Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cô dâu trong đám cưới tổ chức qua Zoom: “Chỉ có rớt mạng là 'sự cố' lớn nhất"

(DS&PL) -

Không tiệc cưới linh đình, không thủ tục đón dâu bởi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng đám cưới qua ứng dụng Zoom của đôi bạn trẻ vẫn không kém phần long trọng, xúc động, trọn vẹn niềm vui và họ nhận được vô vàn lời chúc phúc từ cộng đồng mạng...

Có một lễ cưới đặc biệt như vậy...

Mới đây, đám cưới ngày 17/7 của chú rể Văn Quan cùng cô dâu Khánh Thi đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng mạng bởi cách tổ chức lễ cưới có 1 0 2: Tổ chức qua ứng dụng Zoom (nói chuyện trực tuyến qua màn hình điện thoại).

Nghi lễ cưới hỏi là dấu mốc quan trọng của đời người, đánh dấu sự trưởng thành của hai bên, nhắc nhở nhau phải có sự đồng thuận, gắn bó, yêu thương giữa vợ và chồng. Vì vậy, theo phong tục tập quán, đám cưới sẽ được tổ chức dưới sự chứng kiến của cha mẹ, người thân, bạn bè trong không khí trang nghiêm, vui vẻ và hạnh phúc.

Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều cặp đôi không thể tổ chức đám cưới như kế hoạch, nhiều đôi lựa chọn: Hoãn cưới, rời ngày, đăng ký kết hôn trước hoặc tổ chức đám cưới quy mô nhỏ... Không giống những cặp đôi khác, đôi bạn trẻ Văn Quan và Khánh Thi đã quyết định “về chung một nhà” dưới sự chứng kiến của người thân qua màn hình chiếc điện thoại nhỏ. Cặp đôi hiện đang sinh sống tại phường Phước Long A, Quận 9, TP. HCM.

Lễ cưới online qua ứng dụng Zoom của chú rể Văn Quan và cô dâu Khánh Thi nhận được sự quan tâm đông đảo của cộng đồng mạng. (Ảnh: NVCC)

 

Cô dâu Khánh Thi chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật: “Chúng tôi đăng ký kết hôn từ tháng 5, định tổ chức đúng “thủ tục” bởi ba mẹ đã coi ngày đẹp rồi. Ban đầu, gia đình dự định làm lễ cưới nhỏ gồm 8 thành viên nhà ngoại còn gia đình chồng ở Huế nên không vào được. Nhưng khi Chỉ thị 16 của Nhà nước ban hành thì đám cưới chắc chắn không được tổ chức quy mô nhỏ. Chúng tôi định rời ngày cưới nhưng do gia đình nhà chồng gặp một chút chuyện nên sau đó đã quyết định tổ chức đúng ngày đã chọn”.

“Đám cưới được lan tỏa trên mạng xã hội khá nhanh, tôi cũng rất bất ngờ. Có nhiều người không quen biết đã dành lời chúc phúc cho hai vợ chồng nên tôi vui và hạnh phúc lắm. Tôi chỉ thấy tiếc khi bản thân chưa có “kinh nghiệm” để mời người dự đông hơn”, cô dâu trẻ hóm hỉnh cho biết.

Trước khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, chị Khánh Thi muốn tổ chức một lễ cưới nhỏ nên đặt trước áo cưới, nhẫn cưới nhưng sau đó bị hoãn lại. Mãi đến ngày 12/7, chị mới quyết định chuẩn bị tiếp đồ trang trí cưới hỏi. Quan trọng nhất là bàn thờ gia tiên phải bày biện cầu kỳ, sang trọng, đầy đủ nhưng do tình hình dịch nên “thiếu trước hụt sau”, trang trí theo cách “cây nhà lá vườn”. Cô dâu nhờ mẹ gửi lên cho bộ lư hương cùng chân nến, hoa quả thì có sẵn trong nhà, hộp bánh được Khánh Thi đi mua khẩn cấp.

Đám cưới diễn ra giản dị nhưng không thiếu những thủ tục quan trọng trước sự chứng kiến của hai bên gia đình.

 

Mọi người tỏ ra thích thú khi dự lễ cưới qua màn hình điện thoại.

 

Không chỉ cặp đôi tất bật chuẩn bị, hai bên gia đình cũng náo nức không kém. Tuy là đám cưới online nhưng mọi người vẫn chuẩn bị sao cho tươm tất, vẹn tròn. Nhà dì cô dâu ở Quận 12 có bàn thờ ông bà ngoại nên tối hôm trước, các thành viên tất bật làm gà, đồ xôi, nấu các món ăn truyền thống, mua trái cây trong thời khan hiếm để chuẩn bị mâm cúng gia tiên.

Quan viên 2 họ rưng rưng xúc động

Giống quy trình quan trọng của đám cưới bình thường nhưng lễ cưới online được cắt giảm một số bước. Đầu tiên, hai vợ chồng chị Khánh Thi tuyên bố lý do tổ chức lễ cưới đặc biệt, giới thiệu quan viên hai họ, mời chủ hôn điều khiển lễ gia tiên, vái lạy ông bà tổ tiên, đại diện hai nhà chúc phúc...

Cặp đôi trẻ trao nhẫn cưới trước sự chúc phúc của mọi người.

 

Họ cùng nhau chụp lại tấm hình lưu niệm...

 

Tuy dự lễ cưới online nhưng ai cũng ăn mặc chỉnh tề, sang trọng.

 

Cô dâu Khánh Thi chia sẻ: “Khác biệt lớn nhất của lễ cưới online là không khí náo nhiệt được thay bằng sự hồi hộp, bối rối. Tôi cảm thấy gắn kết với mọi thành viên hơn bởi khi lễ cưới diễn ra, mọi người buộc phải tập trung lắng nghe, mắt hướng về màn hình. Và như thế, tình cảm, cảm xúc được trọn vẹn, đong đầy mỗi khi ai đó cất tiếng phát biểu. Không có ai vì điều kiện không đến dự được, chỉ có rớt mạng mới là sự cố lớn nhất!”

“Áp dụng công nghệ thông tin vào đám cưới, đây cũng là trở ngại mà vợ chồng tôi gặp phải khi không thể mời đông đủ họ hàng. Thêm nữa, chúng tôi cần lên kịch bản hoàn chỉnh, nhờ anh chị em trẻ tuổi điều chỉnh các thiết bị, kết nối đường truyền mạng ổn định để hai bên gia đình không rơi vào tình huống khó xử. Tuy nhiên, lễ cưới cũng có chút trục trặc khi cô út nhà chồng loay hoay cả buổi mới giúp mẹ chồng vào được phòng Zoom, người ở quê dùng 3G nên mạng kém, lúc được lúc mất, nghĩ cũng tội!...

Khoảnh khắc xúc động nhất là khi hai họ chúc phúc cho vợ chồng tôi. Mọi người đều vừa mừng vừa thương, riêng mẹ và dì đã khóc vì không thể tổ chức một lễ cưới hoành tráng cho con gái. Rồi chúng tôi cùng nhau kể những câu chuyện nhỏ về việc tổ chức đám cưới với nhiều cung bậc cảm xúc. Vợ chồng tôi thương hai bên gia đình nhiều, tự hứa với nhau sẽ cố gắng sống thật hạnh phúc và thuận hòa”, chị Khánh Thi chia sẻ về những kỷ niệm khó quên.

Mọi đồ cúng đều được hai bên gia đình tất bật chuẩn bị.

 

Chiếc thiệp cưới xinh xinh của cô dâu Khánh Thi.

 

Cô dâu Khánh Thi cũng chia sẻ khi đã khống chế được dịch bệnh sẽ tổ chức một lễ cưới đầy đủ họ hàng hai bên, bạn bè, đồng nghiệp. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh có chiều hướng phức tạp sẽ không tổ chức nữa, ưu tiên sự an toàn của mọi người lên hàng đầu. Đám cưới quy mô to hay nhỏ không quan trọng bằng sự an toàn, hạnh phúc, vui vẻ và chứa chan nhiều kỷ niệm đẹp.

Ứng Hà Chi

 

Tin nổi bật