Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Con gái viết chữ đẹp, đều tăm tắp nhưng người mẹ lại không vui vì lý do này

(DS&PL) -

Con viết chữ đẹp đều tăm tắp là điều cha mẹ nào cũng mong muốn. Tuy nhiên, hệ lụy từ việc luyện chữ đẹp như viết quá lâu, chậm tư duy... thì không phải ai cũng biết.

Con viết chữ đẹp đều tăm tắp là điều cha mẹ nào cũng mong muốn. Tuy nhiên, hệ lụy từ việc luyện chữ đẹp như viết quá lâu, chậm tư duy... thì không phải ai cũng biết.

Phụ huynh lo lắng vì con luyện chữ đẹp

Giáo dục và Thời đại đưa tin, mới đây, một bà mẹ ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) đã gây sốt cộng đồng mạng khi chia sẻ những trang bài tập của con với nét chữ đều tăm tắp như in.


Điều lạ là thay vì tỏ ra vui mừng với những lời khen từ cộng đồng mạng, người mẹ này lại chia sẻ rằng thực tế cô không vui mừng vì con viết chữ chỉn chu quá mức như thế này. Lý do là vì con quá tập trung vào việc nắn nót chữ viết nên tốc độ làm bài tập rất chậm, ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập.

"Vì con viết bài rất cẩn thận nên tốc độ viết của con lúc nào cũng chậm hơn rất nhiều so với các bạn khác. Con cũng thường không có đủ thời gian để làm hết bài kiểm tra hay những bài tập về nhà khiến điểm số thường xuyên bị trừ, ảnh hưởng đến kết quả học tập.

Nhiều lần, tôi và con phải cùng nhau làm bài tập vào ban đêm để bù đắp phần kiến thức còn thiếu. Điều này thực sự ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển của con", người mẹ chia sẻ những lo lắng của mình về sự chỉn chu quá mức của con.

Tuy nhiều người an ủi động viên bà mẹ rằng điều này về lâu về dài có nhiều lợi ích cho con nhưng hiển nhiên là trước mắt, việc này mang lại hệ lụy cho cháu bé vì phải nhận kết quả học tập kém hơn dù chữ viết đẹp.

Từng bị việc luyện chữ của con khiến cho điên đầu, nhiều ông bố bà mẹ ở Việt Nam cũng lên tiếng về việc ép trẻ gắng sức luyện chữ.

Chị Nguyễn Thị Linh (32 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) có con học tiểu học, mỗi tối phải mất hàng giờ luyện chữ, đã chia sẻ với Khám phá rằng: Chị không ủng hộ quan niệm “nét chữ nết người” bởi chị nghĩ rằng nét chữ nói lên tính cách con người chỉ là một phần nhỏ.

“Tôi đề xuất nên bỏ luyện chữ đối với học sinh tiểu học để giảm áp lực học tập, gánh nặng cho trẻ. Học sinh bây giờ đến trường viết chữ sao cho đủ nét, dễ đọc, trình bày sạch sẽ xem được là đủ. Đặc biệt, khi không phải dành thời gian cho việc luyện chữ, các em nhỏ có nhiều thời gian để vui chơi, học tập các kỹ năng khác hữu ích trong cuộc sống”, chị Linh bày tỏ.

Tác hại của việc bắt trẻ luyện chữ đẹp

Phó giáo sư Nguyễn Hữu Hợp, giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Phó giáo sư Nguyễn Hữu Hợp, giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, hiện nay các trường có các tiết tập viết dành cho trẻ, phong trào viết chữ đẹp, thậm chí còn coi vở sạch chữ đẹp như một tiêu chí để đánh giá học sinh. Những quy định, yêu cầu khắt khe đó đã dẫn tới việc học sinh quá tải trong việc luyện chữ, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của các em.

Khi cha mẹ, giáo viên ép học sinh luyện chữ quá sức sẽ làm cho trẻ chậm tư duy, khi viết các em tập trung vào nét bút chứ không tập trung vào nội dung.

“Như vậy, khi cô giáo cho học sinh viết một câu văn mà học sinh quá chú trọng vào nét chữ mà không hiểu nội dung, ý nghĩa của câu văn đó thì lại thành dở. Mặt khác, tư duy của các em chậm phát triển, không linh hoạt chỉ vì dành quá nhiều thời gian nghĩ đến việc viết chữ sao cho đẹp”, ông Hợp nói.

Vietnamnet dẫn lời bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu – Bệnh viện E cho hay, việc phải luyện viết chữ thường xuyên, trong thời gian dài sẽ khiến mắt trẻ quá tải, ảnh hưởng đến sự phát triển thị lực, dẫn đến cận thị, loạn thị. Bên cạnh đó, nếu ngồi không đúng tư thế, trẻ sẽ có nguy cơ bị đau cơ, ảnh hưởng tiêu cực đến xương, đặc biệt là cột sống.

Do vậy, với những trẻ chưa vào lớp 1, phụ huynh nên cho trẻ vừa học vừa chơi, nhận biết con chữ, con vật bằng những dụng cụ hoạt hình. Việc rèn chữ cho trẻ phải dựa trên khả năng của từng em chứ không nên gượng ép. Bởi với trẻ dưới 6 tuổi, hệ thống cơ xương khớp ở tay chưa phát triển thành thục nên việc luyện chữ nhuần nhuyễn theo các ô ly là rất khó khăn.

Còn với trẻ đã đi học, việc phải luyện viết ngoài giờ sẽ làm cho trẻ mệt mỏi, sợ đi học. Khi bị ép quá, trẻ thường biểu hiện căng thẳng, toát mồ hôi, đau bụng và ngủ mơ, lâu ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh.

Đặc biệt, khi đứa trẻ luyện chữ đẹp không thành công dễ khiến các em phản ứng lại giáo viên, bố mẹ. Có thể những phản ứng của em nhỏ bộc lộ ra ngoài, cũng có thể không. Nhưng từ cái đó sẽ gây ra một tâm lý căng thẳng, sợ học ở trẻ.

Viết chữ đẹp không phải yêu cầu bắt buộc đối với học sinh

Vào hè, không ít phụ huynh đổ xô cho con đi luyện viết chữ đẹp. Chưa biết tác dụng của việc làm này đến đâu nhưng nhiều trẻ đã bị ảnh hưởng không nhỏ, gây áp lực tâm lý.

Trẻ quá chuyên chú vào việc luyện chữ đẹp có thể làm chậm tư duy. Ảnh minh họa

PGS Hợp kể, các chuyên gia nước Úc, Đức sang làm việc tại Việt Nam nói rằng ở bên họ không có ép học sinh phải viết chữ đẹp mà chỉ yêu cầu các em phải viết đủ nét, sạch sẽ, bản thân họ đọc được và người khác cũng đọc được. Hay như một số người Việt Nam làm việc một thời gian dài ở nước Canada, sau khi về Việt Nam kể lại rằng bên đó cũng không yêu cầu học sinh phải viết chữ đẹp, chỉ yêu cầu viết rõ ràng, đủ nét, đúng chính tả, dễ đọc.

Ông Hợp cho hay, nguyên nhân của việc ép học sinh viết chữ đẹp xuất phát từ quan niệm, truyền thống của ông cha ta là chữ phải đẹp. Hơn nữa, bản chất của cái đẹp là phạm trù vĩnh cửu mà ai cũng mong muốn vươn tới. Đôi khi họ muốn thể hiện mình hoặc khoe khoang với thiên hạ là ta viết chữ đẹp. Đến các cấp quản lý và phụ huynh không nhận thức được hậu quả, ép học sinh viết chữ đẹp cũng là một biểu hiện của bệnh thành tích.

Do vậy, nhà trường và phụ huynh chỉ nên coi viết chữ đẹp là hoạt động ngoại khoá, khuyến khích đối với những em có năng khiếu. Để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ, không nên ép con đi học luyện chữ đẹp, kẻo “lợi bất cập hại”.

Minh Khôi (T/h)


Tin nổi bật