Sau nhiều lần bị chồng đánh đập dã man, một số chị em đã vùng lên phản kháng. Và rồi, cuộc hôn nhân của họ đã có những thay đổi rõ rệt, có người thì được chồng thương yêu hơn, có người lại tự giải thoát mình khỏi cuộc sống địa ngục...
Đến giờ Hà vẫn chưa hết ấm ức về chuyện đã xảy ra giữa hai vợ chồng tuần trước.
Cô kể: "Vợ chồng em lấy nhau đã ba năm và có một cậu con trai mới hơn một tuổi. Từ ngày có con, thay vì phụ vợ việc nhà và chăm sóc con thì chồng em lại đi chơi nhiều hơn trước.
Cuối tuần trước, con em bị sốt. Em vội vàng xin nghỉ làm sớm, đồng thời gọi điện luôn cho chồng xin nghỉ về đưa con đi khám. Chờ mãi không thấy chồng về, em đành bắt taxi đưa con đến bệnh viện. Mãi đến tối muộn mới thấy chồng lò dò về, người có hơi men. Vậy là hai vợ chồng cãi nhau một trận.
Thực ra không có chồng thì em vẫn tự xoay xở hết mọi chuyện, nhưng rõ ràng anh ấy quá ư là vô trách nhiệm với gia đình. Trong lúc cãi nhau, chồng em xưng “tao-mày”, rồi nói: “Tao là đàn ông, tao đi làm đưa tiền cho mày, mày phải có trách nhiệm chăm sóc con cái, cửa nhà cho chu đáo”.
Bị chồng vô lý tát mạnh vào mặt, cô vợ chọn cách đánh trả. |
Em nghe mà “máu dồn lên não”. Càng nghĩ em càng thấy em khổ trước hết là vì em dại không tìm hiểu cho kĩ càng, hai nữa là do bố mẹ chồng cưng chiều con quá nên giờ hậu quả do em lãnh đủ.
Em nghĩ thế nào em nói như thế. Vậy mà anh ta bảo em là đồ hỗn láo, xúc phạm bố mẹ chồng rồi giang tay tát thẳng vào mặt em. Em lúc đó cũng không làm chủ được mình, vớ cây chổi quơ quơ vào người anh ấy, không ngờ cái móc treo chổi cào một đường lên mặt khiến má anh ấy rớm máu. Chuyện ồn ào cả xóm trọ, bố mẹ chồng em nhà ở cách đó không xa nghe tin cũng chạy sang, vậy là em phút chốc biến thành kẻ bạo hành chồng.
Khi mẹ chồng hỏi chuyện, em kể lại đầu đuôi như thế, rằng con thì đang ốm đau, chồng thì la cà nhậu nhẹt, về lại bảo con cái nhà cửa là việc của đàn bà, ai nghe xong chẳng tức. Mẹ chồng bảo em: “Dù thế nào đi nữa, vợ cũng không được phép đánh chồng”
Em xưa nay tính cũng ương bướng gan lì, nói chuyện gì cũng nói đến phải thì thôi. Em bảo với mẹ chồng: "Vợ không được phép đánh chồng, chẳng lẽ chồng thì được phép đánh vợ?”. Mẹ chồng em nghe xong quay lưng ra về còn ném lại một câu: "Cứ thế, chồng nó đánh cho là phải.”
Mẹ chồng trách thì thôi không nói, bởi con mình có sai vẫn là con mình. Nhưng mấy người hàng xóm cũng không thông cảm cho em. Họ nói đàn bà phải biết nhẫn nhịn, phải biết lúc nào nên “bớt lửa”, lúc nào nên “biết thua” chứ ai lại chồng đánh cũng đi đánh lại, chẳng mấy chốc mà tan cửa nát nhà. Ngay cả bố em biết chuyện cũng ngao ngán lắc đầu bảo: "Làm cha làm mẹ cả rồi mà như trẻ con.”
Từ hôm xảy ra chuyện, chồng em bỏ về nhà cha mẹ ở, anh ta đánh tiếng với mấy chị cùng khu trọ rằng lúc nào em sang nhà xin lỗi thì anh ta mới về. Mọi người cũng khuyên em nên chịu nhún một tý, vợ chồng với nhau chẳng đi đâu mà thiệt.
Tất nhiên, em cũng biết trong lúc cơm sôi nên bớt lửa, nhưng em vẫn tự thấy mình chẳng việc gì phải xin lỗi. Vì là do chồng em ra tay trước, em lúc đó cũng có thể hiểu như là “cả giận mất khôn” thôi. Chẳng lẽ chồng đánh vợ thì được mà vợ đánh chồng thì sai? Chẳng lẽ lúc chồng tát em, em phải câm lặng chịu đựng mới là đúng?".
Chồng chị Thủy (làm kinh doanh ở Hà Nội) là một giảng viên đại học, vốn khá chiều vợ con, nhưng mỗi lần nổi khùng là sẵn sàng tát, đấm vợ. Lần đầu sững sờ, vài lần sau thì đau đớn, tủi thân, chị Thủy chỉ biết cố co lại tránh đòn. Nhưng sự nhẫn nhịn của chị cũng không khiến tình hình được cải thiện là bao. Có lần chồng chị ra tay nặng bất ngờ khiến chị ngất xỉu.
Người vợ bị hành hung quá tàn nhẫn có thể sẽ phản kháng lại. |
Lần gần đây nhất, không thể nhịn nổi khi anh tát nảy đom đóm mắt chỉ vì vợ không đồng ý về quê, chị đã vớ luôn chiếc ghế đập lại.
"Tôi cũng hơi hoảng khi thấy anh ấy khựng lại, ôm mặt vì chảy máu nhưng tôi vẫn nói rắn 'còn muốn ở với nhau, muốn được coi là chồng thì bỏ ngay trò thượng cẳng chân hạ cẳng tay đi'", chị Thủy kể. Sau lần đó, chồng chị bảo không thể ngờ vợ hung hãn như vậy và anh không dám ra khỏi nhà suốt 2 ngày vì vết rách trên mặt.
"Tôi cũng nói rằng mình bao lần đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần khi bị anh đánh. Nếu thực sự yêu thương nhau thì vợ chồng đừng dùng nắm đấm. Còn nếu đã chẳng còn tình nghĩa gì thì chấm dứt", chị nói. Từ đó tới nay đã 2 năm, chồng chị Thuận không dùng bạo lực với vợ nữa.
Tuy nhiên không phải ai cũng may mắn như chị Thủy. Có không ít người vợ kể rằng việc phản lại đòn chồng không có tác dụng, thậm chí khiến họ bị đánh đau hơn.
"Lần đầu tiên bị tát mình bật lại luôn và chồng quay ra đánh tiếp", một chị tên Thu Hường chia sẻ. Trường hợp khác, chị Trúc Mai cho biết, lấy chồng 6 năm thì chị bị đánh tới 60 trận và luôn cố nín nhịn. Lần cuối cùng bật lại thì bị nện đau hơn, tới chảy máu tai. Các trận đòn chỉ kết thúc khi chị quyết định ly hôn.
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Vũ Tuyết Anh, Trung tâm tư vấn tình cảm Linh Tâm (Hà Nội), chia sẻ: "Tôi không ủng hộ cách dùng bạo lực chống bạo lực bởi nó thường không mang lại hiệu quả, thậm chí đẩy tình huống leo thang tới mức nguy hiểm".
Theo chị Tuyết Anh, tốt nhất, chị em nên cố gắng dập lửa từ trước khi bùng lên, tránh tranh cãi khi nóng giận, tìm nơi an toàn để bảo vệ bản thân và nhờ tới sự trợ giúp từ bên ngoài. Vợ chồng cố gắng nói chuyện với nhau để tìm ra giải pháp khi cả hai thực sự bình tĩnh.
Chuyên gia tâm lý Hoàng Dương Bình, giám đốc Văn phòng tham vấn tâm lý Hoàng Nhân (Hà Nội) cho rằng, có những người chồng thấy vợ phản kháng đâm ra sợ, nhưng đó không phải là số nhiều, không phải là giải pháp cho mọi người và cũng không thể áp dụng thường xuyên.
Chuyên gia tâm lý Hoàng Dương Bình khuyên chị nên thận trọng khi chọn cách phản kháng lúc bị chồng đánh. |
"Phần lớn phụ nữ là chân yếu tay mềm, khó có thể thắng được đàn ông nếu 'chiến đấu' bằng sức. Ngoài bản năng tự vệ mà bất chấp vùng lên, hoặc phải dùng bạo lực để tự giải thoát ra hoàn cảnh nguy hiểm, về lâu dài, không nên lạm dụng và coi việc đánh lại chồng là phương thuốc tối ưu để giải thoát cho mình vì bạo lực thường nối tiếp bạo lực và kể cả không thì nếu lạm dụng sẽ tạo ra các phản ứng phụ", ông Bình bày tỏ.
Theo ông, nếu cực chẳng, phải chống trả, người phụ nữ nên chọn lúc đông người, có đồng minh bởi nếu nhà biệt lập, khóa kín hay đơn thân độc mã thì rất nguy hiểm.
Nhà tâm lý cho rằng đàn ông vũ phu thường chia làm hai nhóm. Thứ nhất là những người vốn có bản chất yếu đuối bên trong, dễ bế tắc, không cân bằng về tâm lý. Họ có thể thỉnh thoảng mới đánh vợ và vẫn giữ được giới hạn nào đó (không gây thương tích nặng). Với những người này thì sự phản kháng còn có tác dụng. Tuy nhiên, hiệu quả hơn là người vợ nên quan tâm xem những ức chế nào gây ra sự bộc phát bạo lực của chồng, có thể là các tổn thương thời thơ ấu, quan điểm sống, thói quen sinh hoạt, đồng thời xem bản chất thật của con người ấy là gì. Ngoài ra, chị em cũng nên xem lại mình, tìm cách giải quyết các vấn đề ở bản thân, tạo được sự hài hòa trong chính con người mình thì tự nhiên phía bên kia cũng sẽ giảm hoặc thôi bạo lực.
Nhóm thứ hai là những kẻ đánh vợ thường xuyên, dùng bạo lực như một thú vui, một cách thức giải tỏa cơn nghiện hành hạ thì đó là một dạng bệnh lý và việc người vợ phản đòn có thể còn khiến chồng hung hãn hơn.
Những chị em đã lỡ lấy phải người đàn ông vũ phu có thể nhờ tới sự trợ giúp của gia đình, đoàn thể, thậm chí pháp luật để răn đe. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào các việc này cũng có hiệu quả nên nhiều người chỉ còn cách bảo vệ bản thân bằng cách ly hôn.
Minh Khôi (t/h)