CNN mới đây đã công bố nội dung của những thỏa thuận gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng chưa từng có trong khối các quốc gia vùng Vịnh.
Qatar đã có một loạt thỏa thuận bí mật với các nước láng giềng vùng Vịnh vào các năm 2013 và 2014 về việc ngăn chặn sự ủng hộ dành cho các nhóm đối lập ở những nước này, cũng như tại Ai Cập và Yemen.
Mọi người biết tới sự tồn tại của những thỏa thuận bí mật đó, nhưng các tài liệu và nội dung của chúng vẫn luôn được giữ bí mật vì tính nhạy cảm của các vấn đề liên quan và bởi một lẽ đó là những thỏa thuận riêng giữa các nhà lãnh đạo quốc gia với nhau.
Tuy nhiên mới đây, CNN đã thu thập được những tài liệu mật này từ một nguồn tin có quyền tiếp cận các tài liệu.
Các nước vùng Vịnh cáo buộc Qatar không tuân thủ hai thỏa thuận, điều này lí giải cho cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh đang diễn ra – một trong những sự kiện tồi tệ nhất tại Trung Đông trong nhiều thập kỷ qua.
Trong một thông cáo phát đi vào tuần trước, việc tuân thủ các thỏa thuận là một trong 6 yêu cầu các nước vùng Vịnh đưa ra làm điều kiện để bình thường hòa quan hệ với Qatar.
Trong một tuyên bố gửi tới CNN, Qatar đã cáo buộc Ả Rập Saudi và Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vi phạm tinh thần của thỏa thuận và có hành động "tấn công vô căn cứ chủ quyền của Qatar".
Thỏa thuận đầu tiên – được viết tay ngày 23/11/2013 – được ký bởi Quốc vương các nước Ả Rập Saudi, Qatar, Kuwait. Thỏa thuận này đưa ra điều khoản các bên cam kết tránh mọi sự can thiệp vào công việc nội bộ của những nước vùng Vịnh khác, bao gồm việc không hỗ trợ tài chính và chính trị cho các nhóm hoạt động chống chính phủ tại các nước đó.
Thỏa thuận này - được gọi là thỏa thuận Riyadh, cũng đề cập cụ thể tới việc không ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo. Và các nước vùng Vịnh đã nhiều lần cáo buộc Qatar ủng hộ tổ chức này.
Thỏa thuận cũng đề cập tới việc không ủng hộ các nhóm đối lập ở Yemen vì các nhóm này có thể là mối đe dọa với các nước láng giềng.
Nội dung của các thỏa thuận
Lý do mà các nước vùng Vịnh đưa ra để cắt đứt quan hệ ngoại giao và tẩy chay Qatar là cáo buộc Doha hỗ trợ tài chính cho lực lượng Hezbollah và các nhóm khủng bố khác, đồng thời Doha cũng"chống lưng" cho tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập.
Trong thỏa thuận đầu tiên được các quốc Vương ký vào năm 2013 nói trên, các nước cũng cam kết không hỗ trợ "truyền thông lề trái" – ám chỉ Al Jazeera – kênh truyền hình vệ tinh có trụ sở ở Qatar và được chính phủ nước này rót tiền hoạt động.
Các nước vùng Vịnh cáo buộc Al Jazeera tuyên truyền cho các nhóm đối lập trong khu vực, bao gồm ở Ai Cập và Bahrain.
Thỏa thuận thứ hai của các nước vùng Vịnh có dòng chữ đầu tiên là "Tối mật", ký này 16/11/2014. Thỏa thuận này có thêm chữ ký của Quốc vương Bahrain, Hoàng tử của Abu Dhabi và Thủ tướng của UAE.
Thỏa thuận thứ hai đề cập cụ thể về cam kết ủng hộ sự ổn định của Ai Cập, bao gồm việc ngăn chặn các nhóm và cá nhân sử dụng kênh Al Jazeera như một công cụ để chống phá chính phủ Ai Cập.
Thỏa thuận này đề cập đích danh Al Jazeera chứ không phải những kênh truyền thông khác như Al Arabiya.
Sau khi thỏa thuận được ký, chính phủ Ai Cập đã đóng cửa kênh Al Jazeera Mubashir Misr – một trong hai kênh của Al Jazeera, chuyên đưa tin về Ai Cập và được cho là có xu hướng ủng hộ nhóm Anh em Hồi giáo.
Một tài liệu bổ sung của bản thỏa thuận 2013, nói về các biện pháp thực thi thỏa thuận cũng đã được ký bởi ngoại trưởng của các nước nói trên.
Tài liệu bổ sung này có các điều khoản về việc không ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo hay các nhóm bên ngoài ở Yemen và Ả Rập Saudi – những nhóm này được cho là đe dọa tới an ninh và ổn định của 6 quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), trong đó bao gồm Ả Rập Saudi, UAE, Bahrain và Qatar.
Các thỏa thuận này không loại trừ Qatar, vì các điều khoản trong đó áp dụng cho tất cả các quốc gia đã ký.
Qatar: Các yêu sách "không liên quan" tới các thỏa thuận trước đây
Trả lời các câu hỏi của CNN, phát ngôn viên của Qatar tuyên bố rằng chính Ả Rập Saudi và UAE là những nước đã "phá vỡ tinh thần của thỏa thuận".
Ông Sheikh Saif Bin Ahmed Al-Thani, Giám đốc Văn phòng truyền thông của chính phủ Qatar nói: "Đọc kỹ toàn văn các thỏa thuận hồi năm 2013 và 2014, có thể thấy rằng mục đích của chúng là nhằm đảm bảo các nước có chủ quyền thuộc GCC có thể hợp tác với nhau trong một khuôn khổ rõ ràng".
"Những yêu sách của họ [các nước vùng Vịnh] yêu cầu Qatar đóng cửa hoàn toàn Al Jazeera, gây đổ vỡ các gia đình và trả ‘bồi thường’ là những yêu sách ‘không liên quan’ tới các thỏa thuận Riyadh", ông Al-Thani nói thêm, "Hơn nữa, Ả Rập Saudi và UAE không tuân theo các điều khoản của các thỏa thuận này trong việc thông báo những mối quan ngại của họ với Qatar".
Ông Al-Thani cũng nói rằng danh sách các yêu sách mà các nước cùng Vịnh gửi tới Qatar là "một cuộc tấn công vô căn cứ và chưa từng có tiền lệ vào chủ quyền của Qatar, và đó là lý do mà các yêu sách bị Qatar từ chối và bị cộng đồng quốc tế lên án".
"Cuộc khủng hoảng này được châm ngòi bởi những tuyên bố bịa đặt và một chiến dịch truyền thông phối hợp chống lại Qatar", ông Al-Thani nói.
"Ngay từ đầu, Ả Rập Saudi và UAE đã cố gắng che giấu sự thật trước công chúng, bao gồm cả người dân nước họ, bằng cách chặn Al Jazeera và các kênh truyền thông khác".
Khối các quốc gia Ả Rập: 13 yêu cầu "phù hợp với tinh thần" của thỏa thuận Riyadh
Sau khi CNN công bố các nội dung nói trên, khối Ả Rập Saudi, UAE, Bahrain và Ai Cập đã đưa ra tuyên bố chung rằng "rõ ràng Qatar không thực hiện các thỏa thuận và thậm chí còn vi phạm toàn bộ các cam kết của mình".
Theo đại diện của khối Ả Rập, bốn quốc gia cho biết danh sách 13 điểm gửi cho chính phủ Qatar thực ra để yêu cầu Qatar thực hiện các cam kết và thỏa thuận được nêu trong hiệp định Riyadh trước đó. Cách thức thỏa thuận cùng các Hiệp định bổ sung hoàn toàn phù hợp với tinh thần và nguyện vọng của các bên tham gia.
Qatar đáp lại bằng một tuyên bố của Quốc vương Al-Thani, lập luận rằng các yêu cầu được đưa ra hồi tháng trước "không liên quan gì tới các thỏa thuận trong Hiệp định Riyadh".
Các tài liệu từ năm 2013 và 2014 cho thấy những căng thẳng đã ngầm sôi sục từ rất lâu trong khối các quốc gia vùng Vịnh.
Ví dụ, vào tháng 3 năm 2014, Ả Rập Saudi, UAE và Bahrain đã cho rút đại sứ của họ từ Qatar về vì các nước này cho rằng Qatar không thực hiện cam kết của trong điều đầu tiên của hiệp định, đó là không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.
Các thỏa thuận cũng thể hiện nỗ lực cải thiện mối quan hệ trong khu vực. Trong đó, các bên nhất trí "loại bỏ bất cứ trở ngại nào trong mối quan hệ giữa các bên".
Các tài liệu cũng giúp lí giải rõ ràng hơn tại sao 9 nước Trung Đông, đại diện bởi Ả Rập Saudi, cắt đứt quan hệ với Qatar hồi tháng 6 vì nghi ngờ Qatar ủng hộ khủng bố.
Qatar đã đáp trả và cho rằng các cáo buộc được đưa ra là "không công bằng" và "vô căn cứ".
Qatar tuyên bố các yêu cầu vi phạm luật pháp quốc tế
Bốn trong số các quốc gia Ả Rập cắt đứt quan hệ với Qatar đã chủ động gửi danh sách 13 điểm để giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao, trong đó có yêu cầu đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera.
Danh sách này cũng yêu cầu Qatar ngừng quan hệ với các tổ chức cực đoan, bao gồm Tổ chức Anh em Hồi giáo, Hezbollah và ISIS, ngừng phát triển căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar và ngừng cấp quốc tịch Qatar cho binh lính Thổ Nhĩ Kì.
Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry chỉ trích phản hồi tiêu cực từ phía Qatar
Hồi tuần trước, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cho biết Qatar đã có những phản hồi tiêu cực và "thiếu nghiêm túc."
Ngoại trưởng Qatar đã lên tiếng đáp trả rằng một số yêu cầu trong danh sách đã vi phạm luật pháp quốc tế.
"Trong số các yêu cầu được nêu ra - có nhiều cáo buộc cho rằng Qatar đang hỗ trợ khủng bố - những yêu cầu này tước mất quyền tự do ngôn luận của chúng tôi, ép chúng tôi đóng cửa các phương tiện truyền thông và phải trục xuất người dân... Điều đó đi ngược lại luật pháp quốc tế." Ngoại trưởng Qatar Al Thani cho biết.
Quan điểm của Mỹ
Các quan chức chính quyền Trump hy vọng họ có thể giúp tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh. Ngoại trưởng Rex Tillerson sẽ tới Qatar và Ả Rập Saudi trong tuần này để nói chuyện với các bên. Hôm thứ Hai, ông đã gặp các quan chức ở Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh với Qatar trong cuộc khủng hoảng - và Kuwait, quốc gia đóng vai trò trung gian hòa giải.
Ông cũng đã gặp Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Kuwait Sheikh Sabah Khaled Al-Hamad Al-Sabah và Cố vấn An ninh Quốc gia Anh Mark Sedwill ở Kuwait. Theo truyền thông Kuwait, ba quốc gia đã ban hành một tuyên bố chung bày tỏ sự quan ngại và kêu gọi nhanh chóng chấm dứt cuộc khủng hoảng thông qua đàm phán.
R.C. Hammond - phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ
R.C. Hammond, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết chuyến đi của ông Tillerson nhằm "tìm tiếng nói chung từ các bên" và để "tìm hướng giải quyết khả thi nhất cho cuộc khủng hoảng."
Ông cũng cho biết: "Chúng tôi đã trao đổi một lượt với các bên nhưng chưa thể cải thiện được tình hình. Chúng tôi sẽ làm việc với Kuwait để tìm hướng giải quyết khác."
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có cuộc trao đổi với lãnh đạo của các nước Qatar, UAE và Ả Rập Saudi, là chuyến đi đầu tiên của ông Trump tới khu vực này từ khi chính thức đắc cử Tổng thống.
Sau chuyến đi này, ông Trump thể hiện quan điểm ủng hộ các quốc gia vùng Vịnh cắt quan hệ với Qatar, và cho rằng Doha phải ngừng các hoạt động tài trợ khủng bố.
Theo Tất Đạt - Ngọc Anh/ Trí thức trẻ