Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cô gái “hoa đất sét” và nghị lực sống phi thường

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Cô bé ngồi chống cằm suy tư ngắm những cánh hoa lan làm bằng đất sét của mình đầy vẻ đam mê.

(ĐSPL) - Cô bé ngồi chống cằm suy tư ngắm những cánh hoa lan làm bằng đất sét của mình đầy vẻ đam mê. Mặc cho dòng người qua lại trầm trồ khen đẹp nhưng không chịu bỏ tiền mua, cô bé vẫn rất kiên nhẫn và hài hước. Ít ai biết rằng, đằng sao vẻ mặt nhìn qua thấy tươi tắn kia là một số phận nhiều nước mắt.

Cô chủ của những sản phẩm hoa đất sét (ảnh H.M)

Thương con như cắt từng khúc ruột

Dịp tết, chợ hoa ở thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng lại nhộn nhịp với biết bao sắc màu. Mỗi dịp xuân về người ta lại kéo nhau đưa hoa, mai... lên đây buôn bán. Góc đường ngã năm bị cuốn hút bởi bảng hiệu Hoa đất Hương Giang nhấp nháy, lung linh. Nhìn vào đây ai cũng tưởng những chậu hoa, giỏ hoa ở đây là hoa lan thật, đẹp đến mê hồn. Cô chủ nhỏ của loại hoa này là Đoàn Thị Hương Giang (SN 1991, ngụ thôn 4, xã Hòa Bắc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng). Dáng Giang nhỏ bé, ngồi chống cằm suy tư trên chiếc xe lăn. Ai cũng ngắm và trầm trồ khen đẹp, khen Giang khéo tay chứ không ai chịu bỏ tiền mua.

Đứng bên cạnh Giang là người mẹ của em lại thoáng chút buồn. Vì muốn khuyến khích Giang và chiều theo ý em nên bà mẹ Nguyễn Thị Nhàn ngày đêm túc trực cùng. Bà kể từ lúc mới sinh Giang ra, cả họ ai cũng trầm trồ vì đứa bé có nước da trắng, cùng ánh mắt long lanh. Mấy tháng đầu ai cũng nghĩ Giang là cô bé hoàn toàn bình thường. Được vài tháng, để ý cha mẹ Giang mới thấy con mình không cử động đôi chân. Ngay sau đó cả nhà đưa Giang đi bệnh viện kiểm tra thì thảng thốt, bàng hoàng khi bác sỹ kết luận Giang bị tật bẩm sinh, đôi chân bị liệt. Bà Nhàn ngấn lệ: "Con bé bị thế mà ngoan lắm, chẳng khóc gì cả. Tôi khi ấy như bị cắt đi khúc ruột. Từ hồi đó, mỗi lần thấy con ngóng những đứa trẻ chơi đùa mà tôi muốn chảy nước mắt, chỉ biết khuyên con cố gắng vượt lên số phận nghiệt ngã".

Lúc nhỏ, mỗi lần thấy bạn bè chơi đùa, Giang thường hỏi mẹ "sao con không giống bạn". Bà Nhàn chỉ biết ậm ừ. Khi Giang đến tuổi đi học, mới đầu thì cô giáo không dám nhận vì trường thời điểm đó chưa có người khuyết tật cũng không có người chăm sóc. Không để con mù chữ, bà cõng Giang đi gặp hiệu trưởng. Thuyết phục mãi thầy hiệu trưởng mới nhận Giang và thầy thuyết phục cô giáo cho em học. Khi học tới lớp 6, vì gia đình khó khăn, nhà lại chuyển xa trường nên Giang đành phải nghỉ học.

Giang bảo đó là tại số phận, cũng không biết phải làm sao, chỉ biết cố gắng vượt qua nó bằng tất cả sức lực và nhiệt huyết. Giang không muốn quay đầu nhìn lại những ánh mắt kỳ thị, kể cả những lời nói em cũng không dám nghe, sống gần như tách biệt với mọi người. Nhiều lần đi học em bị một số bạn vô ý trêu ghẹo, về tới nhà Giang thường tìm một góc khuất trong căn nhà nơi vườn xa hẻo lánh, khóc một mình. Mặc dù người mà Giang tâm sự nhiều nhất là mẹ, nhưng với những lần như thế Giang không thể nói ra, đến ngay cả Giang cũng không thể hiểu nổi vì sao.

Lên đường với chuyến xe số phận

Trong suy nghĩ của Giang, cô bé chưa bao giờ nghĩ mình là người có ích, thậm chí nhiều lúc em bật khóc nghẹn ngào trách mình vô dụng. Đến năm 19 tuổi, người anh trai của Giang tìm trên mạng thấy có trường dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi ở huyện Hóc Môn nên bàn với gia đình xin cho Giang vào học. Lúc đầu Giang không dám đi vì sợ một mình sẽ không tự lo được cho bản thân. Sau nhiều đêm trằn trọc, Giang quyết định rời xa mái ấm, tình thương của cha mẹ để tìm cho mình một hướng đi mới nơi mảnh đất thị thành. Ngày Giang đi, cha mẹ khóc nấc, riêng Giang chỉ giục cho xe nhanh đi để tránh phải nhói lòng cảnh chia ly.

Vào trường được khoảng hai tháng, cảm nhận được không khí ấm cúng, tình yêu thương Giang dần nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, dần có niềm tin vào cuộc sống. Trong trường Giang sinh hoạt rất tiện lợi, mọi thứ đều miễn phí. Các thầy cô giáo ở trong trường ai cũng thân thiện. Vì có nhiều người cùng chung cảnh ngộ nên đến đây Giang cảm thấy gần gũi, thân thiết với mọi người, ở lâu Giang lại thấy mến mọi người và không muốn rời đi. Giang bảo: "Ở trong trường em mới cảm nhận được sự tôn trọng, cảm giác như những người bình thường khác, thấy mình có ích và làm được nhiều việc hơn. Trong trường thường xuyên có những buổi sinh hoạt, thành lập những đội văn nghệ và đều do chúng em tổ chức biểu diễn nên em luôn thấy mình được trân trọng".

Ở trong trường tùy theo tật của từng người mà các thầy cô sẽ sắp xếp cho học theo từng ngành nghề phù hợp. Như người bị tật chân thì dạy làm kim hoàn, làm hoa bằng đất sét, kế toán, học vi tính, tranh ghép gỗ... Với Giang, những cục đất sét vô tri bỗng biến thành những cánh hoa uốn lượn, tuyệt sắc khiến cô bé mê mẩn. Giang xin thầy cô cho mình học làm hoa bằng đất sét và đặc biệt cô bé tiếp thu rất nhanh, những cánh hoa Giang làm được cô khen khiến cô bé càng thêm hứng khởi. Một thời gian học làm hoa và tiếp xúc môi trường hòa đồng, cùng với những bài học kích thích tinh thần sống lạc quan khiến Giang trở nên yêu đời, tin tưởng cuộc đời hơn bao giờ hết.

Đóa hoa vô thường

Cùng khóa học với Giang về làm hoa bằng đất sét, có nhiều người nhưng trong đó Giang được xếp vào nhóm có năng khiếu hơn hẳn. Vì thế trong lớp Giang luôn được chú ý dạy dỗ về chuyên môn hơn. Những ai học ở trường giỏi thường được trường giữ lại để làm. Tuy nhiên với khát vọng khám phá và tự lực cánh sinh vươn lên số phận, nên Giang cùng với một bạn nữa xin ra khỏi trường để đi làm riêng.

Mới đầu Giang xin vào một công ty làm hoa bằng đất sét bên quận Gò Vấp, TP. HCM. Tuy nhiên, tâm lý người sử dụng lao động ở công ty đó luôn có cách đánh giá thấp Giang, họ trả lương bèo bọt rồi cuối tháng còn trừ cả tiền cơm. Vì lẽ đó, Giang xin nghỉ rồi mua vật liệu về nhà tự làm. Thông thường những ngày lễ, tết khách mới mua hoa của Giang nhiều. Những ngày bình thường Giang xin làm cho một vài cơ sở. Có lần Giang xin vào một cơ sở làm hoa bằng đất sét lớn trên Đà Lạt, tuy nhiên trời lạnh, sức khỏe yếu nên Giang thường xuyên bệnh tật. Cực chẳng đã, Giang lại xin nghỉ rồi về nhà hẳn.

Mỗi độ lễ tết Giang thường làm hoa và chọn một địa điểm để bán cho thanh thiếu niên. Số tiền Giang gom được một phần phụ ba mẹ, Giang đã từng mở một shop bán hoa đất sét. Tuy nhiên, shop mở ngay khu trung tâm mà bán mãi cũng chẳng ai mua, cuối cùng Giang lại phải đóng cửa tiệm trong tiếc nuối. Giang dọn cửa hàng của mình về nhà, ai  thích thì liên hệ. Giang lại đi làm ở những cơ sở khác để tích lũy kinh nghiệm và tìm ra cái hay cái đẹp về kết hợp làm hoa của mình. Đất sét được nhập từ Thái Lan, Nhật, với giá thành rất đắt. Không sử dụng được đất ở Việt Nam vì dễ vỡ và không đẹp. Một tác phẩm như một chậu lan Giang làm mất 3 ngày đến 1 tuần. Cách làm tưởng đơn giản vì có khuôn nhưng công đoạn uốn cánh hoa, nhụy hoa, kể cả cách bài trí cắm hoa để cho đẹp là cả một nghệ thuật.

Bao nhiêu năm cố gắng Giang chỉ mong sao tự lo được cho cuộc sống của mình. Tình yêu với nghề làm hoa đất và cả nỗ lực vươn lên chính mình của Giang cũng chỉ để làm sao có thể sống được bằng nghề, phát triển nghề để mọi người biết rằng có một môn nghệ thuật đáng trân trọng do những bàn tay đầy nghị lực làm nên. Giang ấp ủ ước mơ không chỉ để sống được mà em còn muốn khẳng định bản lĩnh sống, khẳng định mình là người mạnh mẽ không muốn dựa dẫm vào ai, không muốn trở thành gánh nặng cho người thân gia đình. Nỗ lực của Giang được ghi nhận bằng việc có một vài shop, nhà sách đặt hàng hoa để trưng bày. Tuy vậy, trong mắt Giang vẫn sâu thẳm những ánh nhìn xa xăm, dường như cô bé vẫn muốn cống hiến thêm nữa.

Không đầu hàng vì nghĩ đến công cha, tình mẹ

Bao nhiêu lần chìm trong thất vọng thì bấy nhiêu lần Giang tự vực mình dậy bằng nghị lực phi thường. Em bảo: "Em đã nhiều lần khóc, buông xuôi. Nhưng rồi em nghĩ đến công lao của cha mẹ, bao nhiêu lần mẹ khóc, cha thức trắng đêm lo bệnh cho em nên em lại kìm lòng. Em tự bảo mình là không được đầu hàng vì bên em còn biết bao nhiêu người ủng hộ và kỳ vọng vào em".

HOÀNG MINH

Tin nổi bật