Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cơ cực đời "vệ sĩ" bảo vệ môi trường "thế giới ngầm"

(DS&PL) -

"Trời mưa to thì nước dâng ngập đầu, trời nắng thì khí độc bốc lên nồng nặc, cảm giác bị ngộp thở trong lòng cống...".

"Trời mưa to thì nước dâng ngập đầu, trời nắng thì khí độc bốc lên nồng nặc, cảm giác bị ngộp thở trong lòng cống...". Đó là những cảm nhận của những công nhân cống ngầm, hay những "vệ sĩ" bảo vệ môi trường trong lòng đất.

Bì bõm trong "thế giới ngầm"

Vào nghề từ năm 1980, ông Bùi Tiến Dũng (SN 1963), Tổ trưởng tổ cơ giới 6, xí nghiệp thi công cơ giới xây lắp đã có 39 năm gắn bó với công việc của những "vệ sĩ" bảo vệ môi trường. Ban đầu, ông Dũng làm việc ở bộ phận xây lắp, sau đó chuyển về bộ phận cống ngầm, cũng đã có thâm niên 17 năm lội bì bõm trong lòng cống, trước khi chuyển sang lái xe cơ giới.

Ông Dũng nhớ lại: "Lần đầu tiên chui xuống ga cống, cả không gian cứ tối hun hút, tôi sợ lắm. Đã vậy, trong lòng cống lại có một lượng lớn khí độc như bóp nghẹt cả tim, cả phổi tôi, khó thở vô cùng. Lúc ấy, tôi cũng khá hoảng, nhưng vì đi chung với một người đàn anh, có kinh nghiệm, tận tình dẫn dắt, nên tôi bình tĩnh lại. Công việc của chúng tôi là công việc chân tay, không có sách vở, không có lý thuyết nào khái quát được hết, chỉ có kinh nghiệm truyền cho nhau và chúng tôi phải tự mày mò cách làm nhanh gọn hơn".

Từ những năm 80, ông Dũng đã bắt đầu với công việc nạo vét cống ngầm. Ông kể: "Hồi ấy vẫn còn thô sơ lắm, công nhân cống ngầm làm việc hoàn toàn thủ công, kéo bùn, kéo rác thải bằng xô từ dưới cống lên rồi dùng xe ba gác vận chuyển đi. Ngày đó cũng chưa có trang phục bảo hộ như bây giờ, mà dưới cống thì thập cẩm các loại rác thải, công nhân lội chân đất còn bị mảnh thủy tinh cắt chân thường xuyên như cơm bữa, đến mức như kiểu "kháng thể" luôn với việc đó. Về sau có kinh nghiệm, đi rón rén hơn nên vết thương cũng đỡ chứ những ngày đầu đứt chân thì sâu, phải nghỉ làm đến cả tuần".

Công nhân dùng ông hút bùn dưới cống ngầm. Ảnh: VietNamNet

Đến giai đoạn sau, cuối thập niên 90, công nhân cống ngầm có thêm sự hỗ trợ đắc lực từ những chiếc xe cơ giới hóa, nâng hiệu quả công việc lên rõ rệt. Mỗi công nhân cũng được trang bị 1 bộ trang phục bảo hộ, độ bền trung bình khoảng 2, 3 tháng, nhưng nếu gặp cống nào nhiều gạch đá thì chỉ 1 tháng là rách.

Nhắc đến niềm vui trong những năm bám nghề, ông Dũng chia sẻ: "Năm 2000, tại khu chợ Hòa Bình (người dân quen gọi là chợ Trời), quận Hai Bà Trưng cứ mưa nhiều là ngập vì cống không thoát được nước. Khi dàn xe cơ giới về, chúng tôi đã khơi thông thành công, những trận mưa to không bị ngập như trước nữa. Gặp chúng tôi, nhà nào cũng phấn khởi: "Cảm ơn các chú, nhờ có các chú làm mà năm nay chúng tôi không phải lội nước nữa...". Nghe vậy, chúng tôi xúc động lắm".

Hỏi về sự cố nghề nghiệp, ông Dũng kể lần nạo vét cống ngầm tại phố Châu Long, quận Ba Đình năm 2001. Sau khi đắp kè cống, rút nước để làm trong ga cống, đột nhiên, đập bị vỡ, nước ập vào xối xả. Mặc dù đã có người cảnh báo, công nhân trong cống chạy ra không kịp nên đã phải "uống" khá nhiều nước cống. Vì thế, công nhân cống ngầm phải biết bơi để phòng sự cố. Từ mặt đường đến đáy cống khoảng 4m-4,5m, mực nước từ 1m-2,2m nên phải thăm dò trước khi xuống. Có những đoạn như ở Hào Nam, bình thường nước không sâu, nhưng đang làm mà mưa là phải chạy ngay ra ngoài vì nước ở mọi khu vực sẽ dồn về đây rất nhanh, không rút nhanh thì nước dâng cao ngập đầu.

Anh Nguyễn Đức Kiên (SN 1993, quê Bắc Ninh) là công nhân cống ngầm trẻ nhất trong tổ cơ giới 6, xí nghiệp thi công cơ giới xây lắp hiện nay. Chàng trai 26 tuổi này cho biết, anh bắt đầu đi làm từ năm 2014.

Trong trang phục bảo hộ kín từ chân đến cổ, thêm khẩu trang, găng tay, đội mũ có gắn đèn, anh Kiên bước về phía miệng cống, bắt đầu công việc. "Lần đầu tiên chui vào ga cống, ai cũng sốc, đó là cảm giác chung. Tuy nhiên, sau đó, được người đi trước chỉ dẫn, bảo ban, và hơn nữa cứ lặp đi lặp lại hàng ngày, chúng tôi quen hơn và chẳng còn sợ nữa", anh giải thích.

Với lấy một chiếc gậy dài khoảng 5m, chọc qua miệng cống xuống để thăm dò mực nước, anh Kiên cho biết: "Đây là bước kiểm tra bắt buộc trước khi xuống cống, bởi trong lòng cống có thể có những khúc mà mực nước cao hơn đầu người, phải biết được để chuẩn bị".

Ngay sau đó, chàng công nhân nhanh nhẹn bước lùi từng bậc thang xuống ga cống, bắt tay vào công việc, chủ yếu là hút bùn, khơi thông cho dòng chảy không bị nghẽn. Đối với những loại rác không hút được thì anh sẽ cho vào xô hoặc quấn bao tải rồi buộc vào dây thừng, ra hiệu cho các công nhân phía trên miệng cống kéo lên, đổ vào xe.

Trong lòng cống luôn có những yếu tố thách thức giới hạn chịu đựng của người công nhân cống ngầm như mùi rác đọng nồng nặc, sự ẩm thấp, tối tăm, chuột bơi hàng đàn, thậm chí nước cũng có chỗ nông chỗ sâu, có chỗ sâu tới 2,2m. Đó là chưa kể đến những loại rác gây nguy hiểm trực tiếp cho cơ thể, như mảnh chai thủy tinh, bơm kim tiêm, thanh sắt nhọn... và khí độc bốc lên có thể gây ngộ độc.

Cứ mỗi độ tháng Tư, đội ngũ công nhân cống ngầm lại hối hả bước vào "guồng quay trọng điểm", tăng cường làm sạch hệ thống cống ngầm, chạy đua trước mùa mưa, thường từ 15/4 đến 15/10 hàng năm.

Ông Nguyễn Thế Dũng, cán bộ kỹ thuật xí nghiệp thi công cơ giới xây lắp cho biết: "Tiến độ công việc của chúng tôi một phần phụ thuộc vào mật độ giao thông trên đường. Mỗi tổ có 2 xe hút 8 tấn luân phiên vận chuyển và 1 xe nước phục vụ tắm giặt, dọn dẹp đường sau khi hoàn thành công việc. Cứ khoảng 15 phút lại hút đầy một xe. Mỗi ngày, các tổ sẽ vận chuyển khoảng 10 xe về bãi chôn lấp Yên Sở, cứ thực hiện đến khi cống đảm bảo sạch".

Nghề độc hại có người không kịp cầm sổ hưu

Công nhân ngâm mình dưới những chiếc cống ngập rác. Ảnh: Tiền Phong

Nhắc đến những nỗi ám ảnh từ dòng nước thải trong "thế giới ngầm", ông Bùi Tiến Dũng kể: "Các nhà hàng, xí nghiệp không xử lý nước thải mà thải trực tiếp ra cống nên nước trong đó mang theo biết bao nhiêu nguy hiểm, độc hại. Bây giờ còn đỡ, một số công ty xí nghiệp đã di dời khỏi nội thành, chứ trước đây, cứ dịp 8/3, người ta nhuộm vải màu gì thì nước sông Kim Ngưu chuyển màu ấy; xí nghiệp Dược phẩm Trung ương I mỗi lần xả ra thì không ai dám xuống. Thứ nhất là nước nóng và thứ hai là mùi với khí độc bốc lên ngùn ngụt, không chịu được.

Hồi nhà máy rượu còn ở đây cũng thế. Mỗi lần thải bã rượu ra cũng không ai dám xuống, mùi rượu nồng lên trong lòng cống, công nhân vừa xuống, ngửi thôi đã say, đã choáng. Bởi vậy, tôi mới nói, những người làm nghề này, không yêu nghề, không chấp nhận hy sinh với nghề thì không thể làm được".

Nghề công nhân cống ngầm "kén người" thực sự. Ông Nguyễn Thế Dũng, sắp bước sang tuổi nghỉ hưu tâm sự: "Lứa thanh niên trai tráng hiện nay không còn nhiều người muốn gắn bó với công việc này. Có những cậu trai trẻ hào hứng khi mới vào nghề, được trải nghiệm chui xuống cống ngầm một buổi, hôm sau đã chạy "mất dép". Người mà trụ lại được, thì hẳn là phải rất yêu nghề, và chắc chắn cũng sẽ gắn bó được lâu. Các "đồng chí trẻ" trong đội ngũ bây giờ là hiếm lắm".

Ông chia sẻ: "Mức độ độc hại dưới cống ngầm luôn luôn chờ chực bước chân người công nhân đang dò dẫm, có thể một chiếc bơm kim tiêm mắc vào đâm tím đùi, có thể một mảnh kính vỡ, mảnh chai thủy tinh cắt đứt chân, hay một thanh sắt nhọn đâm vào chân... Chưa kể, trời càng nóng, khí độc trong cống càng bốc lên nhiều. Có thể mở cống cho thoáng hơn, không gây tử vong ngay nhưng có thể bị ngộ độc vì hít phải lượng khí độc tích tụ trong đó, dù có trang bị đến đâu đi nữa. Có những người đã gắn bó, cống hiến mấy chục năm, nhưng chưa kịp cầm sổ hưu trên tay đã qua đời vì ung thư phổi, ung thư gan... Đó là nỗi buồn của nghề công nhân cống ngầm! Cũng là "đòn hiểm" giáng vào tâm lý đội ngũ công nhân trẻ. Vì thế, chúng tôi luôn luôn động viên lớp trẻ để họ theo nghề đến cùng...".

Cẩm Mịch

Bài đăng báo giấy Đời sống & Pháp luật số 62

Tin nổi bật