Họ, những người làm nghề mẫu vẽ, vẫn ngồi đó không động đậy, trong thứ ánh sáng hai mùa, lạc vào một khuôn dáng khác, là mình mà không phải là mình đó. Họ ngồi đó, suốt mấy mươi năm để dành, mòn vẹt ký ức của không biết bao nhiêu thế hệ sinh viên trường họa để rồi phần nhiều trong số họ giờ đây tóc đã muối tiêu, trí nhớ lõm bõm buồn vui. Họ, là tấm chân dung chân thực nhất của thời gian mà qua nét vẽ của những người thợ màu, phản ánh những ngày hoa nắng của nghề.
Đi làm cho vui, ở nhà chẳng biết làm gì
Lâu rồi, ông Hoán không còn đến trường nữa. Ông đã già lắm rồi, đầu óc cũng chẳng còn minh mẫn. Nhưng nhắc đến ông Hoán, gần như tất cả các thế hệ sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật đều nhớ. Có lẽ, không chỉ vì ông là nguyên mẫu trong bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Đặng Nhật Minh - "Mùa ổi", mà còn bởi họ yêu quý ông, yêu quý con người đã gắn bó gần như cả cuộc đời với công việc lặng thầm này.
Người đàn ông có dáng người khổ hạnh ấy đang sống cùng anh trai trong ngôi nhà nhỏ ở Hàn Thuyên. Không gia đình, con cái. Gia tài ông còn lại sau hơn 50 năm gắn với nghề làm mẫu vẽ là một vài bức chân dung các họa sĩ yêu quý tặng lại. Làm bạn với những con mèo, niềm vui mỗi ngày của ông Hoán là đi bộ ra quán cà phê của vợ chồng Ngọc Thu - Bùi Bài Bình, nhâm nhi một tách cà phê sữa đá.
Ông Hoán |
Giản đơn vậy thôi. "Mấy hôm trước, ông Đặng Nhật Minh còn mang máy ảnh, máy quay phim chụp tôi đang ngồi làm mẫu đấy cô à. Cũng vui lắm. Cả đời tôi làm mẫu vẽ, tôi không biết làm gì khác. Thế nên, tôi gắn bó với nghề này gần trọn đời rồi. Ở nhà không có việc, chán lắm. Đi làm còn có bạn bè, anh em". Tuổi 75, ông Hoán không chịu ngồi yên ở nhà. Tuần vài ba buổi, ông ngồi mẫu cho đám sinh viên luyện thi. "Làm cho đỡ buồn cô à. Ở nhà tôi chỉ có một mình".
Ông kể chuyện ngày xưa, ký ức lẫn lộn, nhớ quên... Ngày đó, ông 25 tuổi, một người bạn của đạo diễn Đặng Nhật Minh giới thiệu. Thế rồi, cuộc đời ông gắn với nghề mẫu. Nhưng dường như có một mối duyên nào đó với cái nghề đặc biệt này, nên ông Hoán rất "đắt show". Các họa sĩ mê cái dáng cao gầy guộc của ông, nên mời ông đến tận nhà. Xưa thì đi xe điện, giờ thì xe ôm, ông Hoán rong ruổi khắp Hà Nội, từ Thanh Xuân, Cầu Giấy về Hàng Buồm làm người mẫu cho các họa sĩ. "Ngày xưa, tôi không chỉ làm mẫu cho sinh viên trong trường Mỹ thuật, mà còn làm mẫu vẽ cho nhiều họa sĩ như họa sĩ Vũ Giáng Hương. Bà vẽ khá nhiều chân dung tôi bằng sơn dầu rất đẹp".
Chúng tôi cảm nhận ở ông, có lẽ, trong số rất ít những mẫu vẽ niềm tự hào, và hãnh diện về nghề. Thế nên, khi kể về những chuyện ngày xưa, ông vui lắm: "Tôi sống bằng đồng tiền lương thiện, tôi nghĩ, không có gì phải xấu hổ. Ngày xưa tôi vào làm trong trường, các thầy cô và học sinh rất thích vẽ tôi vì ngồi dáng đẹp. Đến bây giờ, họ vẫn nài nỉ mời tôi đến tận nhà. Mệt rồi, nhưng không làm gì cũng buồn lắm. Nên tôi lại nhận lời". "Cả đời làm nghề mà thu nhập lại thấp, ông có thấy buồn không?". "Đôi lúc tôi cũng chán, định bỏ nghề nhưng không biết làm gì khác, nên đành thôi. Làm mãi rồi cũng quen".
Chuyện ông Hoán chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện của gần 30 người mẫu vẽ tại Trường ĐH Mỹ thuật, chưa kể các trường khác như ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, ĐH Xây dựng, ĐH Kiến trúc... Họ, cả nam cả nữ, đều là những chân dung sống động, chân thực và đầy thân phận. Người gắn bó với nghề lâu nhất cũng hơn 50 năm, rồi 25 năm,… được gọi là mẫu vẽ chuyên nghiệp, họ cũng chỉ làm duy nhất mỗi nghề này để sống. Ngoài ra, cũng có một số bạn sinh viên, xem nghề này như một việc làm thêm để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống hằng ngày.
Theo tìm hiểu, mỗi buổi làm mẫu ở các trường, họ được trả tiền công dao động từ 140.000 - 200.000 đồng kéo dài trong 3 giờ đồng hồ (Có gia đình cả vợ cả chồng đi làm mẫu). Một tuần 3 buổi làm mẫu. 1 năm làm trong 9 tháng theo lịch học của sinh viên, 3 tháng thất nghiệp, quanh quẩn trong nhà, chỉ có một số ít có cơ hội làm mẫu vẽ ở bên ngoài và tất cả họ đều không được đóng bảo hiểm.
Tiền công cũng tùy vào đặc điểm cơ thể của từng mẫu, như người mẫu lớn tuổi sẽ cao hơn người mẫu trẻ vì họ có thể hình đẹp. Đẹp ở đây chính là các nếp nhăn, cơ bụng, tạo hình ấn tượng. Và tùy theo yêu cầu của họa sỹ mà mẫu đứng, ngồi, thậm chí cả nude; trong đó mệt và vất vả nhất là mẫu đứng vì toàn bộ trọng lực cơ thể dồn vào đôi chân, đứng lâu sẽ rất mỏi, tê chân.
Ông Quân hằng ngày đạp xe đi làm mẫu ở Trường Mỹ thuật công nghiệp |
Ở Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, các bài học chủ yếu là vẽ nam nên ở đây chỉ có mẫu nam, không có mẫu nữ. Ông Quân, hằng ngày đạp xe mấy cây số từ phố Lý Nam Đế xuống đây làm mẫu: "Ngày xưa, tôi cũng hay làm mẫu bên Yết Kiêu lắm. Nhưng giờ bên đấy đông, không đến lượt mình. Chỗ giờ kiếm cơm cũng khó, nghề nào rồi cũng vậy, nói gì làm mẫu vẽ".
Hỏi ông, làm mẫu thế có mệt không, có mỏi không. Ông cười hềnh hệch bảo không. "Tôi làm chuyên nghiệp rồi, chẳng thấy mệt gì cả. Chỉ thấy hơi chán, nên tôi vẫn mang theo cái đài nhỏ bên mình để nghe nhạc cho đỡ buồn ngủ. Tôi cũng đang định nghỉ công việc này để đi làm bảo vệ nhưng chưa biết là khi nào sẽ nghỉ. Để xin được việc đã". Và trong lúc chúng tôi nói chuyện cùng cánh họa sỹ, ông đã tranh thủ ngủ được một giấc nhỏ, ngủ với dáng người co lại trên ghế, lim da lim dim…
Nỗi cô đơn của những chân dung
Khi những bức vẽ hoàn thành, họ đi vội về nhà mặc dù ở nhà chẳng có ai đâu, ngoài bố mẹ đợi họ. Chỉ có ít trong số những người làm công việc này có cuộc sống gia đình hoàn thiện, hạnh phúc. Còn lại, hầu hết những người chúng tôi gặp đều là những con người nhiều mất mát. Ở cái tuổi không được gọi là trẻ nữa thì việc không có vợ con (chồng con), sống thui thủi với bố mẹ già so với người ta cũng đã là một bất hạnh rồi. Một số khác, cuộc sống gia đình không được tròn trịa, hai lần đi bước nữa cũng như không. Số khác nữa cuộc đời đưa đẩy, làm mẹ đơn thân…
Mẫu nam dường như có cuộc sống bình thường hơn mẫu nữ. Cái nghề làm mẫu, lắm khi trút bỏ hết cả quần áo này - với phụ nữ mà nói dường như vẫn chưa nhận được cái nhìn thấu hiểu và cảm thông của người đời. Đâu đó vẫn là sự kì thị đến gai người. Đâu đó vẫn còn nhiều tiếng to tiếng nhỏ đối với cái công việc bạc bẽo này. Mà có sướng sung gì đâu, cay đắng cả một trời nhân gian. Chỉ là bất lực, không tìm được việc làm nên mới tìm đến nó. Mặc dù làm lâu, cũng yêu, cũng gắn bó, cũng tha thiết đấy. Nhưng phần tủi cực còn gấp trăm ngàn lần, không nói hết được. Mà có nói, biết nói với ai. Ai hiểu mà nói? Thành ra, có bao nhiêu tâm sự, nó trút hết lên dáng người, lên đôi mắt, vào tận trong tranh. Vì thế mỗi người là một tấm chân dung đầy thân phận. Một thân phận câm lặng giữa những náo nhiệt đời thường.
Chị Ngân, đi bộ vội vã về nhà sau buổi làm mẫu của mình ở Trường Đại học Mỹ thuật. Chúng tôi nói chuyện ngay trên vỉa hè xộc xệch của Hà Nội, cả đi cả nói. Chị bảo chị phải về vội là bởi có mẹ nấu cơm sẵn ở nhà đợi chị. Chị phải về không bà sẽ lo. Chị làm nghề này từ năm 19 tuổi, đến nay chị đã hơn 40 tuổi. 1 tháng công việc này mang lại cho chị khoảng 4 triệu đồng, trang trải sinh hoạt cho cả 2 mẹ con. Cuộc sống vất vả lắm. Nhiều lúc chị cũng muốn bỏ nghề nhưng bỏ rồi biết làm gì đây?
Khi hỏi về chuyện chồng con, trên gương mặt của người đàn bà xinh đẹp này trở nên vô cùng buồn bã: "Ngày xưa tôi có yêu một anh. Khi họ hỏi tôi làm gì, tôi bảo tôi làm ở Trường Mỹ thuật. Tôi không muốn giấu vì trước sau gì họ cũng biết. Mà ngày xưa ở trường đó, làm gì có mấy nghề như bưng bê trà nước, hành chính khác. Nói làm ở Trường Mỹ thuật, không phải đi dạy thì chỉ có làm mẫu. Mà nghề làm mẫu, cô biết rồi đấy, người ta kì thị lắm. Họ không vượt qua được dư luận để đến với mình. Tình yêu của họ cũng chưa đủ lớn để đi đến tận cùng tình cảm với mình. Từ đó, tôi cứ sống một mình như thế này".
Ông Quân, trên đầu hai thứ tóc, hằng ngày vẫn lóc cóc đạp xe đi làm mẫu để kiếm tiền nuôi sống bản thân. Ông vẫn sống cô độc cùng bố mẹ già. Ông có vợ có con, thậm chí lấy 2 đời vợ nhưng rồi vợ con cũng bỏ đi. Và trong những ngày thời gian và tuổi tác bủa vây như thế này, rốt cuộc, ông cũng chỉ có một thân một mình. Còn ông Hoán, còn lại gì sau 50 năm? Ký ức về một hình ảnh đẹp trong bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Đặng Nhật Minh? Hay là một dáng người còng queo, khổ hạnh, tuổi già vẫn phải chật vật mưu sinh, một nỗi cô đơn không ai chạm tới?