Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện về “nghệ nhân thầm lặng” của “phố mộc” Tố Tịch và nỗi lo mai một nghề xưa phố cũ

(DS&PL) -

Xưa, phố Tố Tịch (Hoàn Kiếm, Hà Nội) ngày đêm vang lên tiếng tiện, tiếng bào nhưng giờ đây, “phố mộc” đã dần biến chuyển, nghề thợ tiện mai một dần...

Nhiều nghề gia truyền của Hà Nội nay chỉ còn lại tên gọi để gợi nhớ về một thời xa vắng. Xưa, phố Tố Tịch (Hoàn Kiếm, Hà Nội) ngày đêm vang lên tiếng tiện, tiếng bào nhưng giờ đây, “phố mộc” đã dần biến chuyển, nghề thợ tiện mai một dần. Tuy nhiên, ở đây vẫn còn một con người đặc biệt...

Máy tiện đã gắn bó với ông Thắng 30 năm. Ảnh. Hữu Thắng

Tìm đến con phố Tố Tịch vào buổi sớm, sự yên tĩnh, trầm mặc trái ngược hoàn toàn với những điều chúng tôi hình dung về con phố từng nổi tiếng với nghề tiện. Dọc phố Tố Tịch là những khách sạn sang trọng và các cửa hàng kinh doanh dịch vụ. Thế nhưng, điều khiến con phố này trở nên đặc biệt trong mắt du khách là căn nhà số 7 của ông Lê Đình Thắng (SN 1967). Trong nhà là ngổn ngang những khúc gỗ, mùn cưa cùng dụng cụ của nghề mộc của “một thời xa vắng”...

53 năm sống chung với mùi gỗ và mùn cưa

Dừng chân trước cửa hàng tiện duy nhất trên phố Tố Tịch, chúng tôi thấy người đàn ông ngoại ngũ tuần, tóc điểm bạc đang miệt mài bên chiếc máy tiện. Cửa hàng chỉ khoảng 10m, không biển hiệu, nằm lọt thỏm giữa những tòa nhà cao tầng, cửa kính, biển hiệu sáng choang nhưng vẫn khiến người qua đường chú ý, bởi người ta thấy thấp thoáng đâu đó một nét rất riêng của đất Hà thành...

Thấy có khách, ông Thắng nghỉ tay, hỏi xem khách cần gì. Khi chúng tôi hỏi về nghề tiện gỗ, ông như tìm được người bạn lâu ngày mới gặp đang có biết bao chuyện muốn chia sẻ. Ông Thắng cho hay, trước đây, hầu hết cư dân sinh sống trên con phố này đều là người làng Nhị Khê (Thường Tín, tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội).

Gia đình ông cũng vậy, cụ Lê Đình Trai, trước đây là một thợ tiện lành nghề, từ quê Nhị Khê ra lập nghiệp tại phố Tố Tịch từ những năm 50 của thế kỷ trước. Bảy anh em ông Thắng đã lớn lên trong lòng phố cổ, cùng tiếng gõ, đục lách cách, quen hít hà mùi gỗ thơm nồng. Nhà đông con là vậy nhưng giờ đây, chỉ còn duy nhất một mình ông Thắng theo cái nghề “cha truyền con nối”.

Năm 1988, ông Thắng đi bộ đội về, bắt đầu theo học nghề từ bố. Mặc dù được tiếp xúc với gỗ từ nhỏ, được nhìn bố làm hàng ngày nhưng khi bắt tay vào làm một người thợ tiện, ông cũng mất 2 năm học nghề mới trở thành một người thợ thành thạo công việc.

Ông Thắng tâm sự: “Nghề tiện đòi hỏi ở người thợ đức tính kiên trì, nhẫn nại. Đặc biệt, người thợ phải có bàn tay tài hoa, khéo léo bởi những đường tiện phải chính xác từng tí một. Cùng với đó là đôi mắt tinh tường sẽ cho ra những sản phẩm cân đối về kích thước, đường nét nuột nà mà không cần phải đo đạc, kẻ vẽ nhiều. Học nghề tiện không khó, bởi chỉ sau vài tháng là đã có thể làm nghề. Tuy nhiên, từ lúc biết nghề tới lúc thạo nghề, có thể tạo ra sản phẩm đẹp mắt lại là cả quá trình luyện tập, học hỏi chuyên cần của người thợ".

Để làm được một sản phẩm tiện gỗ, người thợ phải khéo léo tính toán từng công đoạn. Tùy theo độ khó của sản phẩm mà cần thời gian chế tác tương ứng. Gỗ trước khi đưa vào gia công phải được sơ chế đẽo tròn qua cho bớt các góc cạnh, gỗ để khô vừa đủ, sau đó mới bắt đầu tiến hành các công đoạn chế tác.

Theo ông Thắng, mỗi sản phẩm đều có yêu cầu riêng và có độ khó riêng nhưng đều đòi hỏi người thợ phải hết sức khéo léo và tỉ mỉ trong mỗi chi tiết. Các sản phẩm truyền thống của ông Thắng chủ yếu là các đồ thờ trong chùa chiền như: Cây cắm nến, đĩa đựng hoa quả, mâm hứng tàn hương, dùi gõ mõ, ống hương, tràng hạt... Ngoài ra, các trường học và các đoàn múa lân cũng thường xuyên đặt ông gia công dùi trống.

Còn các sản phẩm gia dụng bằng gỗ như: Ấm chén, gạt tàn, hộp, ống tăm, nậm rượu, khay để điếu bát, đĩa, cốc, con tiện cầu thang, cầu trang trí hàng rào, chao đèn ngủ, chấn song cửa, hộp bút, hộp đồng hồ quả lắc... cũng được khách hàng thường xuyên đặt làm. Bây giờ đã ít khách hơn ngày xưa rất nhiều, nhưng khách hàng lại ngày càng khó tính hơn.

Ông Thắng cho biết: “Có những sản phẩm yêu cầu độ chính xác tuyệt đối, có những cái tôi phải làm lại 2- 3 lần khách mới nhận. Có những người ngồi lại đây, ưng ý thì mới lấy”.

Nói đến đây, bất giác ông hướng mắt về chiếc tủ kính nhỏ - nơi để bức ảnh của người cha thân yêu. Dù cửa hàng chật chội, bụi bặm nhưng ông vẫn dành một góc nhỏ trong tủ để ảnh bố. Đôi tay thô ráp nâng niu bức ảnh chụp người bố đang cần mẫn làm việc. Ông bảo: “Cách sắp xếp cửa hàng từ thời đó đến giờ vẫn giữ nguyên”. Bởi ông muốn lưu giữ những gì tốt đẹp nhất người bố, về nghề tiện - cái nghề của cha ông để lại. Ông luôn để bức ảnh đó ở cạnh chỗ làm việc như để có động lực “bám trụ” với nghề.

Đau đáu nỗi lo nghề truyền thống bị mai một

Trong ký ức của ông Thắng, phố Tố Tịch xưa người người nhà nhà làm nghề tiện, cả phố nức mùi mùn cưa, tiếng máy tiện âm vang từng ngõ ngách. Thế nhưng đến bây giờ, chỉ còn tiếng máy tiện từ căn nhà nhỏ của ông phát ra. Bởi công nghệ hiện đại lên ngôi khiến cho những người làm nghề thủ công như ông Thắng phải đối diện với không ít thách thức.

Các sản phẩm gia dụng không còn đơn thuần được chế tác từ những nguyên liệu truyền thống như gỗ, mây, tre... mà đã được đa dạng hóa bằng nhiều loại nguyên liệu khác nhau. Người tiêu dùng cũng do vậy có nhiều lựa chọn hơn, và những sản phẩm của ông Thắng lại càng phải đối mặt với nhiều thử thách lớn hơn. Làm sao để giữ nghề mà vẫn ổn định thu nhập cuộc sống là một bài toán khó đối với những người làm nghề truyền thống như ông.

30 năm theo nghề, gìn giữ nghề, không chỉ đòi hỏi ở ông Thắng công phu, tỉ mỉ mà còn đòi hỏi cả một tinh thần vững vàng, ý chí thép. Có lẽ, do đã từng là người lính, được rèn dũa trong môi trường quân đội, nên ông Thắng đã mang tinh thần đó để giữ lấy nghề, mong ngọn lửa nghề vẫn còn rực sáng. Thế nhưng, giọng ông bỗng lạc đi khi nói về chuyện không biết cửa hàng này sẽ duy trì được đến khi nào.

“Vì có hai cô con gái nên chắc tôi là người cuối cùng trong gia đình còn theo nghề này. Cái cửa hàng này cũng không biết sẽ tồn tại được đến ngày nào. Hôm nay, tôi còn ở đây, cửa hàng vẫn còn nhưng biết đâu vài hôm nữa, mọi người quay lại là đã không còn thấy căn nhà số 7 trên phố Tố Tịch bày biện đồ gỗ nữa đâu. Thôi thì, sức khỏe cho phép, tôi cứ cố được ngày nào hay ngày ấy. Nếu một ngày nào đó phải dừng lại tôi cũng không hối tiếc, vì mình là người cuối cùng cố gắng làm nghề trên con phố này”, ông buồn rầu nói.

Nếu như lời ông nói, ngày đó xảy ra đồng nghĩa với việc nghề tiện bị “xóa sổ” trên phố Tố Tịch. Thay vào đó là một phố Tố Tịch sầm uất, san sát những khách sạn to đẹp, những cửa hàng lấp lánh. Phố Tố Tịch thơm nồng mùi gỗ với bụi mùn cưa trong nắng chiều chỉ còn là những hình ảnh trong quá khứ.

Phong Linh – Lê Nga

Bài viết đăng trên ấn phẩm Tạp chí in Đời sống & Pháp luật số 140

Tin nổi bật