Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyên gia Trung Quốc: "Không COVID" là "pháp bảo" để kiểm soát biến thể Omicron

(DS&PL) -

Chuyên gia Trung Quốc tin rằng chiến lược "Không COVID" là cách hiệu quả giúp nước này có thể đối phó với mọi chủng biến thể của SARS-CoV-2, bao gồm cả Delta hay Omicron.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, biến thể Omicron - Chủng biến thể mới của SARS-CoV-2 đã khiến tình hình dịch bệnh toàn cầu trở nên căng thẳng hơn.

Biến thể Omicron (tên khoa học là B.1.1.529) xuất hiện đầu tiên ở Nam Phi và Botswana, hiện đã xuất hiện ở nhiều nước như Israel, Anh, Italy và một số nước châu Âu.

Omicron gây lo ngại vì có chứa khoảng 50 đột biến, trong đó có 32 đột biến trên protein gai. Với lượng đột biến bất thường này, giới chuyên gia cảnh báo biến chủng mới của SARS-CoV-2 có thể dễ lây lan hơn hoặc dễ kháng vaccine và miễn dịch tự nhiên hơn.

Hình ảnh so sánh biến thể Delta (bên trái) và Omicron của bệnh viện Bambino Gesu. Ảnh: RT

Trước nguy cơ cực kỳ đáng lo ngại đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra một loạt các biện pháp hạn chế mới. Thậm chí, Israel lại một lần nữa phải ban hành lệnh cấm tất cả người nước ngoài nhập cảnh vào quốc gia này.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia Trung Quốc tin rằng hiện tại, chủng biến thể mới sẽ không có tác động lớn đến Trung Quốc và chiến lược "Không COVID" với các biện pháp kiểm soát chặt, phản ứng nhanh hiện tại của Trung Quốc có thể đối phó với nhiều loại biến thể của SARS-CoV-2.

Theo ông, Zhang Wenhong, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm Trung Quốc, nước này hiện đang ở giai đoạn có "nhiều cơ hội" nhờ chiến lược "Không COVID" và đang đẩy nhanh việc xây dựng hỗ trợ khoa học cần thiết cho giai đoạn 'bình thường hóa" tiếp theo.

"Dựa trên cơ sở khoa học và sự đoàn kết, Trung Quốc có thể đối phó biến thể Delta hay cả với Omicron", ông Zhang tuyên bố.

Chiến lược "Không COVID" với các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt và phản ứng nhanh giúp Trung Quốc tự tin đối phó được các biến thể của SARS-CoV-2. Ảnh minh họa

Wu Zunyou, Chuyên gia dịch tễ học thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, nói rằng, "Không COVID" là "pháp bảo" giúp Trung Quốc kiểm soát dịch bệnh.

"'Pháp bảo' này rất có hiệu quả. Miễn là các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh được tuân thủ, thì hoàn toàn có thể ngăn chặn biến thể Omicron", ông Wu cho hay.

Đối với biến thể Omicron, các nhà sản xuất vaccine toàn cầu đang nhanh chóng đáp ứng. Trong số đó, hãng Pfizer và BioNTech cho biết họ hy vọng trong 2 tuần tới sẽ có thêm dữ liệu về biến thể mới từ các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, nhằm điều chỉnh vaccine mRNA của họ trong vòng sáu tuần tiếp theo.

Giám đốc Y tế hãng dược Moderna Paul Burton mới đây cho biết hãng có thể tung ra một phiên bản vaccine ngừa COVID-19 cải tiến để chống lại biến thể nhiều đột biến Omicron vào đầu năm 2022.

Hãng SINOVAC cũng tuyên bố rằng họ sẽ tiến hành đánh giá và nghiên cứu càng sớm càng tốt để tìm hiểu tác động của biến thể Omicron đối với các loại vaccine ngừa COVID-19 bất hoạt hiện có, nhằm phát triển vaccine chống lại chủng đột biến mới này của SARS-CoV-2.

Một nguồn tin từ hãng dược phẩm CanSinoBIO cho biết hãng đang rất chú ý đến biến thể Omcron và hiện đang thu thập cũng như phân tích thông tin liên quan.

“Với những ưu điểm của nền tảng công nghệ vectơ adenovirus của CanSinoBIO và nền tảng công nghệ mRNA, một khi nhận thấy khả năng bảo vệ của các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện có suy giảm, CanSinoBIO tự tin sẽ đưa ra một loại vaccine mới chống lại các chủng đột biến trong thời gian ngắn nhất", nguồn tin cho hay.

Theo số liệu thống kê trên trang worldometers, tính đến sáng 29/11 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cổng hơn 261,76 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có hơn 5,21 triệu trường hợp tử vong.

Hoa Vũ (Theo Thời báo Hoàn Cầu)

Tin nổi bật