Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Công viên nước Thanh Hà: Giọt nước mắt của người con gái đẹp

(DS&PL) -

Thanh Hà – hàm ý nói về 1 người con gái đẹp. Thanh Hà từ bãi đất sình lầy chuyển mình thành 1 mảnh đất lành, một khu đô thị xanh – hiện đại đáng sống bậc nhất khu vực.

Thanh Hà – hàm ý nói về 1 người con gái đẹp. Thanh Hà từ bãi đất sình lầy chuyển mình thành 1 mảnh đất lành, một khu đô thị xanh – hiện đại đáng sống bậc nhất khu vực. Thanh Hà không chỉ là một dự án để kinh doanh mà nó còn là tâm huyết của một doanh nghiệp. Vậy mà giờ đây, Thanh Hà đã không còn trọn vẹn sau hàng loạt quyết định vô cảm của chính quyền địa phương.

Chính quyền liệu đã quá vội vàng.

Đúng 7h sáng ngày 15/01/2020 (tức ngày 20 tết) lực lượng liên ngành phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội gồm công an, tư pháp, quản lý đô thị, và đội quản lý trật tự xây dựng đã tiến hành cưỡng chế, phá dỡ Công viên nước Thanh Hà – một công viên lớn được mệnh danh là “Disneyland của Việt Nam". Trước đó, chủ đầu tư của dự án đã nhận được công văn của UBND quận Hà Đông và UBND phường Phú Lương về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với lô đất A2.2 CCĐT01. Mặc dù, công ty này đã có văn bản xin thêm thời hạn để tự tháo dỡ và di rời. Lý do mà doanh nghiệp đưa ra là khối lượng tài sản khá lớn, các hạng mục tháo dỡ phức tạp, khối lượng công việc quá nhiều, các công đoạn tháo dỡ cần đảm bảo an toàn, nguyên vẹn cho các thiết bị, tài sản bên trong. Nhất là thời điểm thi công lại cận kề Tết Nguyên đán, nhân công, thiết bị không thể đáp ứng được vậy mà các đề nghị này không được chấp thuận. Công văn yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ trong vòng 15 ngày, đây có lẽ là một nhiệm vụ “bất khả thi” đối với đơn vị này.

Trên địa bàn Hà Nội không thiếu công trình vi phạm trật tự xây dựng, thậm chí các vấn đề đó cũng không ít lần được đưa lên nghị trường Quốc hội. Sai phạm đương nhiên là phải xử lý, tuy nhiên cần cân nhắc thậm chí nghiên cữu kỹ giữa được và mất nhằm đưa ra phương pháp thấu tình đạt lý nhất, vì dẫu có sai thì đây vẫn là tài sản của xã hội, là tiền của, công sức của doanh nghiệp, là quyền lợi của người dân.

Chưa kể, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước thì các cấp chính quyền khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân  xây dựng khu vui chơi cho trẻ em theo hướng xã hội hóa. Thực tế, tại nhiều địa phương, việc xã hội hóa điểm vui chơi giải trí đã được thực hiện và đem lại hiệu quả khá khả quan. Chẳng hạn ở Hải Phòng, với khu giải trí New Space bên hồ An Biên hoặc ở Đà Nẵng có gia đình ông Võ Thành Trung đang sở hữu 5 điểm vui chơi đối với cả trẻ em và người lớn. Đó là một chủ trương đúng đắn, tận dụng được mọi nguồn lực của xã hội. Ngay trên địa bàn quận Hà Đông cũng có tới 2 công trình với tính chất xã hội hóa là Công viên 365 và công viên nước Thanh Hà. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, không phải chủ đầu tư nào cũng có khả năng hiện thực hóa các dự án một cách triệt để. Trong khi Công viên nước Thanh Hà chỉ trong vòng 9 tháng đã đưa vào hoạt động, thì Công viên 365 đã hơn 10 năm vẫn dậm chân tại chỗ (được biết, đây là một công viên có diện tích 100ha ở vị trí trung tâm quận Hà Đông, đã được giải phóng mặt bằng từ trước năm 2008).Vậy mà, chỉ trong vòng 2 ngày toàn bộ công viên nước Thanh Hà vốn đẹp đẽ, hiện đại này đã bị san phẳng một cách không thương tiếc. Đó là một nghịch lý cho thấy sự vội vã trong quyết định của chính quyền địa phương.

KĐT Thanh Hà được biết đến là một khu đô thị xanh – văn minh – an lành. Hàng ngàn tỷ đồng được đầu tư để xây dựng một không gian sống xanh với hơn 30 ha là hồ điều hòa, hàng trăm héc ta công viên cây xanh và nhiều tiện ích công cộng. Việc đập bỏ hoàn toàn một khu vui chơi lớn, một tiện ích đáng kể như công viên nước Thanh Hà quả thực là một sự “xót xa” không chỉ cho chủ đầu tư, mà còn gây ra sự “nuối tiếc” cho người dân và một làn sóng bức xúc trong dư luận.

 Trên mạng xã hội Facebook cư dân Khu đô thị Thanh Hà đã thẳng thắn chia sẻ nỗi bức xúc này bằng rất nhiều dòng cảm xúc đầy tiếc nuối. Có ý kiến cho rằng công trình này không làm ảnh hưởng đến mật độ, mỹ quan của thành phố, là một tiện ích đáng mơ ước của bao khu đô thị cớ sao lại đập bỏ, hơn nữa đó lại là khu vui chơi cho trẻ em xây dựng trên đất dự án phục vụ dân sinh thì lại càng phải ưu tiên cấp phép cho họ. Cũng có ý kiến cho rằng không thiếu cách xử lý trong trường hợp này, mở ra cho doanh nghiệp một lối thoát vừa đảm bảo kỉ cương phép nước vừa tránh lãng phí tài sản doanh nghiệp, xã hội. Ngoài ra, cũng có rất nhiều câu hỏi mà người dân muốn đặt ra cho chính quyền địa phương về sự buông lỏng quản lý cũng như thiếu kiên quyết trong việc xử lý sai phạm gây tổn thất nghiêm trọng.

Giọt nước mắt Thanh Hà

Tổn thất của doanh nghiệp là điều không phải bàn cãi. Theo ước tính, tổng vốn đầu tư xây dựng Công viên nước Thanh Hà lên tới 500 tỷ, nay đã chỉ còn lại một đống đổ nát, hoàng tàn. Thời đại 4.0 dường như là thời đại của một thế hệ “cúi đầu”, trẻ em thay vì được nô đùa chạy nhảy tại các khu vui chơi ngoài trời thì lại chỉ biết “ôm” lấy các thiết bị điện tử di động; giới trẻ thay vì gặp gỡ, tương tác với nhau thì chỉ giao lưu qua mạng xã hội. Hà Nội dường như quá chật chội, thành phố bị bức tử bởi các khối bê tông đồ sộ. Trên địa bàn quận Hà Đông cùng các khu vực lận cận, không gian xanh quá ít ỏi so với mật độ dân số khổng lồ. Sự xuất hiện của công viên nước Thanh Hà như một dòng nước mát giải nhiệt cho hàng vạn người dân phía Tây Thủ đô. Việc “khai tử” hoàn toàn công viên nước Thanh Hà thực sự không chỉ còn là tổn thất của doanh nghiệp, cộng đồng xã hội, mà còn là sự “vô cảm” của các cấp chính quyền.

Kể từ đây trẻ em khu vực Hà Đông nói riêng và cả nước nói chung sẽ vĩnh viễn mất đi một nơi để vui chơi; Khu đô thị Thanh Hà mất đi một công trình tiện ích vì cộng đồng; Xã hội mất đi một khối tài sản không hề nhỏ và hơn hết lòng tin của doanh nghiệp, của các nhà đầu tư đã bị tổn thương nặng nề. 

Thu Hà

Tin nổi bật