Các chuyên gia có quan điểm khác nhau về lợi ích của cà phê đối với sức khỏe. Tiến sĩ Ranga Santhosh Kumar, bác sĩ tại Bệnh viện Yashoda (Ấn Độ), cho rằng caffeine trong cà phê có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất, đốt cháy chất béo và giảm cảm giác thèm ăn. Theo ước tính, tiêu thụ 100mg caffeine mỗi ngày có thể giúp tăng tiêu hao năng lượng khoảng 100 calo.
Caffeine trong cà phê có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất, đốt cháy chất béo và giảm cảm giác thèm ăn. Ảnh minh họa
“Mặc dù trước đây có những nghiên cứu cho rằng cà phê có thể gây ra các vấn đề sức khỏe, nhưng các phân tích gần đây đã khẳng định mạnh mẽ rằng uống cà phê thực sự mang lại nhiều lợi ích. Chúng ta có bằng chứng khá thuyết phục rằng cà phê có lợi nhiều hơn có hại”, Tiến sĩ Kumar chia sẻ.
Ông cũng nói thêm rằng việc uống một lượng cà phê vừa phải (khoảng 2 tách mỗi ngày) có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim, bệnh Parkinson, trầm cảm, ung thư gan và nội mạc tử cung.
Tuy lợi ích là vậy nhưng lạm dụng cà phê sẽ không tốt cho sức khỏe.
Tiến sĩ Sanjay Kumar, Bệnh viện Cygnus Laxmi (Ấn Độ), giải thích rằng khi bạn ngừng uống cà phê trong một tháng, cơ thể sẽ trải qua giai đoạn điều chỉnh do thiếu hụt caffeine.
“Ban đầu, bạn có thể gặp các triệu chứng cai nghiện caffeine như đau đầu, mệt mỏi, khó chịu và khó tập trung. Tuy nhiên, những triệu chứng này thường sẽ giảm dần sau vài ngày khi cơ thể bạn thích nghi với việc không còn caffeine”, Tiến sĩ Sanjay Kumar cho biết.
Ngừng uống cà phê trong một tháng có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cải thiện chất lượng giấc ngủ. Ảnh minh họa
Tiến sĩ Gupta giải thích rằng việc ngừng uống cà phê trong một tháng có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm sự phụ thuộc vào caffeine để có năng lượng và cải thiện tình trạng mất nước do cà phê gây ra.
Ngoài ra, theo Indian Express, việc ngừng uống cà phê cũng có thể giúp cải thiện hệ tiêu hóa, vì cà phê đôi khi gây ra các vấn đề như khó chịu dạ dày hoặc trào ngược axit.
Giấc ngủ ngon hơn
Caffeine là một chất kích thích, có tác dụng tăng tốc hoạt động của não bộ và hệ thần kinh. Điều này giúp bạn tỉnh táo vào ban ngày, nhưng lại ảnh hưởng đến giấc ngủ vào ban đêm và gây buồn ngủ vào ngày hôm sau. Theo The Nutrition Twins, tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng nếu bạn uống cà phê ít nhất 6 giờ trước khi đi ngủ.
Việc từ bỏ caffeine không chỉ giúp bạn ngủ ngon hơn mà còn giúp bạn nhanh chóng đi vào giấc ngủ sâu, mang lại giấc ngủ chất lượng hơn.
Giảm nguy cơ sâu răng
Cà phê không chỉ làm ố răng mà còn khiến răng yếu đi. Theo Nutrition Twins, caffeine trong cà phê có thể gây khô miệng, trong khi nước bọt có vai trò quan trọng trong việc chống lại vi khuẩn. Vì vậy, miệng càng khô, nguy cơ sâu răng càng cao.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng đồ uống có tính axit cao có thể dẫn đến mòn và sâu men răng. Cà phê là một trong những đồ uống có tính axit cao. Do đó, việc từ bỏ cà phê sẽ giúp răng bạn trắng và khỏe mạnh hơn.
Hạ huyết áp
Theo The Nutrition Twins, huyết áp tăng sau khi uống caffeine có thể đúng với người trẻ tuổi. Tuy nhiên, theo Mayo Clinic, mặc dù một số người tin rằng caffeine kích thích giải phóng adrenaline, gây tăng huyết áp đột ngột, nhưng một số nhà nghiên cứu khác cho rằng caffeine có thể ngăn chặn một loại hormone giúp mở rộng động mạch. Điều này vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Tuy nhiên, việc giảm tiêu thụ caffeine có thể giúp kiểm soát sự tăng huyết áp trong thời gian ngắn.
Giảm sự phụ thuộc
Theo thời gian, một số người phụ thuộc nhiều hơn vào caffeine. Bỏ cà phê có thể giảm sự phụ thuộc này và mang lại mức năng lượng cân bằng suốt cả ngày.
Giảm lượng axit hấp thụ
Cà phê có tính axit có thể gây khó chịu tiêu hóa cho một số người. Bỏ cà phê có khả năng giảm bớt các vấn đề liên quan đến trào ngược axit hoặc khó tiêu.
Cơ thể đủ nước
Thay thế cà phê bằng đồ uống không chứa caffeine góp phần giúp cơ thể hấp thụ đủ nước, điều này rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể.