Dị vật được gắp ra không phải là xương mà là một sợi kim loại mảnh nhưng rất cứng và nhọn 2 đầu, dài gần 2cm.
Sợi kim loại đã được lấy ra. Sức khỏe bệnh nhi đã ổn định (Ảnh: BV) |
Các bác sĩ tại khoa Tai Mũi Họng, bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) vừa gắp dị vật thành công cho bé V.T.Đ (8 tháng tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) mới tập ăn dặm.
Bé đang ăn cháo cá mẹ rây xong thì bỗng nhiên cháu bỏ ăn, quấy khóc và nôn ra cháo, lẫn một ít nhầy nhớt, người nhà lo lắng cho bé vào khám sợ bị hóc xương.
Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ nhanh chóng chụp xquang cổ nghiêng, phát hiện dị vật còn nằm ở hầu họng nên tiến hành soi gắp khẩn cho bé. Dị vật gắp ra không phải là xương mà là một sợi kim loại mảnh nhưng rất cứng và nhọn 2 đầu, dài gần 2cm.
Dị vật nguy hiểm nói trên được xác định là rơi ra từ rây lưới thép, bị lẫn vào cháo trong quá trình chế biến.
Theo các chuyên gia y tế, từ trước đến nay, rây lọc vốn là một dụng cụ thường được dùng rất nhiều trong các gia đình có trẻ nhỏ khi chế biến thức ăn, nhằm nghiền nhỏ cơm, cháo, các loại thịt cá, rau củ hay loại bỏ xương cá, gà, lợn... có trong cháo. Thế nhưng trong trường hợp này, nó lại biến thành thứ gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ. Vậy nên các bậc phụ huynh, bảo mẫu trong quá trình chăm sóc con cháu mình phải hết sức cẩn thận.
Khi ăn phải, sợi kim loại sẽ len lỏi bám vào thành ruột gây tắc ruột, thậm chí có thể gây viêm ruột, rách ruột và những tổn thương khác.
Nếu gia đình nghi ngờ các cháu bị hóc thì nên đưa đến các cơ sở y tế ngay, không nên tự chữa bằng mẹo vì có thể sẽ nguy hiểm hơn cho các cháu và gây thêm khó khăn cho các bác sĩ trong quá trình thăm khám, xử lý sau đó.
Việt Hương (T/h)