Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin phê duyệt và công bố vaccine chống Covid-19 khi chưa qua giai đoạn thử nghiệm thứ 3 đã khiến giới chuyên gia lo ngại Mỹ sẽ đẩy nhanh quá trình nghiên cứu để chiến thắng cuộc đua này.
Cuộc đua 'Ai sản xuất vaccine nhanh nhất?'
Ngày 11/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố thắng lợi đầu tiên của Nga trong cuộc đua sản xuất vaccine Covid-19 khi phê duyệt vaccine Sputnik V do Trung tâm nghiên cứu Gamaleya kết hợp với Bộ Quốc phòng Nga sản xuất. Một vài thông tin cho rằng vaccine Sputnik V được Moscow phê duyệt khi chưa hoàn thành đủ các bước thử nghiệm lâm sàng. Việc này đã khiến quan chức y tế của nhiều quốc gia bày tỏ mối lo ngại đối với vấn đề an toàn của vaccine Nga.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc liên quan tới vấn đề an toàn của vaccine Sputnik V. Ông khẳng định, các kết quả thử nghiệm trước đó đã cho thấy Sputnik V hoạt động an toàn và hiệu quả với thời gian miễn dịch kéo dài lên tới 2 năm.
Điều này đã khiến các chuyên gia y tế Mỹ cũng sợ rằng với tính cách hiếu thắng, Tổng thống Trump sẽ tìm cách đẩy nhanh tiến trình sản xuất vaccine Covid-19 để đuổi kịp Nga. Điều này có nguy cơ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng nếu vaccine không được thử nghiệm kỹ càng trước.
Theo Tiến sĩ Margaret Hamburg, thành viên Cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) dưới thời cựu Tổng thống Barrack Obama: "Tôi nghĩ rằng công bố của Nga sẽ khiến Tổng thống Mỹ cảm thấy gấp gáp trong cuộc đua sản xuất vaccine Covid-19 này".
Các chuyên gia lo ngại Tổng thống Mỹ sẽ rút ngắn giai đoạn để chạy đua với Nga trong cuộc đua sản xuất vaccine Covid-19. Ảnh: Fox News |
Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar cũng nhận định trọng tâm của cuộc đua này không phải nước nào sở hữu vaccine Covid-19 trước mà là làm cách nào để sản xuất ra loại vaccine an toàn vào cuối năm 2020.
Ông cho biết thêm, 2 trong 6 công ty sản xuất vaccine hàng đầu Mỹ đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 3, giai đoạn thử nghiệm cuối để kiểm chứng tính an toàn và hiệu quả của vaccine trước khi phê duyệt.
Trong đó, vaccine mRNA-1273, do Công ty Dược phẩm Moderna phối hợp với chính phủ Mỹ phát triển, hiện đang là vaccine có tiềm năng nhất của Mỹ. Vaccine mRNA-1273 hiện đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và được nghiên cứu kỹ càng trước khi công bố.
Sức ép chính trị trước cuộc bầu cử
Bên cạnh sức ép chạy đua với Nga, các quan chức y tế cho rằng Tổng thống Trump sẽ muốn thúc đẩy các công ty sản xuất nhanh vaccine để phục vụ mục đích chính trị của ông trong thời điểm cuộc bầu cử ngày 3/11 đang tới gần.
Trước đó, trong chương trình phát thanh Geraldo Rivera, ông chủ Nhà Trắng từng khẳng định Mỹ sẽ sớm có vaccine Covid-19, nhiều khả năng là trước ngày 11/3. Tuyên bố này của ông Trump được đánh giá là lạc quan hơn hẳn so với quan chức y tế của ông.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng ông Trump đang muốn đẩy nhanh quá trình sản xuất vaccine với mục đính chính trị để đối đầu với đại diện đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử tới. Dù vậy, Tổng thống Mỹ từng khẳng định ông làm việc này không phải vì lợi ích riêng mà muốn cứu sống nhiều người khỏi đại dịch nguy hiểm Covid-19. Bên cạnh đó, ông Trump còn cam kết sẽ đưa nền kinh tế của Mỹ đi lên sau khi điều chế thành công vaccine phòng bệnh.
Khác với sự lạc quan của Tổng thống Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci, quan chức hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của chính phủ Mỹ, đưa ra quan điểm thận trọng hơn rằng trong số những loại vaccine mà Mỹ đang nghiên cứu, có thể có một loại đủ an toàn để sử dụng vào cuối năm nay.
Được biết, ông Trump hiện đang dồn nhiều nguồn lực cho công tác nghiên cứu của các công ty dược phẩm Mỹ. Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế hàng đầu khuyến cáo việc sản xuất vaccine cần phải tuân thủ đúng trình tự chứ không thể cắt giảm bất kỳ giai đoạn nào để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu.
Minh Hạnh (Theo New York Times, Reuters)