Tạp chí Tri thức cho biết, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, địa phương này vừa ghi nhận một trường hợp không qua khỏi nghi do bệnh dại tại huyện Ea H’leo.
Theo báo cáo, bệnh nhân nữ tên H.H.N (71 tuổi, trú xã Ea Ral, huyện Ea H'Leo, Đắk Lắk). Trước đó, ngày 27/4, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng đau bụng vùng thượng vị, buồn nôn nên được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Ea H'leo khám, điều trị.
Đến sáng 30/4, bệnh nhân sốt cao, người mệt mỏi, kích thích, vật vã, sợ nước, sợ gió, không ăn uống được và được chuyển đến Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) với chẩn đoán theo dõi bệnh dại, viêm loét dạ dày.
Người phụ nữ tử vong nghi do phát bệnh dại sau 2 năm bị mèo cắn. Ảnh minh họa.
Đến 14h cùng ngày, gia đình xin cho bệnh nhân về nhà với chẩn đoán ra viện theo dõi bệnh dại. Sau đó, bệnh nhân tử vong tại nhà vào trưa 1/5.
Theo gia đình, khoảng hai năm trước, bà từng bị mèo cắn vào tay nhưng không tiêm phòng vaccine dại. Trong thời gian gần đây, người nhà không rõ bà có tiếp xúc hay phơi nhiễm thêm với nguồn lây bệnh dại hay không.
Báo Thanh niên đưa tin, theo Sở Y tế Đắk Lắk, đây là trường hợp tử vong thứ 3 nghi do bệnh dại trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.
Hồi tháng 1, có 2 người tử vong; trong đó một người làm nghề buôn bán chó là ông N.V.N (70 tuổi, trú xã Ea Pil, huyện M'Drắk), người thứ 2 là bé trai Y.N.H (11 tuổi, trú xã Băng A Drênh, huyện Krông Ana). Cả hai đều bị chó cắn trước đó nhiều tháng nhưng không tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Dại là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất, có tỷ lệ không qua khỏi cao khi đã lên cơn. Hiện tại, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng có thể phòng ngừa bằng các biện pháp tiêm phòng.
Bên cạnh đó, để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân có thể thực hiện các biện pháp sau:
Tiêm vaccine phòng dại đầy đủ cho chó, mèo và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích hoặc nhốt, khi ra ngoài phải đeo rọ mõm.
Tránh tiếp xúc, đùa nghịch với chó, mèo lạ.
Khi bị chó, mèo cắn, cần rửa vết thương ngay lập tức dưới vòi nước chảy với xà phòng trong ít nhất 15 phút, sau đó rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod. Nạn nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm vaccine phòng dại cùng huyết thanh kháng dại.
Hướng dẫn trẻ em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho người thân khi bị chó, mèo cắn.