Những tháng cuối năm 2023, thị trường vàng dậy sóng, giá vàng miếng tăng phi mã và đạt đỉnh lịch sử 80,3 triệu đồng/lượng.
Những ngày sau đó, giá vàng miếng liên tục tăng giảm với biên độ vài triệu đồng mỗi ngày, thậm chí trong vài giờ và chênh lệch so với thế giới vọt lên 20 triệu đồng. Biên độ mua - bán cũng bị đẩy lên 4 - 6 triệu đồng, thể hiện mức độ biến động cao của thị trường.
Giá vàng SJC hiện cao hơn giá vàng thế giới 12-13 triệu đồng/lượng.
Tại cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024 diễn ra sáng 3/1/2024, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nói thẳng, giá vàng trong nước và thế giới tới 20 triệu đồng mỗi lượng như vừa qua là “không chấp nhận được”.
"Giá thế giới tăng 1 mà trong nước tăng 3 là không chấp nhận được. Nhiều tin đồn thất thiệt có tính chất đầu cơ đã xuất hiện khiến thị trường biến động mạnh những ngày qua", ông Tú thẳng thắn.
Hiện thị trường vàng vẫn được quản lý theo Nghị định 24, năm 2012 - thời điểm ưu tiên chống vàng hóa nền kinh tế, không để thị trường này ảnh hưởng đến môi trường vĩ mô, lãi suất, tỷ giá. Phó Thống đốc cho rằng Nghị định 24 đã phát huy được vai trò quan trọng, nhưng chính sách quản lý 10 năm không còn phù hợp, cần được thay đổi.
“Chúng tôi thấy rằng câu chuyện quản lý vàng lúc này là sự cần thiết của việc sửa Nghị định 24", ông Tú nói.
Dù việc thay đổi có giữ nguyên sự độc quyền của SJC hay cho nhiều thương hiệu vàng miếng khác, theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, mục tiêu vẫn là làm sao để thị trường này không ảnh hưởng tới môi trường vĩ mô, đảm bảo quyền lợi của hơn 100 triệu người dân.
Chia sẻ trên báo Vietnamnet, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội, cho rằng, độc quyền vàng SJC hay không không còn quan trọng nếu Nhà nước tổ chức lại được thị trường kim loại quý này.
Theo ông, có thể phân tách riêng thị trường vàng mua bán theo kỳ hạn và thị trường mua - bán vàng vật chất.
Trong đó, thị trường vàng mua bán theo hợp đồng kỳ hạn, mọi người có thể tham gia đầu tư. Hoạt động này giống như thị trường dầu thô, ai cũng có thể mua bán được, không cần phải đem dầu thô chạy khắp nơi để mua bán. Còn thị trường vàng vật chất là chuyển giao cho nhau khi mọi người thực sự cần sử dụng.
Theo đó, nếu là nhà đầu tư thì tham gia thị trường vàng mua bán theo hợp đồng kỳ hạn, không nhất thiết phải chạy ngược chạy xuôi cầm 5 chỉ, 10 chỉ vàng, ông Minh nói.
"Vai trò của Nhà nước là cần tổ chức được thị trường hàng hóa. Vàng hiện nay là hàng hóa, vậy tại sao không tổ chức để mọi người mua bán theo các hợp đồng kỳ hạn cho thoải mái?' ông Đinh Tuấn Minh đặt vấn đề.
Theo ông, làm được như vậy giá vàng trong nước sẽ liên thông với giá vàng thế giới, không còn chênh lệch cao như hiện nay. Bởi, người ta mua bán hợp đồng kỳ hạn chứ không phải mua bán vàng vật chất.
Với vàng vật chất, cũng cần chuẩn hóa để người thực sự có nhu cầu về vàng vật chất có thể mua bán. Ví như, các tổ chức tín dụng, công ty vàng bạc nữ trang là người cần vàng vật chất cất trong kho hoặc dùng để chế tác ra sản phẩm trang sức.
“Đây là vấn đề mấu chốt của thị trường vàng Việt Nam, chứ không phải vấn đề độc quyền hay không độc quyền vàng SJC. Bởi, bản chất có độc quyền hay không, người dân vẫn nháo nhác cầm vài lượng vàng mang tới chỗ này chỗ kia bán”, ông Đinh Minh Tuấn nhấn mạnh.
Cập nhật giá vàng rạng sáng nay (10/1), mỗi lượng vàng SJC đã được điều chỉnh tăng 500.000 đồng ở cả 2 chiều so với rạng sáng qua. Theo đó, giá vàng SJC hôm nay ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng là 71,5 - 74,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tại TP.HCM, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Giá vàng thế giới lúc rạng sáng nay theo giờ Việt Nam giao ngay ở mức 2.028,760 USD/ounce. Giá vàng hôm nay chênh lệch 1,935 USD/ounce so với giá vàng ngày hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới có giá khoảng 58,878 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng của SJC vẫn đang cao hơn giá vàng quốc tế là 12,622 triệu đồng/lượng. |
Vân Anh (T/h)