Một bà mẹ mới đây đã đăng tải câu chuyện vừa xảy đến với con trai cùng lời cảnh báo của bác sĩ lên một nhóm chia sẻ cách nuôi dạy con.
Theo lời kể của bà mẹ, thời tiết đã chuyển lạnh nên khi tắm cho con trai sơ sinh, chị cho nước nóng hơn một chút. Để tránh con bị bỏng, bà mẹ cẩn thận kiểm tra lại nhiệt độ của nước trước khi thả con vào chậu, thấy chỉ cao hơn nhiệt độ cơ thể một chút.
Cho rằng nhiệt độ nước ở mức vừa, bà mẹ liền thả con trai xuống chậu và bắt đầu tắm cho cậu bé. Suốt quá trình tắm, cậu bé tỏ ra cáu gắt, khó chịu và quấy khóc nhưng bà mẹ lại không mấy để tâm, sau đó còn cho con ngâm mình trong chậu nước để cậu bé thoải mái hơn.
Tuy nhiên, bé trai vẫn khóc không ngừng nên bà mẹ đành bế con ra và lau khô người cho cậu bé. Tới khi mặc quần áo cho con, bà mẹ mới giật mình phát hiện toàn thân cậu bé nổi đầy mẩn đỏ, cơ thể đỏ rực lên như tôm luộc.
Bà mẹ phát hiện cơ thể con trai đỏ rực, nổi mẩn đỏ sau khi tắm. Ảnh minh họa
Lo con gặp vấn đề về sức khỏe, bà mẹ lập tức đưa con đến bệnh viện để kiểm tra. Sau khi thăm khám, bác sĩ cho biết tình trạng sức khỏe của cậu bé bình thường, không có gì đáng lo. Theo bác sĩ, nguyên nhân khiến cả người bé trai đỏ rực lên là do nhiệt độ nước tắm quá cao.
Bác sĩ giải thích dạ của trẻ sơ sinh rất mỏng manh, nhiệt độ nước tắm và ngâm không thể vượt quá 42 độ C. Nếu nhiệt độ nước tắm vượt qua mức này, trẻ có thể gặp phải tình trạng kích ứng da, bị bỏng, gây tổn thương đến da và vùng kín.
Bác sĩ cũng cảnh báo nước tắm quá nóng cùng có thể ảnh hưởng tới sự hát triển của cơ quan sinh dục, thậm chí làm mất đi khả năng sinh sản sau này khi trẻ trưởng thành, chủ yếu xảy ra ở các bé trai. Theo các chuyên gia, cơ quan sinh dục của bé trai nằm ở ngoài nên nhạy cảm hơn với nhiệt độ nước, không chịu được nhiệt độ cao hơn nhiệt độ cơ thể.
Nhiệt độ nước tốt nhất để tắm cho trẻ sơ sinh nên được kiểm soát ở mức 37 – 38 độ C vào mùa hè và 39 – 42 độ C vào mùa đông. Bố mẹ và người chăm sóc nên dùng khuỷu tay hoặc cổ tay để thử nhiệt độ của nước, chỉ cần thấy ấm là được.
Bên cạnh nhiệt độ nước, bố mẹ và người chăm sóc cần tránh những sai lầm dưới đây khi tắm cho trẻ sơ sinh:
Tắm quá lâu
Việc tắm quá lâu sẽ khiến da bé bị khô, bong tróc, ảnh hưởng tới sự tiết bã nhỡ. Bố mẹ chỉ nên tắm cho con trong khoảng 10 phút, riêng trẻ dưới 1 tháng tuổi thì nên tắm trong 5 phút.
Tắm hàng ngày
Trẻ sơ sinh tương đối sạch và ít mồ hôi nên bố mẹ không nhất thiết phải tắm cho bé mỗi ngày. Trong những ngày thời tiết se lạnh, bố mẹ có thể sử dụng khăn ấm để lau rửa cơ thể con, chú ý vệ sinh các khe, nếp gấp của da và ở bộ phận sinh dục.
Gội đầu cho trẻ trước tiên
Bố mẹ nên gội đầu cho con sau khi đã vệ sinh mặt để não bộ kịp thời tiếp nhận và thích ứng với những thay đổi của cơ thể. Bố mẹ cũng cần lau khô đầu cho con ngay sau khi gội xong, không để nước chảy vào tai trẻ.
Kiêng tắm khi trẻ bị sốt
Việc tắm cho trẻ khi bị sốt sẽ giúp giảm nhiệt độ cơ thể, thường không gây ra nguy hiểm như nhiều người lầm tưởng. Tuy nhiên, bố mẹ cần phải đảm bảo tắm cho con trong phòng kín gió, pha nhiệt độ nước thấp hơn nhiệt độ cơ thể bé khoảng 2 độ C. Bố mẹ nên tắm nhanh cho con trong khoảng 5 phút, sau đó lau khô người trẻ và mặc quần áo thông thoáng.
Không chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cần thiết trước khi tắm cho trẻ
Trước khi tắm cho con, bố mẹ cần chuẩn bị đầy đủ tất cả những thứ cần thiết như chậu dài, chậu tròn, sữa tắm, dầu gội, khăn tắm…
Tắm cho trẻ ở nơi thoáng gió
Khi tắm ở nơi thoáng gió, trẻ có thể bị lạnh và cảm lạnh, ngay cả khi đang ở trong mùa hè nóng bức. Vì thế, bố mẹ cần hết sức chú ý, tránh tắm cho con ở những khu vực thoáng gió.
Thời gian tắm quá muộn
Nhiều bố mẹ thường tắm cho con sau 16h hàng ngày ngay cả khi trời lạnh vì cho rằng việc đó giúp bé sạch sẽ nhất. Thực tế, thời gian tốt nhất để tắm cho bé là từ 14h – 16h mỗi ngày.
Đinh Kim (T/h)