H.T.H, 22 tuổi, là cô gái dân tộc Thái có ngoại hình xinh xắn, dễ gần. Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông (thuộc tỉnh Hòa Bình). Bởi là chị của hai đứa em nên từ nhỏ H. đã nhận thức được sự vất vả của bố mẹ lo cho ba chị em ăn học thành người.
Năm 2009 H. thi đỗ một trường Cao đẳng chuyên ngành sư phạm tiểu học ở Hà Nội, khăn gói lên đường học tập với biết bao sự kỳ vọng của bố mẹ. Thế nhưng chính vì thiếu tính tự lập và sự kèm cặp của gia đình mà H. đã trở thành một “dân chơi” thực thụ.
H. kể: “Năm 2009 xuống nhập học ở Hà Nội, đi học được hết một kỳ thì bỏ học. Vì lúc đầu mới xuống học nhà cũng không mấy khá giả nên H. có đi làm thêm và tại đây H. đã quen nhóm bạn, sau đó nhóm này đã rủ H. chơi thử nào là đá, ke, kem và kẹo không có thứ gì là chưa thử”.
H. chia sẻ về chuỗi ngày mình "ăn chơi, thác loạn" cùng bạn bè. |
“Lần đầu tiên chơi kẹo là hôm đi sinh nhật cùng người yêu trên Bắc Ninh, lúc đó nhìn mọi người chơi thì H. khá tò mò, rồi bạn bè lôi vào chơi thử, lúc đầu chơi nửa viên nhưng không thấy có cảm giác gì rồi mọi người cho thêm một viên nữa, lúc đó trong người như bay và H. không biết chuyện gì xảy ra tiếp theo”. H. tiếp lời.
Ban đầu nhóm bạn cho H. chơi thoải mái không lấy tiền, trung bình mỗi cuộc chơi tiêu tốn trên một triệu, còn một mình ít nhất là khoảng 500 ngàn một lần chơi.
“Mỗi tháng nhà gửi cho H. 2 triệu đồng chi trả cho việc học, H. lấy tiền đó để đi mua các loại để chơi. Thi thoảng mời lại các bạn “chiến hữu”. Rồi cũng đến lúc vung tay quá đà, không có tiền H. phải đánh đổi nhiều thứ…”.
Nói đến đây H. quay mặt đi và không nhắc đến nữa, nhưng cụm từ “đánh đổi nhiều thứ” khiến ai trong hoàn cảnh của H. cũng hiểu rõ sẽ phải đánh đổi những thứ gì.
Cứ sau những chuỗi ngày vui chơi “thác loạn” với tần suất một ngày một lần hoặc 3 ngày một lần là toàn thân H. mệt mỏi, rã rời. Có khi mấy ngày không cần ăn, không cần ngủ.
Và chuyện gì đến cũng sẽ đến, vào năm 2012 cô gái trẻ bị bắt khi đang chơi cùng bạn bè trong quán karaoke. Và H. được chuyển đến Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội II, Ba Vì, Hà Nội để học nghề cũng như cai nghiện.
Sợ ánh mắt của “người đời”
Trò chuyện với phóng viên tại Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội II, Ba Vì, Hà Nội, H. luôn cảm thấy có lỗi với gia đình “Tận khi biết H. bị bắt bố mẹ mới ngã ngửa là H. đã bỏ học và sa đà vào những cuộc chơi “không có lối ra” nhưng bố mẹ không hề trách móc hay mắng mỏ H. nửa lời, ngược lại còn động viên H. cải tạo cho tốt để sớm về với gia đình”.
Hiện mẹ và em gái của H. đang lao động ở Trung Quốc đến tết mới trở về Việt Nam để cả gia đình đoàn tụ.
Khi hỏi về người yêu – người dẫn H. vào con đường này H. cho biết, người yêu mình cùng quê cũng vừa cải tạo xong nhưng tình yêu đó chỉ là chơi bời.
Để ước một điều ngay lúc này thì H. muốn được làm lại cuộc đời, nhưng thẳm sâu trong ánh mắt của cô gái trẻ người dân tộc Thái hiện rõ sự lo lắng, lo lắng rằng không biết mai này ra ngoài xã hội mình sẽ làm gì, sẽ ở đâu khi hồ sơ có một “dấu đen” và hàng xóm ở quê nhà “biết tỏng” về quá khứ của mình. Khi nhìn thấy ánh mắt “dè bỉu” của “người đời” liệu H. có quay trở lại con đường cũ?