Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Công an Hà Tĩnh thu giữ 2.500 mẫu kit test COVID-19 không rõ nguồn gốc

  • Anh Ngọc
(DS&PL) -

Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa phát hiện bắt giữ 2 vụ vận chuyển, tàng trữ 2.500 mẫu kit test COVID-19 không rõ nguồn gốc.

Liên tiếp bắt giữ nhiều kit test không rõ nguồn gốc

Vào khoảng 5h50 ngày 11/3, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện chị Nguyễn Thị Hiếu (SN 1994), trú tại thôn 6, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đang vận chuyển 2.000 kit test nhanh kháng nguyên COVID-19 mang nhãn hiệu nước ngoài, có xuất xứ từ Trung Quốc.

Tại thời điểm kiểm tra, chị Nguyễn Thị Hiếu không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa nói trên. Trị giá hàng hóa khoảng 100 triệu đồng.

Cơ quan Công an kiểm tra kho hàng của chị Văn Thị Hải. Ảnh Công an Hà Tĩnh.

Trước đó, vào khoảng 10h ngày 10/3, Phòng Cảnh sát kinh tế cũng đã phát hiện tại kho ký gửi hàng hóa Phú Quý có địa chỉ: số 146, đường Hà Huy Tập, phường Hà Huy Tập, Tp.Hà Tĩnh do chị Văn Thị Hải quản lý có chứa 500 kit test nhanh kháng nguyên COVID-19.

Số hàng hóa này mang nhãn nước ngoài, có xuất xứ từ Trung Quốc. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện 264 chai nước rửa tay khô sát khuẩn do Công ty TNHH Thương mại TH-NIA sản xuất.

Tại thời điểm kiểm tra, những người có liên quan không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa nói trên. Trị giá hàng hóa khoảng 50 triệu đồng.

Các vụ việc hiện được Phòng Cảnh sát kinh tế lập hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật. Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không mua và sử dụng các loại dụng cụ xét nghiệm, thuốc điều trị Covid chưa được cơ quan y tế cho phép lưu hành, tránh rơi vào tình cảnh “tiền mất, tật mang”, tạo cơ hội cho các đối tượng thu lời bất chính.

Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với lực lượng quản lý thị trường Hà Tĩnh kiểm tra, phát hiện số kit test không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh Công an Hà Tĩnh.

Kiểm tra kinh doanh các mặt hàng phòng chống dịch

Liên quan đến vấn đề trên, sở Y tế Hà Tĩnh vừa thành lập đoàn đi kiểm tra việc thực hiện các quy định về kinh doanh, mua, bán các mặt hàng sử dụng để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại một số cơ sở kinh doanh thuốc, vật tư y tế trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh.

Đoàn đã tập trung kiểm tra hồ sơ hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật về việc mua bán các thuốc điều trị COVID-19, kit test xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2; việc thực hiện các quy định về niêm yết giá và bán theo giá đã niêm yết; nguồn gốc xuất xứ, chất lượng thuốc, kit test nhanh và việc chấp hành các quy định khác trong hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật.

Qua kiểm tra cho thấy, các cơ sở kinh doanh thuốc, vật tư, thiết bị y tế đều thực hiện tốt việc niêm yết giá công khai giá tại điểm bán, dao động từ 55.000 - 70.000/bộ kit test nhanh; không có tình trạng nâng giá, không bán giá theo giá niêm yết; giá các sản phẩm kit test xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đều thấp hơn so với giá bộ Y tế công bố; không phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng.

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh, trên thị trường Hà Tĩnh chưa phát hiện trường hợp sản phẩm kit test COVID-19 kém chất lượng. Dù vậy, những dự báo về việc người dân mua phải sản phẩm test độ nhạy thấp, kết quả không chính xác luôn có thể xảy ra. Điều này dẫn đến người dân khi thử ra kết quả âm tính sẽ mất cảnh giác khiến nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng tăng cao.

Rao bán kit test không có nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh Công an Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, sở Y tế Hà Tĩnh khuyến cáo: “Người tiêu dùng Hà Tĩnh nên tìm mua sản phẩm kit test COVID-19 nằm trong danh mục bộ Y tế cấp phép lưu hành. Riêng đối với những người có nhu cầu mua kit test nhanh trên các trang thương mại điện tử thì lưu ý, chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công thương”.

Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: thông tin về chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại…), thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như: đổi/ trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.

Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, người dân cần tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng; các đơn vị bán hàng là các cửa hàng thuốc được cấp phép và các mặt hàng nằm trong danh mục được phép lưu hành;…

Tuyệt đối không nên mua ở những fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải ký ban hành Công điện số 02/CĐ-UBND “Về việc tăng cường kiểm soát việc cung cấp trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19”. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các lực lượng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, kiểm tra và ngăn chặn các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán giá các trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19 bất hợp lý.

Tin nổi bật