Chính quyền xã yêu cầu mỗi gia đình chuẩn bị có cỗ cưới phải đặt cọc số tiền 3 triệu đồng. Nếu gia đình nào để xảy ra tình trạng "khách ăn cỗ lấy phần" thì sẽ bị UBND xã xử phạt, trừ vào số tiền đã đặt cọc.
Theo tin tức được báo Thanh Niên đăng tải, gần đây trên một số trang mạng xã hội đã thông tin về việc một số xã của huyện Giao Thủy, Hải Hậu (tỉnh Nam Định), đang vận động xây dựng nếp sống văn minh trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó có việc nếu các gia đình tổ chức cưới hỏi, cũng giỗ thì chỉ làm cỗ đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần.
Cụ thể, chính quyền địa phương yêu cầu các gia đình khi ra xã đăng ký để tổ chức ma cháy, hiếu, hỷ sẽ phải đặt cọc 3 triệu đồng. Nếu chủ nhà để "khách ăn cỗ lấy phần" thì sẽ bị phạt, bằng cách trừ vào số tiền đã đặt cọc.
Những thông tin trên đã khiến dư luận xôn xao, một số người tỏ ra bất bình cho rằng, việc ép người dân đóng tiền phạt như thế là vô lý, không đúng pháp luật. Nên thay bằng cách vận động, tuyên truyền để người dân thay đổi ý thức.
Thậm chí, một thành viên còn cho rằng, việc "ăn cỗ lấy phần" là một nét văn hóa có từ lâu đời, thể hiện sự tiết kiệm, tránh lãng phí của người dân.
Xác nhận sự việc với PV báo Trí Thức Trẻ, ông Trần Hoài Nam- Chủ tịch UBND xã Giao Long (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) cho biết, tại địa phương đang thực hiện cuộc vận động văn minh trong cưới xin và sẽ xử phạt nếu gia đình nào để khách đến ăn cỗ lấy phần.
Theo ông Nam, khi gia đình có con cháu lên trụ sở UBND xã đăng ký kết kết hôn, cán bộ xã sẽ tuyên truyền, vận động, không làm cỗ to, không để xảy ra tình trạng ăn cỗ lấy phần. Bên cạnh đó, xã yêu cầu gia đình chuẩn bị có cỗ cưới phải đặt cọc số tiền 3 triệu đồng và mức tiền này, do chính quyền xã tự đặt ra để đe người dân.
Nếu gia đình nào vi phạm để xảy ra tình trạng khách ăn cỗ lấy phần về sẽ bị UBND xã xử phạt, trừ vào số tiền đã đặt cọc. Cụ thể, nếu 1 người lấy phần có thể phạt 500.000 đồng, 2 người có thể phạt 1.000.000 đồng… và tùy vào mức độ vi phạm xã sẽ xử lý.
Việc "ăn cỗ lấy phần" ở một số xã ở Nam Định đang khiến dư luận tranh cãi. Ảnh minh họa |
Cũng theo vị lãnh đạo UBND xã Giao Long, ngoài tuyên truyền cho gia đình chủ cỗ, xã cũng tuyên truyền cho người dân, khách đến ăn cỗ nghiêm túc thực hiện việc này. Công an xã, cán bộ văn hóa, thôn xóm được giao giám sát tại các gia đình làm cỗ.
Ông Nam cho hay, dù quy định đã được đưa ra khá lâu nhưng đến thời điểm hiện tại, xã chưa phạt bất cứ trường hợp nào do người dân chấp hành nghiêm chỉnh, không có vi phạm.
Trả lời PV báo Giao Thông, ông Bùi Văn Khôi, Trưởng phòng Văn hóa huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định cho hay, hiện tại huyện đang thực hiện xây dựng nếp sống văn minh, văn hoá trong xây dựng nông thôn mới nhưng việc chính quyền ép buộc người dân đóng số tiền 3 triệu đồng là không chính xác.
“Việc ép người dân đóng 3 triệu đồng tiền cọc trước khi tổ chức làm cỗ là không chính xác. Người dân đặt cọc tiền nộp phạt chỉ là tạm ứng vào quỹ của xã trên tinh thần tự nguyện chứ chính quyền không ai ép buộc người dân. Từ xưa tới nay ở đây chưa có ai bị phạt hết, người dân tại địa phương rất tự giác, có ý thức nên thông tin bị ép buộc là hoàn toàn không đúng sự thật”, ông Khôi cho hay.
Cũng theo ông Khôi, việc ăn cỗ lấy phần đã không còn phù hợp với thời điểm hiện tại, bà con nên bỏ để xây dựng một hình ảnh lối sống đẹp, văn minh.
Trong khi đó, ông Lê Văn Sơn, Trưởng phòng Văn hoá huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định cũng cho hay, sự việc trên diễn ra trên địa bàn từ khoảng 2 năm trước. Thế nhưng, sau khi nhận những ý kiến trái chiều, chính quyền đã chấn chỉnh, yêu cầu chỉ vận động chứ không được ép buộc bà con.
Xử phạt chủ nhà "để khách ăn cỗ lấy phần" có đúng luật?
Liên quan đến vụ việc, trả lời báo Dân Việt, luật sư Trần Tuấn Anh- Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: “Việc xử phạt chủ nhà để khách ăn cỗ lấy phần của các UBND xã thuộc huyện Giao Thủy là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Nó làm mất đi một nếp sống văn hóa đã tồn tại từ lâu đời. Chính việc làm của các UBND xã mới là không có văn hóa”.
Theo luật sư, việc xử phạt hành chính cần phải có biên bản xử phạt, quyết định xử phạt và tuân theo trình tự về việc xử lý vi phạm hành chính.
Luật sư Tuấn Anh cho rằng, đối tượng xử phạt phải là người thực hiện hành vi vi phạm, nhưng ở đây hành vi không có, đối tượng cũng không có. Trong việc chủ nhà để khách ăn cỗ lấy phần, phải xử phạt ai? Xử phạt cô dâu chú rể, xử phạt bố mẹ cô dâu chú rể hay xử phạt người đi ăn cỗ lấy phần về? Việc xử phạt này không đúng. Vì không có hành vi được quy định bởi pháp luật và không được thực hiện theo trình tự thủ tục vì nó không có hành vi.
“Theo tôi, trong câu chuyện xử phạt chủ nhà có cỗ để khách ăn cỗ lấy phần, huyện Giao Thủy và tỉnh Nam Định cần phải ngay lập tức rà soát lại, nếu có hành vi trên phải ngay lập tức ngăn chặn việc làm trái pháp luật của các UBND xã. Đồng thời cần phải làm rõ từ trước tới nay những tiền phạt ấy đi về đâu, hạch toán vào đâu để xử lý nghiêm những hành vi trái pháp luật” - Luật sư bày tỏ quan điểm.
Hoàng Yên (T/h)