Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sách giáo khoa còn nội dung chưa phù hợp, sử dụng nhiều từ ngữ địa phương

  • Nguyễn Lâm
(DS&PL) -

Theo báo cáo tình hình nhân dân về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022 hiện có những ưu và nhược điểm cần thay đổi.

Sáng 2/8, tại Hà Nội, Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị góp ý về triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa phổ thông năm 2018.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện từ năm 2014 đến nay và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Để có cơ sở đánh giá được Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14, ngày 11/10/2022, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành và tổ chức giám sát việc thực hiện 2 nghị quyết này. Thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổng hợp báo cáo kiến nghị nhân dân về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014-2022 từ Ủy ban MTTQ Việt Nam của 63 tỉnh thành phố.

Qua đó nhằm làm rõ hơn nữa những kết quả đã đạt được, những vướng mắc, bất cập, nguyên nhân.

Theo báo cáo ban thường trực về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều ý kiến nhân dân đánh giá cao chương trình giáo dục mới tập trung vào nội dung và phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm.

Chương trình này phát huy tính tích cực của người học, giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực. Chương trình giáo dục phổ thông mới bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh.

So với chương trình hiện hành, học sinh đã được tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông 2018 một cách nhẹ nhàng, giáo viên chủ động, sáng tạo trong dạy học. Học sinh được đánh giá tự tin và tích cực hơn trong quá trình học tập, đọc thông, viết thạo hơn, đạt được phẩm chất, năng lực cần thiết.

Học sinh nắm chắc được các kiến thức cơ bản của từng môn học theo yêu cầu cần đạt; biết vận dụng có hiệu quả các kiến thức đã học, thực hành được các kĩ năng theo yêu cầu cần đạt của chương trình các môn học. Học sinh đạt được các phẩm chất và năng lực (năng lực chung, năng lực đặc thù) theo yêu cầu; đa số các em mạnh dạn trong giao tiếp, biết hợp tác với bạn bè để giải quyết vấn đề và có sáng tạo, sống hòa đồng với bạn bè, yêu quý thầy cô và gia đình.

Chương trình giáo dục phổ thông còn nhiều bất cập. Ảnh minh hoạ

Còn những bất cập về chương trình giáo dục phổ thông

Tuy nhiên, có một số ý kiến băn khoăn ở một số nội dung về chương trình giáo dục phổ thông như sau: Ngành giáo dục còn khó khăn trong việc đào tạo và sử dụng cán bộ giáo dục nên việc thực hiện chương trình mới còn những bất cập; thiếu giáo viên cục bộ tại một số trường; cơ sở vật chất trường, lớp còn thiếu, xuống cấp, sĩ số học sinh trong 1 lớp học ở một số thành phố lớn quá đông (60 học sinh).

Tình trạng giáo viên bỏ nghề giáo dục có xu hướng tăng trong vài năm gần đây  do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do chính sách sử dụng cán bộ giáo dục chưa phù hợp.

Một số giáo viên vẫn dạy theo phương pháp thuyết trình, đọc chép vì chưa chuẩn bị kịp về mặt chuyên môn; một số giáo viên giảng dạy còn mang tính lý thuyết chưa đề cao thực tiễn.

Nội dung sách giáo khoa môn Tiếng Việt vào lớp 1 còn nặng so với chương trình 2006, sự độc quyền dẫn đến lợi ích nhóm trong việc in ấn phát hành sách giáo khoa và bán giá cao sẽ ảnh hưởng đến các hoàn cảnh khó khăn, nhất là trong giai đoạn kinh tế đang phục hồi sau đại dịch Covid-19, việc này sẽ tạo áp lực cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; nội dung sách giáo khoa lớp 1 (bộ Cánh Diều) có một số nội dung chưa phù hợp, còn sử dụng nhiều từ ngữ địa phương.

Việc biên soạn và thực nghiệm Chương trình Giáo dục 2018, nhất là việc triển khai còn nhiều bất cập: Việc lựa chọn nhóm môn học khiến nhiều học sinh bỡ ngỡ và khó lựa chọn môn học phù hợp, đa số sẽ chọn theo cảm tính và định hướng của gia đình gây nhiều khó khăn cho quá trình học tập sau này.

Cùng một nội dung học, có bộ sách bố trí ở học kỳ I, có bộ sách bố trí học ở học kỳ II gây khó khăn cho những học sinh phải chuyển trường. Việc ghép các môn học Lý, Hóa, Sinh vào một cuốn sách, ghép môn Lịch sử, Địa lý thành một môn học khiến giáo viên phải loay hoay học kiến thức mới.

Đối với chương trình lớp 10 chọn theo phân ban, cả giáo viên và học sinh đều gặp khó khăn vì nếu sau một thời gian học, việc thay đổi phân ban cho các em nếu chọn sai các môn học thì sẽ phải bổ sung chương trình cả năm học để bù lại. Bên cạnh đó, theo chương trình phân ban mới, việc chọn trường để xét tuyển đại học cũng sẽ gặp khó khăn do việc chia phân ban đôi lúc chưa phù hợp với các ngành nghề tại các trường Đại học, Cao đẳng. Việc gộp các môn lại với nhau để gọi là tích hợp, rõ nhất là 2 môn học: Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật gây khó khăn nhiều cho giáo viên giảng dạy và việc tiếp nhận môn học của học sinh.

Việc chuyển tiếp trong cách dạy học cho học sinh từ cấp mẫu giáo bước vào lớp 1 bậc Tiểu học gặp khó khăn, do chương trình của mẫu giáo năm cuối là nhận diện về các chữ đơn, nhận diện mặt chữ. Nhưng khi các em bắt đầu vào lớp 1 thì sách giáo khoa đã yêu cầu học sinh đánh vần đọc thành câu hoặc phải nhận diện được mặt chữ dẫn đến khi các em vào lớp 1 sẽ có tình trạng phụ huynh học sinh phải tìm lớp học thêm hay thuê gia sư dạy kèm cho các em ngay từ khi bắt đầu lớp 1 hoặc cuối cấp mẫu giáo”, báo cáo nêu.

Có ý kiến cho rằng Hội đồng biên soạn chương trình và sách giáo khoa đã công khai nhưng chưa thực sự minh bạch; nhiều người có chuyên môn tốt và thâm niên nghề nghiệp cao nhưng chưa được cơ cấu vào các Hội đồng.

Từ những vướng mắc, bất cập đó, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành cơ quan trung ương và địa phương trong việc đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Mộc Trà

Tin nổi bật