Sau nhiều thiên niên kỷ ẩn mình dưới đáy biển, khu rừng cổ đã dần lộ diện kể sau khi cơn bão Ivan tấn công vùng vịnh và quét sạch lớp trầm tích.
Theo nghiên cứu mới được Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) công bố, gần 60.000 năm trước, một rừng cây lá kim đã phát triển mạnh bên bờ sông gần vịnh Mexico. Khi chết đi, chúng đổ xuống và bị chôn vùi dưới lớp trầm tích. Theo thời gian, mực nước biển dâng cao đã nhấn chìm phần còn lại của khu rừng.
Một gốc cây vẫn còn được bảo quản tốt dưới đáy biển. Ảnh: CNN |
Sau nhiều thiên niên kỷ ẩn mình dưới đáy biển, khu rừng cổ dần lộ diện kể từ năm 2004 sau khi cơn bão Ivan tấn công vùng vịnh và quét sạch lớp trầm tích. Tuy nhiên, mãi đến tháng 12/2019, các nhà khoa học từ Đại học Northeastern và Utah của Mỹ mới thực hiện một cuộc thám hiểm (do NOAA tài trợ) để thu thập các mẫu vật gỗ về nghiên cứu.
Mặc dù bị chôn vùi gần 60.000 năm, các gốc và thân cây vẫn được bảo quản rất tốt. Lớp trầm tích bao phủ đã ngăn oxy phân hủy gỗ. Các mẫu vật được đưa về phòng thí nghiệm vẫn còn giữ được lớp vỏ và màu sắc bên trong.
Các nhà khoa học đang phân tích các động vật biển được kéo lên từ các khúc gỗ dưới nước. Ảnh: Ocen Explorer |
Francis Choi, quản lý phòng thí nghiệm tại Trung tâm Khoa học biển thuộc Đại học Northeastern cho biết đã tìm thấy hơn 300 sinh vật bên trong thân cây. Trong đó, nhóm nghiên cứu đặc biệt tập trung vào hà đục gỗ - loài động vật thân mềm trông giống giun chuyên đục khoét gỗ làm thức ăn.
Những con hà đục gỗ bên trong thân cây cổ đại đã tạo ra 100 chủng vi khuẩn, theo NOAA, trong đó có nhiều chủng mới và 12 loài đang được giải trình tự ADN để đánh giá tiềm năng của chúng trong y học. Một nghiên cứu trước đây về vi khuẩn trên hà đục gỗ từng giúp các nhà khoa học phát triển thuốc điều trị nhiễm ký sinh trùng.
Ngoài tiềm năng điều chế thuốc, các chuyên gia sẽ nghiên cứu thêm về những chủng vi khuẩn mới để xem liệu chúng có thể ứng dụng trong sản xuất giấy, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, hóa chất hay nhiên liệu tái tạo hay không.
Vũ Đậu (T/h)