Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện về người lính đảo 13 năm chưa một lần về quê ăn Tết

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Gia đình khó khăn, hai đứa con phát triển không bình thường nhưng vì nhiệm vụ cao cả nơi biển đảo, anh tình nguyện ở lại và đến nay đã qua 13 cái Tết rồi anh khô

(ĐSPL) - Gia đình khó khăn, hai đứa con phát triển không bình thường nhưng vì nhiệm vụ cao cả nơi biển đảo, anh tình nguyện ở lại và đến nay đã qua 13 cái Tết rồi anh không được sum vầy với người thân và gia đình họ hàng ở quê nhà. Thiếu đi trụ cột trong nhà dịp Tết đến Xuân về, ai cũng hụt hẫng nhưng người thân của anh không buồn bởi họ biết rằng, sự hy sinh ấy là cho Tổ quốc và rất cần được cảm thông, chia sẻ.

Câu chuyện về người lính đảo Đinh Trần Lê nhiều năm liền không được đón Tết cùng với người thân đã khiến nhiều người cảm phục.

Xót xa gia cảnh người lính đảo

Về xóm 9, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, không quá khó để chúng tôi tìm ra nhà Thượng uý Đinh Trần Lê (SN 1976) người đang công tác tại trạm rada 55 huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận). Trong câu chuyện với những người hàng xóm, chúng tôi được biết, Thượng uý Đinh Trần Lê, sau khi tốt nghiệp THPT đã lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Năm 2001, sau khi tốt nghiệp trường trung cấp Kỹ thuật Phòng không Không quân, anh được nhận công tác ở trạm rada 55. Đến năm 2006, anh tình nguyện ra đảo Trường Sa làm việc 2 năm rồi lại quay về làm việc tại đảo Phú Quý. Cho đến nay, sau hơn 13 năm công tác ở đảo, là con trai trưởng nhưng anh Lê chưa một lần được về quê đón tết cùng gia đình.

Trước đó, năm 1999, anh Lê đã lập gia đình với chị Hoàng Thị Hoà, người cùng quê. Những ngày nghỉ hiếm hoi sau đám cưới nhanh chóng kết thúc, anh lại quay trở về đơn vị. Thời gian cứ thế trôi đi, rồi cả gia đình vỡ oà trong hạnh phúc khi chị Hoà chuẩn bị sinh đứa đầu tiên. Cháu Đinh Hoàng Trần Hiếu không chỉ là niềm vui mà còn là động lực, là niềm an ủi với chị khi chồng vì nhiệm vụ phải đi biền biệt quanh năm. Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, đón cháu Hiếu ra đời được mấy ngày, gia đình chết lặng khi biết cháu bị viêm não Nhật Bản bẩm sinh.

Sau ngày hạnh phúc với một đám cưới đầm ấm, anh phải xa chị để đi làm nhiệm vụ.

Đến nay, tuy đã 15 tuổi nhưng Trần Hiếu chỉ nặng 25kg, chân tay cháu co quắp, mọi hoạt động hằng ngày của cháu diễn ra khá khó khăn bởi chân trái phát triển không bình thường, có dấu hiệu bị teo dần và liệt hẳn. Cha mẹ già, con bệnh tật, mọi gánh nặng đè lên đôi vai người vợ trẻ nhưng chị Hoà luôn xác định tư tưởng: Mình là vợ lính đảo, phải chăm lo tốt cho gia đình, giúp chồng yên tâm làm nhiệm vụ. Năm 2005, anh chị quyết định sinh tiếp cháu thứ hai và đặt tên Đinh Hoàng Quỳnh Anh. Nhưng một lần nữa, nỗi đau lại đến với gia đình anh chị, Quỳnh Anh ra đời và không may mang trong mình căn bệnh ung thư máu. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, những đứa con tưởng chừng sẽ là niềm an ủi cho gia đình Thượng uý Lê những ngày anh vắng nhà, thì nay lại là niềm đau và gánh nặng lớn. Hàng tháng, gửi cháu Hiếu cho ông bà nội, chị Hoà và cháu Quỳnh Anh lại khăn gói đi xạ trị ở bệnh viện Ung Bướu Trung ương.

Cứ thế ngày tháng lần lượt trôi qua, anh Lê vì nhiệm vụ vẫn phải chấp nhận xa gia đình, không thể chia sẻ cùng vợ con những khi bệnh tật hoành hành. Mấy năm trở lại đây, để thuận tiện cho việc đưa cháu Quỳnh Anh đi thăm khám định kỳ, hàng tháng chị Hoà đành gửi cháu Hiếu lại cho ông bà nội vào miền Nam thuê nhà ở, buôn bán kiếm sống qua ngày. 16 năm là vợ chồng với hai lần "vượt cạn", chị Lê vẫn chỉ một mình. Mỗi năm anh chỉ về nhà dăm ba ngày tranh thủ, rồi lại quay lại đơn vị để đảm bảo công việc nên hầu như mọi công việc đều một tay chị lo liệu. Mãi rồi cũng quen, thế nhưng mỗi năm cứ độ Tết đến là 3 mẹ con lại không khỏi chạnh lòng.

Chị Hoàng Thị Hoà bên đứa con thứ hai đang bị ung thư máu. Để tiện điều trị cho con, mấy năm gần đây, chị Hoà vào ở hẳn tại TP.HCM, vừa làm thêm kiếm tiền, vừa giúp cháu Quỳnh Anh điều trị.

"Tết này nó lại vắng nhà"

Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Đinh Trần Chương (68 tuổi) bố đẻ của Thượng uý Đinh Trần Lê tại xã Nghi Long. Ngôi nhà nhỏ nơi cuối xóm lặng lẽ trong cơn mưa chiều đông. Trong nhà, ông Chương khó nhọc từng bước đi dọn dẹp căn phòng cho cậu cháu đích tôn Đinh Hoàng Trần Hiếu chuẩn bị đón Tết. Biết cháu bệnh tật lại xa bố mẹ, ông Chương luôn cố gắng bù đắp mọi thiệt thòi. Hai ông bà đã dành tất cả lương hưu ít ỏi của người thương binh hạng nặng để lo lắng cho Hiếu.

Ông Chương chia sẻ: "Lê vắng nhà nhiều năm nay. Thương hoàn cảnh gia đình con, thương cháu bệnh tật nên dù tuổi cao, lại là thương binh hạng nặng, sức khoẻ yếu nhưng tôi nén tất cả nỗi lòng để cố gắng, tạo động lực giúp con an tâm công tác". Vợ ông Chương khi được hỏi đã rơm rớm nước mắt: "Ừ, tết này nó lại không về chú ạ. Chúng tôi lại phải vừa làm ông bà, vừa làm cha mẹ lo cho cháu Hiếu. Từ bộ đồ mới đến đôi dép mới để cháu được vui xuân đón tết như bao bạn khác, chúng tôi đều phải chuẩn bị cả".

Cháu Trần Hiếu dù bệnh tật vẫn cố gắng học tập tốt. Nhiều năm liền cháu đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Hiện tại cháu đang là học sinh lớp 8C trường THCS Nghi Long. Ông Chương nói thêm về cậu cháu trai của mình: "Hiếu ngoan và chịu khó học lắm, nhưng vì sức khoẻ cháu không đảm bảo nên ảnh hưởng đến thành tích học tập. Từ ngày cháu bắt đầu đi học chỉ có ông nội là người đồng hành. Nhiều hôm, giờ ra về đến đón cháu thấy các bạn được bố mẹ đưa đón, đôi mắt cháu mình ánh lên sự thèm khát, nhìn mà thấy thương quá". Gặp chúng tôi, cậu bé 15 tuổi ngồi khép nép bên ông nội, thân hình mảnh khảnh, chân tay phát triển không đều khiến chúng tôi cũng xót xa. Khi hỏi cháu về bố mẹ, cậu bé chỉ gật gù không nói gì. Hồi lâu, cậu bé chạy vội đến chỗ học của mình lấy từ trong chiếc hộp nhỏ tập ảnh của bố mẹ và em gái. Hiếu tự tay lấy từng bức ảnh đưa cho chúng tôi, lúc này chợt em mỉm cười khi chỉ vào ảnh và nói: "Em gái cháu ngày chưa truyền thuốc nên chưa bị rụng tóc đó ạ".

Nhìn ánh mắt con thơ bỗng nhanh nhẹn, rạng ngời khi nói về gia đình khiến chúng tôi chứng kiến cảnh này thấy thương cảm cho cậu bé sớm phải chịu cảnh xa cách. Khi được hỏi Tết này, Hiếu muốn bố về mua nhiều quà hay được vào với bố. Hiếu suy nghĩ hồi lâu rồi trả lời thỏ thẻ: "Tết này con chẳng cần quà, chỉ mong bố về đưa con đi xem bắn pháo hoa".

Thêm một cái Tết anh Lê không về, và cũng thêm một cái Tết, vợ chồng ông Chương phải thay cậu con trai làm nhiệm vụ với tổ tiên, họ hàng, làng xóm và với chính đứa con trai của Lê. Nhưng vợ chồng ông Chương không buồn, vì Lê ở lại là thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc giao phó nơi biển đảo.

Ông Lê Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Nghi Long cho biết: "Gia đình Thượng uý Đinh Trần Lê là gia đình giàu truyền thống cách mạng. Bố anh Lê là thương binh hạng nặng, đóng góp rất nhiều công sức trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm. Thế nhưng, hai đứa con bệnh tật từ nhỏ nên cuộc sống của gia đình hết sức khó khăn. Hiểu và cảm thông với những hy sinh của anh Lê, chính quyền địa phương luôn quan tâm, động viên và để gia đình, người thân vượt qua khó khăn. Các ngày lễ, chúng tôi đều cử người đến thăm và tặng quà cho gia đình. Riêng trường hợp cháu Hiếu, chính quyền cũng liên hệ với nhà trường để cháu có được điều kiện học tập tốt nhất".

Tình nguyện ở lại sát cánh cùng đồng đội

Vì nhiệm vụ cao cả bảo vệ Tổ quốc, 13 năm liền, anh Lê tình nguyện ở lại sát cánh cùng đồng đội nơi đảo xa. Một hai năm gần đây, được lãnh đạo động viên, anh mới xin phép nghỉ 2-3 ngày Tết để trở về TP.HCM, hỗ trợ vợ chăm sóc bé Quỳnh Anh đang phải điều trị dài ngày tại bệnh viện. Tết đến, mỗi người một nơi và Tết sum vầy chỉ là giấc mơ.

Tin nổi bật