình xin về nhà bố mẹ đẻ thì 5 ngày sau mẹ chồng chỉ chủ nợ đến nhà bố mẹ đẻ đòi tiền mình. Trong khi những khoản đó do mẹ chồng đi hỏi vay cho con trai bà - chồng mình".

Rồi cứ thế, hàng tháng chủ nợ cứ tìm đến chị mà đòi nợ. Và cũng chính vì bị "săn đuổi" ráo riết, chủ nợ tìm tới tận cơ quan để đòi nợ, ảnh hưởng tới công việc nên chị T.H phải xin nghỉ dạy ở trường. Một mình vất vả nuôi con, lại phải gồng thêm cả khoản nợ cho người chồng đã mất, chị T.H cố gắng vay mượn để trả một số khoản nợ của chồng để có thể yên ổn hơn mà duy trì việc kinh doanh của cửa hàng thiết bị y tế. "Những khoản mình đã trả cũng bằng tiền mở 1 cửa hàng mới mà vẫn chưa thấm vào đâu so với khoản tiền nợ anh ấy để lại cho mình” - T.H nói trong nước mắt.

Chồng mất, công việc mất, nợ nần chồng chất, cơ hội vào nhà nước làm với T.H cũng đóng chặt khiến bà mẹ 1 con này tưởng như không thể gượng dậy nổi.

“Mình tưởng chừng đã không thể gượng dậy được nhưng vì con, vì bố mẹ mình đã cố gắng... Mình đã mất tất cả, cuộc sống bế tắc cùng cực và niềm hạnh phúc, hy vọng duy nhất lúc đó của mình chỉ là đứa con bé bỏng. Cũng vì con mà mình từng bước gượng dậy”.

Kể từ ngày chồng mất cho đến nay đã được 4 năm, T.H chưa một ngày được sống thảnh thơi.

“Mình cứ tưởng anh đã trả hết nợ nhưng thực ra còn rất nhiều. Anh nợ từ chủ nợ cho vay lãi ngày đến cả những nơi là đối tác kinh doanh. Tiền đáng ra phải mang đi nhập những lô hàng mới thì anh thường xuyên nhập hàng chịu của bên cung cấp. Khách hàng lớn khi mua hàng cho cơ quan đáng ra là chuyển khoản, thì anh bắt họ phải trả bằng tiền mặt. Những số tiền đó anh đều đổ hết vào cơn mê đỏ đen của mình.

Mẹ chồng sau này còn nói đã vay cho chồng mình những khoản vay ở ngân hàng và vay ngoài tổng cộng gần 300 triệu. Và cho đến giờ mình vẫn phải lăn lưng ra làm để trả nợ. Mình không dám làm phép tính cộng tỉ mỉ nhưng nhẩm ra những khoản anh nợ cũng gần 1 tỉ. Mẹ chồng nói là vay cho vợ chồng làm ăn thì bây giờ mình phải trả. Trong khi bà thừa biết, cửa hàng nhà mình có mấy chục mét vuông chứ có phải đại lý cấp 1 đâu mà vay đến chừng đó”.

Trước đó, vì khó khăn, bế tắc, người phụ nữ này đã từng có ý nghĩ dùng cái chết để giải quyết tất cả: “Mình đã có ý định chết vì nghĩ không biết ngày mai lấy gì mà sống, mà nuôi con, rồi con mình lại khổ vì mình. Một lần mình đã ngã xe trước ô tô nhưng chiếc xe đó đã kịp thời phanh lại, người lái xe con dừng xe lại nâng mình dậy còn dặn dò bụng to rồi phải đi lại cẩn thận. Bạn học cùng đại học của mình biết chuyện đã mắng mình rất nhiều. Có thể nói mình sống đến ngày hôm này là ơn bố mẹ đã sinh ra mình một lần nữa và cũng nhờ người bạn học cùng đại học đó”.

Nói về bố mẹ đẻ và anh chị em ruột đã cưu mang 2 mẹ con lúc khó khăn nhất, T.H kể: “Bố mẹ đẻ của mình đã cố gắng chắt chiu từng đồng lương để cưu mang 2 mẹ con mình. Anh trai mình làm cơ khí cho tư nhân cũng xin nghỉ 2 tuần để bán hàng lo cho mình sau khi mình sinh con. 15 ngày sau sinh mình phải ra bán hàng vì có quá nhiều chủ nợ đến nhà bố mẹ đẻ mình đòi tiền, thậm chí còn cãi lộn vì mình nói không biết và mình không có trách nhiệm phải trả. 

Mình hơn người ta có mỗi tờ đăng ký kết hôn mà đời mình quá khổ. Những khoản liên quan đến mối làm ăn thì mình cố gắng trả để tiện cho công việc. Rồi khó khăn chồng khó khăn khi một cửa hàng thiết bị y tế khác khai trương ở ngay bên cạnh cửa hàng nhà mình. Sự cạnh tranh tăng lên mà vốn của mình là con số âm. Với những nơi phải trả là mối làm ăn mình cũng xin phép cho mình trả dần dần, còn những khoản không biết thì mình cũng không thể trả được”.

Nếu như những phụ nữ khác mất chồng là mất đi chỗ dựa, mất đi người bạn đời thì với T.H còn phải gánh hậu quả quá nặng nề mà đến tận bây giờ chị vẫn chưa khắc phục hết.

“Đã gần 4 năm nay mình vẫn quay cuồng trong những khoản nợ đó mà vẫn chưa hết. Hàng hóa thì không mở rộng được thêm mà cứ phải trả nợ trong khi càng ngày càng có nhiều cửa hàng mở thêm, thu nhập của mình lại càng giảm. Nói thật, đến tận lúc này đây, mình cũng không biết cuộc sống của mẹ con mình sau này sẽ ra sao".

Với người phụ nữ này, con trai nhỏ chính là động lực để T.H sống và cố gắng.

Cũng may, bù lại cho người mẹ đơn thân này là con trai rất ngoan. Và T.H cứ lấy con làm động lực sống để cố gắng từng ngày. "Mình nuôi con vất vả. Bình thường cháu rất ngoan nhưng vì biếng ăn nên cũng hay ốm vặt, mà mỗi lần ốm thì không rời mẹ nửa bước. Nhiều khi thương con vì mình để bé ở nhà với ông bà ngoại cả ngày, tối mới được gần mẹ mà không làm gì được. Hai tuổi rưỡi con bắt mẹ dạy chữ, dạy số và con tiếp thu rất nhanh, nhớ lâu. Có lần con bị ngã, đau mồm không ăn được. Mình về nhà thấy con như vậy nhưng vẫn cay sống mũi khi con còn động viên mình: ‘Mẹ H đừng khóc nhé, lát Cún khỏi thôi’. Con chính là động lực để mình sống và cố gắng”.

“Giờ mẹ con mình sống nhờ nhà ông bà ngoại và vợ chồng anh trai chị dâu. Sống chung nói thật cũng không được thoải mái lắm nên mong ước lớn nhất của mình là vay được 1 khoản tiền để mở rộng kinh doanh, trả hết nợ nần và tích góp được ít tiền xây nhà, nhỏ cũng được để ra ở riêng và phụng dưỡng bố mẹ mình. Dẫu biết rằng ước mơ đó giờ đây là quá xa vời, xa xỉ nhưng mình vẫn luôn nghĩ về con để không chùn bước, để cố gắng. Mỗi ngày cố một ít hi vọng ông trời thương cho hai mẹ con luôn mạnh khỏe để mình còn cố gắng”.

Tin nổi bật