Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện về người lính lê dương mang họ Bác Hồ

(DS&PL) -

Từ hàng ngũ quân đội Pháp, Stefan Kubiak đã đứng trong hàng quân của Việt Minh, chiến đấu như một người cộng sản. Người lính lê dương đó đã được vinh dự mang họ Bác Hồ.

Từ hàng ngũ quân đội Pháp, Stefan Kubiak đã đứng trong hàng quân của Việt Minh, chiến đấu như một người cộng sản. Với những đóng góp của mình vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam, người lính lê dương đó đã được vinh dự mang họ Bác Hồ.

Trong ký ức của cựu chiến binh Điện Biên Phủ Nguyễn Xuân Tính, phường Trung Đô, TP Vinh (Nghệ An) vẫn in đậm hình ảnh của một người lính ngoại quốc cao lớn. Họ gặp nhau khi chiến dịch Điện Biên Phủ đang ở giai đoạn ác liệt nhất. Qua sự “sửng sốt” ban đầu về một người lính “mắt xanh, mũi lõ” trong hàng ngũ bộ đội Cụ Hồ là sự ngưỡng mộ, kính phục của người lính Việt Nam. Và họ đã gọi nhau bằng hai từ “đồng chí”.

Stefan Kubiak - đại tá Hồ Chí Toán (Ảnh tư liệu).

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Tính nhớ lại: “Khi chiến dịch Điện Biên Phủ vào giai đoạn ác liệt nhất, tôi còn nhớ rất rõ, ngày đó, tôi được lệnh theo đồng chí Toàn - thủ trường đơn vị sang đại đội pháo binh. Trên trận địa pháo, tôi quá đỗi ngạc nhiên khi thấy một người nước ngoài cao lớn trong bộ trang phục bộ đội Cụ Hồ. Ông đang say sưa tính toán các phương án, cự ly trên tấm bản đồ tác chiến.

Như đọc được sự ngạc nhiên trong mắt tôi, đồng chí Toàn kể sơ qua về người lính Tây ở trong hàng ngũ của Bộ đội Cụ Hồ. Thì ra, đó là Stefan Kubiak, một người dân Ba Lan, đã từng đứng “bên kia chiến tuyến”.

Sinh ra ở Ba Lan, Stefan Kubiak lớn lên và bị cuốn vào cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất. Khi kết thúc chiến tranh, ông bị rơi vào tay quân Pháp và bị cưỡng bức vào đội quân lê dương ngoại quốc rồi được đưa tới Việt Nam. Người lính ấy đã được dạy cầm súng bắn vào những người "chống lại sự khai phá văn minh của Pháp quốc".

Thế nhưng, những ngày tháng cầm súng, người lính lê dương này nhận ra rằng, mình đang cố gắng tiêu diệt những người đang bảo vệ Tổ quốc của mình trước sự xâm lăng của ngoại bang. Bằng tinh thần dũng cảm, gan dạ và tình yêu đất nước, con người hồn hậu nơi đây, Stefan Kubiak đã rời bỏ hàng ngũ những người lính lê dương để đứng vào hàng ngũ những người chiến đấu vì chính nghĩa.

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Tính hồi tưởng về người đồng chí đặc biệt của mình.

Để có thể đứng vào hàng ngũ của người chiến đấu vì lẽ phải, Stefan Kubiak đã thực hiện một cuộc đào ngũ, chạy trốn vào rừng với mục đích trở thành hàng binh của Việt Minh. Không lâu sau đó, ông đã sát cánh cùng với những người lính du kích, luôn ở tuyến đầu trong mỗi trận đánh. Bằng kiến thức quân sự, sự thao lực, mưu trí, lòng dũng cảm, gan dạ và cố gắng của mình, ông được những người lính du kích đặt một cái tên Việt Nam - Toán. Một cái tên nói lên sự tin tưởng, ngưỡng mộ của người lính Việt Minh đối với tài thao lược, tính toán trong từng trận đánh của ông.

Những trận đánh đã đưa ông đứng vào hàng ngũ của vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. “Ở đây, Stefan Kubiak được phân công phụ trách một đơn vị pháo. Với những tính toán chính xác đến từng milimet, ông đã cùng đơn vị lập được nhiều chiến công. Với ngoại hình của một lính Tây, Stefan Kubiak khoác lên mình bộ quân phục sỹ quan Pháp đột nhập vào lô cốt khó đánh nhất của địch, mở đường máu cho những chiến sỹ khác xông lên đánh chiếm lô cốt. Sau những lần đi trinh sát về, Stefan thường dùng mảnh khăn buộc vào đầu để che mái tóc vàng, mang một mảnh vải như khẩu trang để che mặt lại, tránh một số chiến sỹ ta chưa biết mà "tỉa" nhầm”, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Tính nhớ lại.

Bộ đội kéo pháo lên trận địa (Ảnh tư liệu).

Chính dịch Điện Biên Phủ thắng lợi có sự đóng góp không nhỏ của người lính lê dương hàng binh Stefan Kubiak. Sau chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận Stefan Kubiak làm con nuôi và cho phép ông được mang họ của Người. Cái tên rất Việt Nam - Hồ Chí Toán gắn với ông từ đó.

“Cuộc gặp ở trận địa mở đầu cho một tình bạn giữa tôi và Stefan. Tôi hứa sẽ dạy ông ấy tiếng Việt. Ngược lại, Stefan sẽ dạy tôi Toán học và tiếng Pháp. Cuộc chiến ngày càng ác liệt nên chúng tôi không có nhiều điều kiện để gặp nhau. Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, Stefan phục vụ một thời gian nữa trong quân đội rồi chuyển công tác sang Tòa soạn báo Quân đội nhân dân và Đài tiếng nói Việt Nam. Tôi chuyển công tác về Quân khu 4. Chúng tôi giữ liên lạc với nhau thêm một thời gian nữa. Do công việc cũng như cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước ác liệt nên liên lạc giữa chúng tôi gián đoạn sau đó thì mất liên lạc luôn”, ông Tính ngậm ngùi.

Trong ký ức của người lính đã đi qua 2 cuộc chiến tranh Nguyễn Xuân Tính, hình ảnh một người lính lê dương bằng chiến công, lòng quả cảm, tình yêu và tinh thần chiến đấu quên mình cho một đất nước xa lạ - một đất nước mà ông đã xem như là quê hương thứ 2 của mình - luôn mang dáng dấp đẹp đẽ, huyền diệu. Với ông, Stefan Kubiak - Hồ Chí Toán đã trở thành biểu tượng cho lòng yêu chuộng hòa bình, khát khao cống hiến và chiến đấu vì chính nghĩa, vì độc lập của một dân tộc yêu chuộng hòa bình.

Tin nổi bật