Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện đời của nghệ nhân duy nhất hơn nửa thế kỷ gìn giữ nghề nặn phỗng đất ở xứ Kinh Bắc

(DS&PL) -

Gần nửa thế kỷ, ông Phùng Đình Giáp cùng vợ vẫn cặm cụi, miệt mài giữ gìn nghề mà trước đây cả làng đều làm nhưng nay chỉ còn duy nhất gia đình ông duy trì.

Về với làng nghề được mệnh danh “thủ phủ Hàng Mã” ở Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh), ít ai nghĩ rằng nơi đây vẫn còn một hộ gia đình lưu giữ nghề nặn phỗng đất. Gần nửa thế kỷ, ông Phùng Đình Giáp cùng vợ Nguyễn Thị Điểu vẫn cặm cụi, miệt mài giữ gìn nghề mà trước đây cả làng đều làm nhưng nay chỉ còn duy nhất gia đình ông duy trì.

Không chỉ là nghề mà là một phần tâm hồn, máu thịt

Làng Đông Khê khá rộng, chúng tôi lo sẽ khó tìm được đến nhà nghệ nhân Phùng Đình Giáp, bởi đường thôn ngõ xóm ngoằn ngoèo. Thế nhưng, khi vừa nhắc đến nhà của nghệ nhân nặn phỗng đất, người dân nơi đây hồ hởi dẫn chúng tôi đến tận nơi.

Biết được khách tìm đến nhà vì cái nghề mà nay còn duy nhất gia đình mình lưu giữ, ông Giáp say sưa kể về nghề nặn phỗng đất của làng: “Xưa, vào dịp Trung Thu, không chỉ nhà tôi mà cả làng cùng nhau nặn phỗng đất mang bán ở chợ Dâu, chợ Keo, chợ Hồ... Những ông phỗng đất nhỏ sặc sỡ sắc màu trên mẹt tre xuất hiện khắp các chợ quê như một phần không thể thiếu. Thế rồi, nếp sinh hoạt xưa thay đổi, chẳng còn mấy ai tìm mua phỗng đất mỗi dịp Rằm tháng Tám, người dân làng dần bỏ nghề chỉ tập trung làm vàng mã. Đến nay, cả làng chỉ duy nhất còn gia đình tôi giữ nghề này”.

Vợ chồng nghệ nhân Phùng Đình Giáp. Ảnh: Phong Linh

Chia sẻ về lý do khiến ông gắn bó với nghề, ông Giáp cho hay: “Nghề này không mang lại giá trị kinh tế nhưng lại mang đậm giá trị tinh thần. Bởi từ năm 8 tuổi, tôi đã bắt đầu học theo ông, cha tôi làm phỗng đất. Nặn tượng phỗng không chỉ đơn giản là nghề mà là tuổi thơ, là một phần tâm hồn, máu thịt của tôi. Chính vì vậy, tôi muốn giữ gìn nghề này qua bộ phỗng đất ông cha ta mong muốn gửi gắm điều hay, ý đẹp, những giá trị văn hóa truyền thống cho con cháu”.

Theo ông Giáp, một bộ phỗng đất thường có năm hình tượng: Phỗng em bé ôm bông hoa tượng trưng cho thế hệ con cháu; ông phỗng già đại diện cho thế hệ lớn tuổi; ở giữa hai bức phỗng là ông sư – tượng trưng cho lương tâm, đạo đức. Còn con chim bồ câu tượng trưng cho khát vọng hòa bình tự do, con rùa gắn với biển cả và trong tâm linh của người Việt là một loài vật thiêng liêng được thần thánh hóa trong truyền thuyết. Ý nghĩa đặc biệt của bộ phỗng chính là vị trí của nhân vật ông sư.

“Ông sư đứng ở vị trí trung tâm, nối liền hai thế hệ già và trẻ không chỉ tượng trưng cho dòng chảy thời gian, mà còn là lời nhắc nhở về sự nối tiếp truyền thống, tre già măng mọc. Trước đây, phỗng đất là món đồ chơi Trung Thu không thể thiếu của con trẻ. Hễ được cùng mẹ đi chợ, trẻ con lại khóc đòi mua bằng được bộ phỗng, còn anh chị lớn thì háo hức ra chợ tìm mua để về cho các em chơi cũng như truyền dạy ý nghĩa về bộ phỗng cho các em. Giá trị truyền đạt ấy cứ liên tục được tiếp nối từ thế hệ trước đến thế hệ sau”, ông Giáp tâm sự.

“Hồi sinh” món đồ chơi dân gian một thời

Thế nhưng, để làm ra được một bộ phỗng đất không hề đơn giản, từ công đoạn tìm nguyên liệu đến việc nặn phỗng đều tốn khá nhiều thời gian và đòi hỏi bàn tay tài hoa của người nặn. Đặc biệt, nhiều nguyên liệu tạo ra phỗng đất giờ không dễ dàng tìm được như trước kia. Nguyên liệu quan trọng nhất để làm ra phỗng đất là đất thó (hay còn gọi là đất sét).

“Không một loại đất nào có thể thay thế được bởi đất thó có độ kết dính tốt. Để có được loại đất này phải đào ở độ sâu từ 2,5 đến 3m, và chỉ lấy khoảng 20 đến 30cm để có độ mịn, sạch. Đất này sau đó đem phơi khô, cho vào cối đập, giã thành bột mịn rồi sàng đến khi có độ mịn mát tay, có màu xám nhạt là được”, ông Giáp tiết lộ bí quyết.

Mỗi lần nghe ở đâu có đào ao hay đào giếng, ông Giáp lại tranh thủ tới đó xin. Nếu không có, ông cho con cháu ra đồng ruộng hoặc ao sen vào mùa nước cạn đào lấy đất thó mang về phơi khô dùng dần.

Bà Điều ngồi cạnh chia sẻ thêm: “Một nguyên liệu đặc biệt khác được dùng đó là bột giấy. Trước đây, ông nhà tôi dùng giấy bản, giấy dó ở thôn Đống Cao nhưng bây giờ giấy này ít nên ông phải dùng giấy báo. Giấy được ngâm trong nước cho đến khi mủn ra, trung bình khoảng hơn 1 tuần. Giấy sau khi đã ngâm mủn ra thì sẽ được trộn với bột đất thó. Vừa trộn tay, vừa dùng chày đập cho đến khi hỗn hợp này quyện lại tới độ dẻo, mịn, không dính thì đạt yêu cầu”.

Thường những công đoạn chuẩn bị, bà Điểu phụ giúp ông. Còn sau khi hoàn thành hỗn hợp đất là đến công đoạn nặn và Giáp đảm nhận công đoạn này vì không ai nặn khéo bằng ông cả. Tuy việc nặn phỗng đất không đòi hỏi hoa văn, phức tạp, cầu kỳ nhưng cái cốt yếu là phải giữ được nét dân dã.

Bộ phỗng đất truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết Trung Thu xưa. Ảnh: Phong Linh

Dưới bàn tay của người nghệ nhân, những ông phỗng dần thành hình. Ông Giáp nắn, vuốt thật tỉ mỉ để tạo hình phỗng không bị góc cạnh, mà phải mềm mại và tự nhiên. Phỗng được phơi khô dưới nắng cho se lại và hoàn toàn tránh nước, sau đó được phủ lên một lớp hỗn hợp của hồ điệp trắng và hồ nếp pha với nước theo tỉ lệ chuẩn rồi lọc qua khăn cho đến khi thật mịn. Công đoạn cuối cùng là vẽ màu. Tông màu chủ đạo để tô cho phỗng là đỏ, vàng, xanh, đen. Đây là những gam màu truyền thống, khi vẽ lên sẽ tạo cảm giác thân thuộc, gắn bó.

Điều đặc biệt nhất, đó là trong số những công đoạn ấy, không có bước nung đất. Bởi, chỉ cần phơi khô dưới nắng, phỗng đất đã cứng lại và có độ bền nhất định – nếu không bị ngâm trong nước sẽ chơi được lâu.

“Cái quý giá của bộ đất phỗng chính là bản sắc quê hương. Đất thì được lấy từ chính ruộng đồng quê hương và nhào nặn từ bàn tay của người con Kinh Bắc. Sau đó, phỗng được phủ lên chất điệp – chất liệu nổi tiếng góp phần tạo ra tranh Đông Hồ. Bản sắc này không nơi nào có được. Có một thời gian, mọi người quên bẵng đi món đồ chơi này nhưng không lấy thế làm nản, cứ vào dịp Trung Thu tôi lại mang đất ra nặn tặng các con, các cháu trong họ”, ông Giáp chia sẻ.

Trong gia đình ông Giáp, ngoài ông, hai người con trai cũng nặn được phỗng đất do học nghề từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, vì gánh nặng mưu sinh, hai người con không mặn mà với nghề của cha ông.

Ông chia sẻ: “Đời tôi, tôi cố gắng gìn giữ nghề này và truyền dạy cho con cháu. Nhưng đến đời các con, các con có tiếp nối, duy trì nữa hay không là phụ thuộc ở chúng nó. Tôi chỉ mong các con hiểu ra được giá trị văn hóa, ý nghĩa được gửi gắm qua bộ phỗng đất”.

Từng có thời điểm, gánh phỗng đất nhà ông lạc lõng, trơ trọi giữa chợ quê do những đứa trẻ thích thú với đồ chơi hiện đại. Thế nhưng, bằng sự tâm huyết với nghề, ông giúp món đồ chơi dân gian được “hồi sinh” trở lại khi nhiều người tìm đến tận nhà ông để đặt mua hay mang cả con cháu đến trải nghiệm, xem người nghệ nhân làm phỗng đất.

Quý cái tâm huyết với nghề của ông Giáp, có vị khách còn làm thơ tặng ông:

“Chỉ từ đất sét làm nên

Nào là phỗng đất lại thêm chim, rùa

Thời gian dầu dãi nắng mưa

Giữ gìn nghề tổ sớm trưa miệt mài”.

Năm ngoái, khi tôi tham gia chương trình “Văn hóa Tết Trung Thu truyền thống” có một số vị khách thấy phỗng đất được bày trên phố Phùng Hưng thì thích thú lắm. Họ kể, mấy chục năm rồi chưa được nhìn lại món đồ chơi Trung Thu truyền thống này, không nghĩ giờ vẫn còn”.

Phong Linh

Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí Đời sống & Pháp luật số thứ 2 (115)

Tin nổi bật