Có một thực tế đáng buồn trong hôn nhân, cùng là việc ngoại tình nhưng đàn ông được tha thứ nhiều hơn phụ nữ.
Trong hôn nhân, đàn ông khi ngoại tình rất dễ dàng được vợ tha thứ. Nhưng đến lúc người vợ ngoại tình họ lại không thể bỏ qua dù chỉ một lần.Tại sao lại có sự bất công đến vậy? Người xưa có câu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, phải chăng do là người trực tiếp “giữ lửa” hôn nhân nên phụ nữ dù chỉ lầm lỡ một lần cũng bị phán xét là người phá vỡ hạnh phúc gia đình.
Phụ nữ thường bị phán xét nhiều hơn khi ngoại tình |
Chúng ta thường thấy phần lớn những kẻ ngoại tình đều không cho rằng hành động lăng nhăng của mình sẽ đem lại hậu qủa nghiêm trọng. Họ thường phân bua rằng việc ngoại tình chỉ như một chuyến phiêu lưu tình cảm đầy thích thú nhưng cũng lắm rủi ro.
Kẻ ngoại tình nếu bị bắt gặp thì chối. Nếu không chối được thì thề thốt để che đậy và khi lời thề không làm người yêu tin nữa thì hành động phủ đầu bằng cách phản ứng ngược lại, đổ lỗi cho chồng hoặc cho vợ là vu khống, ghen tương bừa bãi. Hậu quả nặng nề hơn đó chính là hôn nhân tan vỡ.
Dù ai đúng ai sai, nhưng cách xã hội phán xét lại có phần thiên vị người đàn ông. Có thể nói rằng: Con đường trở về nhà sau khi ngoại tình của đàn ông và đàn bà là không giống nhau. Sau khi bị phát hiện ngoại tình thì đàn ông được thứ tha trở về nhà còn đàn bà phải chịu sự sỉ vả nặng nề.
Từ trước đến giờ đàn ông lăng nhăng thì được gọi là “phong trần”, “đào hoa”, “đa tình”. Phụ nữ thì khác, người ta thường dùng những từ ngữ như “lăng loàn”, “mất nết” để mắng nhiếc, sỉ nhục. Tại sao lại có sự khác biệt vô lý đến thế? Cùng là những tính từ để chỉ người không chung thủy, nhưng khi nói về đàn ông lại có phần nhẹ nhàng và ít cay nghiệt hơn phụ nữ.
Đàn ông lăng nhăng thì được gọi là “phong trần”, “đào hoa”, “đa tình” còn phụ nữ thì phải chịu những danh xưng “ lăng loàn”,”mất nết” |
Nếu xét về động cơ ngoại tình thì đàn ông có hàng tá lý do để đàn ông vin vào như nhàm chán, thèm của lạ, cần được thỏa mãn sinh lý, coi đó là thước đo bản lĩnh hay thậm chí là để trả thù người phụ nữ mình yêu. Xã hội ngày nay cũng nhìn nhận chuyện đàn ông ngoại tình là “chuyện thường” và dễ chấp nhận nếu người đàn ông có ý muốn “quay đầu”.
Các đấng mày râu khi trả lời câu hỏi: “Nếu vợ ngoại tình đàn ông sẽ phản ứng như thế nào, có dễ dàng tha thứ cho phụ nữ không?”. Chắc chắn rằng đa số sẽ nói “không” bởi họ thường hay có suy nghĩ rất ích kỷ: “Nếu chúng ta dễ dàng chấp nhận tha thứ, biết đâu “ngựa quen đường cũ” thì sao?”.
Phụ nữ thì khác, khi chồng mình ngoại tình họ dễ dàng tha thứ, bỏ qua mọi lỗi lầm của chồng nếu người chồng ấy biết ăn năn, hối lỗi và mong sự vị tha từ vợ. Phụ nữ sẵn sàng vì con, vì tổ ấm gia đình mà gật đầu đồng ý. Nhưng niềm tin trong họ thì đã bị vơi đi ít nhiều.
Nếu người vợ là người phản bội thì người chồng lại không dễ tha thứ. Đàn ông có sĩ diện cao vô cùng, họ cảm thấy bị xúc phạm sâu sắc khi bị phản bội. Kết cục cho hôn nhân đã xác định bằng một "án tử". Hôn nhân tan vỡ. Tại sao lại có sự khác biệt ấy? Thật ra điều này là do tâm lý của đàn ông và đàn bà khác nhau.
Xã hội có sự mặc định nghiễm nhiên việc đàn ông ngoại tình là chuyện rất đỗi bình thường. Nếu đổi ngược lại, một người phụ nữ đã có chồng, có người yêu buông lời tán tỉnh, trêu ghẹo, đụng chạm cơ thể với một người đàn ông khác (giống hệt như cái cách người đàn ông vẫn hay làm mỗi ngày sau lưng vợ hoặc người yêu họ), dám chắc có hơn một nửa số người chứng kiến sẽ rủa thầm trong bụng rằng: “đồ đàn bà mất nết”.
Dù trong tương lai thế giới thay đổi và xã hội tiến bộ hơn thì người đàn bà vẫn chịu thấp hơn người đàn ông một bậc. Chính vì thế mà quan điểm trước giờ người ta cho rằng người đàn bà ngoại tình coi như “chết chắc – không còn sợ lựa chọn” còn người đàn ông ngoại tình thì vẫn ngang nhiên được tha thứ.
Một số ít đàn ông khi phát hiện ra vợ đã lừa dối mình vẫn tha thứ cho vợ, nhưng chỉ là số ít. Và nếu đồng ý tha thứ, đàn ông phải đối mặt với sức ép của dư luận khá nặng nề, sẽ có những lời đàm tiếu cho rằng họ quá mềm yếu, nhu nhược. Điều này khiến đàn ông thêm khó chịu và có thể làm lung lay quyết định tha thứ trong họ.
Đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ trong xã hội phương Đông, vốn chịu nhiều sự lệ thuộc vào chồng. Khi đứng trước việc “ly hôn”, người vợ luôn cân nhắc kỹ càng bởi vì điều này đồng nghĩ với việc phải một mình nuôi dạy con cái, gánh vác mọi khó khăn trong cuộc sống. Do vậy phụ nữ ít hoặc không dám thẳng thừng “ân đoạn nghĩa tuyệt”, để tự mình và con mình không còn chỗ dựa.
Việc ngoại tình, ly thân, ly dị hiện nay đang là căn bệnh khó chữa đối với hạnh phúc hôn nhân.Phải chăng, trong khi mà tất cả mọi người đều đang hô hào “ nam nữ bình quyền”, chúng ta ít nhiều vẫn đang có lối suy nghĩ và cách đối xử bất bình đẳng với những người phụ nữ chẳng may lầm lỡ...?
Vân Đan(T/h)