Trong Hội nghị góp ý kiến về triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông 2018 được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục tổ chức sáng 2/8.
GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục - Môi trường nêu quan điểm về những bất cập của chương trình giáo dục phổ thông hiện naY.
Theo ông, chương trình giáo dục phổ thông của ta "có gì đó sai sai" so với thông lệ quốc tế, bởi chúng ta dùng một chương trình chưa qua thực nghiệm để áp dụng đại trà trên cả nước.
Trong khi đó, có một chương trình thực nghiệm của Trường Phổ thông Thực nghiệm đã ứng dụng, nhưng không được áp dụng vì Hội đồng 5 người của Bộ Giáo dục bác bỏ, đó là chương trình của GS Hồ Ngọc Đại.
GS Hồ Ngọc Đại có thể có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng kinh nghiệm theo dõi hơn 40 năm, ông thấy chương trình thực nghiệm đào tạo lên một lớp trẻ tử tế, có kinh nghiệm sống, có lương tâm và trách nhiệm. Trên thế giới không có chương trình nào đưa ra áp dụng ngay mà không qua thực nghiệm.
Vấn đề thứ hai "việc dạy - học ngoại ngữ hình như không thành công", vì có những trường hợp học 12 năm không nói được. Sai lầm của học ngoại ngữ là học để thi, học quá nhiều và quá nặng nề.
GS Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: Mộc Trà)
“Tôi là người biết 4 ngoại ngữ nhưng nếu thi IELTS có khi vẫn trượt vì học những từ chẳng bao giờ dùng đến. Học ngoại ngữ nên học tối thiểu 1.500 từ và học đến đâu dùng đến đấy”, ông Dũng cho hay.
PGS TS Nguyễn Gia Cầu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục, cho biết đối với nền giáo dục của nước ta thì vấn đề thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vẫn chưa được chú trọng.
Ông nhìn nhận mặc dù vấn đề này không mới nhưng lại cực kỳ quan trọng, tác động và ảnh hưởng rất lớn đến các vấn đề khác của quá trình thực học.
Theo ông Cầu, nếu không giải quyết được vấn đề thiếu giáo viên cục bộ tại một số trường, tình trạng giáo viên bỏ nghề… thì những vấn đề khác cũng khó giải quyết.
Trường học mọc như nấm...nhưng vẫn thiếu giáo viên
Còn GS TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho biết Đảng và Nhà nước đã đề ra một chủ trương rất đúng là xã hội hóa giáo dục và y tế. Chủ trương này đã được triển khai nhưng nhận thức về nó chưa đầy đủ, tổ chức triển khai còn rất lúng túng và khó khăn.
Theo ông, giáo dục và y tế là 2 lĩnh vực thể hiện sự tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, người dân được thụ hưởng những thành quả đạt được.
Tuy nhiên, vừa qua tình trạng phụ huynh phải thức trắng đêm để xếp hàng, lấy phiếu cho con vào các trường công lập. “Phụ huynh phải xếp hàng từ 2-3 giờ sáng, rất khổ. Hay như đến bệnh viện cũng thấy tình trạng bệnh nhân nằm la liệt, không có chỗ nằm cẩn thận”, ông Đường lấy dẫn chứng và cho rằng nhận thức về xã hội hóa cần phải tiếp tục làm rõ hơn nữa.
Theo ông, càng xã hội hóa thì Nhà nước càng phải đầu tư nhiều hơn cho hai lĩnh vực giáo dục và y tế chứ không phải xã hội hóa để Nhà nước rút khỏi hai lĩnh vực này hoặc giảm bớt đầu tư đi. Do đó, càng đẩy mạnh xã hội hóa thì Nhà nước phải đầu tư nhiều hơn để người dân được hưởng thụ thành quả đó.
Về chương trình giáo dục phổ thông, ông Đường nhấn mạnh việc tập trung chuyển từ giáo dục kiến thức sang giáo dục về phẩm chất, năng lực của mình. Từ chỗ chỉ chú trọng về kiến thức phải chuyển sang nâng cao phẩm chất, năng lực người học để đảm bảo hài hòa giữa dạy và định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, có thể thấy rằng việc thực hiện, việc chuyển biến này này còn một bước rất xa.
Một vấn đề ông Đường rất băn khoăn là về đội ngũ giáo viên. “Tôi lấy rất làm lạ là tại sao đến 30-40 năm nay số trường học mọc ra như nấm, số cử nhân nhiều vô kể thế mà vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên. Việc thiếu giáo viên này vì lý do gì, vì thiếu trường hay thiếu gì. Bây giờ làm thế nào để xây dựng đội ngũ giáo viên không những đủ mà còn có chất lượng tốt. Nếu không có đội ngũ giáo viên giỏi, có chất lượng thì những mục đích đặt ra cho sách giáo khoa cũng rất khó làm”, ông Đường nói.
GS TS Trần Ngọc Đường (Ảnh: Mộc Trà)
Từ những ý kiến trên, ông Đường đề nghị phải làm thế nào chấm dứt cho được tình trạng thiếu giáo viên. Tại nhiều địa phương hiện đang thiếu giáo viên, phải chú ý đến giáo viên cấp thấp như mầm non, tiểu học.
Ngoài ra, cần xem lại chính sách pháp luật trong lĩnh vực giáo dục như về chế độ, thu hút đầu tư cho giáo dục. Ông kiến nghị Nhà nước tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục, chỉ khi có ngân sách mới thực hiện được tốt.
Mộc Trà