(ĐSPL) - Bất kể ngày đêm, hễ cứ nghe ở đâu có tội phạm cướp giật, Thượng úy Trương Tấn Thương (37 tuổi, thuộc đội CSGT Phú Lâm, phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP.HCM) lại dắt xe lên đường. Ngoài cương vị của một CSGT, anh còn được người dân biết đến là “khắc tinh” của tội phạm cướp giật đường phố. Thường xuyên đối diện với bọn cướp manh động, nguy hiểm nhưng chưa bao giờ vị Thượng úy này có ý nghĩ sẽ lùi bước.
Không nhớ bắt bao nhiêu vụ cướp
Sau nhiều lần hẹn gặp không thành, đến khi phải nhờ lãnh đạo phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) “can thiệp”, PV báo ĐS&PL mới gặp được Thượng úy Thương tại văn phòng PC67. Với dáng người nhỏ nhắn, nước da đen nhẻm vì nắng gió, anh vui vẻ cho biết vừa mới hoàn thành công việc được giao nên mới có thời gian gặp PV. Trò chuyện với chúng tôi, anh kể chuyện vì sao là một cảnh sát giao thông nhưng lại tham gia bắt cướp nhiều như thế. Sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng tại xã Mỹ Hạnh Nam (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), từ nhỏ Thương luôn mơ ước sau này trở thành một chiến sỹ công an để góp phần giữ gìn trật tự an ninh. Tuổi thơ của anh gắn liền với bao kỷ niệm đẹp ở vùng quê Long An. Đó là những tháng ngày đi chăn ngựa, thả diều rồi tắm bên những con sông mát rượi cùng chúng bạn. Tuy thân hình nhỏ nhắn nhưng trong những trò chơi thuở ấu thơ, Thương luôn “đóng vai” công an để bắt cướp.
Kể với PV, Thượng úy Thương nhớ lại: “Hồi nhỏ, mỗi đứa chúng tôi đều có ước mơ riêng. Đứa thích làm công an, đứa thích làm bác sỹ, đứa ước mơ trở thành giáo viên... Chúng tôi lúc đó cứ ước mơ như thế và cũng hình dung ra rằng, công an thì phải bắt cướp, giáo viên đi dạy... Rồi lớn lên, mỗi người một nơi, một công việc khác nhau. Và tôi cảm thấy may mắn, hạnh phúc vì ước mơ từ nhỏ của mình đã trở thành hiện thực. Tôi luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhất công việc được giao”.
Thượng úy Thương kể chuyện bắt cướp với PV, ảnh Lành Nguyễn. |
Trước đó, sau khi ra trường, Thượng úy Thương vào làm việc tại Công an quận 6. Sau nhiều năm nỗ lực, anh được phân về công tác tại đội Cảnh sát cơ động phản ứng nhanh thuộc Công an quận 6, TP.HCM. Vừa đi làm, anh vừa đi học đại học tại chức tại trường đại học Cảnh sát Nhân dân. Sau đó, anh được phân công về đội CSGT Phú Lâm. “Thực tế, tôi “đam mê” săn bắt cướp từ nhỏ. Lớn lên, chứng kiến nhiều bạn bè, người dân, thậm chí cả bản thân tôi cũng bị cướp sạch đồ ngày mới lên TP.HCM nên cứ thấy bọn trộm cướp là tôi lại muốn truy bắt bằng được”, anh Thương nói.
Trong công tác, không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, Thượng úy Thương còn khiến người dân cảm động khi chứng kiến nhiều lần anh trực tiếp bắt cướp trên đường phố. Dường như nhắc tới cái tên Trương Tấn Thương là người ta nhớ đến hình ảnh một CSGT săn bắt cướp. Vị Thượng úy này kể: “Đến bây giờ tôi cũng không nhớ hết mình đã bao lần bắt cướp. Hầu hết những vụ cướp tôi tham gia đều xảy ra tại khu vực mình công tác. Bọn cướp thường nhắm vào người dân lưu thông trên đường. Người dân sơ hở, chúng sẵn sàng ra tay ngay. Là chiến sỹ công an, khi nghe người dân hô hoán bị cướp, tôi không thể đứng im nhìn tội phạm nhởn nhơ được. Nhiều lần tôi bị thương và bây giờ sẹo vẫn đầy trên người”.
Vụ bắt cướp khiến Thượng úy Thương không thể quên là lần đối mặt với hiểm nguy trên sông Sài Gòn. Vụ việc này cũng khiến những người chứng kiến một phen kinh hoàng. Đó là năm 2012, khi anh Thương đang công tác tại đội Cảnh sát Cơ động Phản ứng nhanh (Công an quận 6). Trên đường đi học lớp đại học tại chức cùng với đồng nghiệp từ quận Thủ Đức về trung tâm thành phố, đến đường Xa lộ Hà Nội, đoạn cầu Rạch Chiếc (quận 9, TP.HCM), các anh thấy chị Nguyễn Thị Phượng (22 tuổi, ngụ Đồng Nai) la lên bị cướp túi xách.
Ngay lập tức, anh Thương chạy xe đến và phát hiện tên cướp đi xe máy đang lạng lách trong dòng người đông đúc hòng chạy thoát. Đến giữa cầu Sài Gòn, đối tượng bỗng nhiên nhảy xuống sông Sài Gòn rồi lặn xuống đám lục bình. Không để tên tội phạm thoát, Thượng úy Thương cũng nhảy xuống sông truy đuổi. Màn “thủy chiến” kéo dài gần một tiếng đồng hồ, tên tội phạm chống trả hết sức quyết liệt. Tuy nhiên, sau đó, tên cướp có biểu hiện đuối nước. Anh Thương lập tức áp sát cứu và nhờ người dân gọi ban quản lý cầu Sài Gòn đưa ca nô kéo đối tượng về giao cho công an phường. Tại cơ quan công an, đối tượng khai nghiện ma túy nặng, muốn cướp tài sản người đi đường để phục vụ cho chuyện hút, chích ma túy.
Những lần đối diện với hiểm nguy
Gần đây nhất, ngày 22/7/2015, trong lần tuần tra cùng đồng đội trên đường Trần Văn Giàu (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM), anh Thương phát hiện chị Nguyễn Thị Ngọc Ph. (32 tuổi ngụ TP.HCM) bị cướp điện thoại. Ngay lập tức, anh Thương cùng đồng nghiệp đuổi theo thì phát hiện một đối tượng đi xe máy lưu thông trên đường Trần Văn Giàu ra hướng quốc lộ 1A với tốc độ cao. Nghi đây là kẻ cướp giật, anh đuổi theo và tiếp cận được đối tượng này. Trong lúc giằng co, máu đối tượng dính vào ngón tay trầy xước của anh Thương. Đối tượng được đưa về Công an xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh làm việc. Tại công an đối tượng khai tên Nguyễn Ngọc Tuyền (33 tuổi, ngụ huyện Bến Lức, Long An).
Đáng nói, đối tượng Tuyền nghiện ma túy nặng và bị nhiễm HIV nhưng không khai báo ngay khi bị bắt. Thượng úy Thương nhớ lại: “Sau khi vợ Tuyền đến công an làm việc thì tôi mới biết, đối tượng nhiễm HIV. Trong chiều hôm đó, tôi được anh em đưa đến bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM để thăm khám và điều trị phơi nhiễm. Lúc đầu nghe tin dính máu của đối tượng, tôi cũng hơi lo lắng. Nhưng do uống thuốc theo chỉ định của các bác sỹ nên mọi chuyện đã ổn định. Hiện nay, tôi vẫn đang tiếp tục điều trị”.
Khi PV hỏi rằng, qua bao lần đối diện với những tên cướp nguy hiểm, có lúc tưởng như phải đánh đổi bằng cả sinh mạng của mình, anh có tiếp tục bắt cướp nữa không? Thượng úy Thương nở nụ cười hiền: “Dù nguy hiểm nhưng tôi sẵn sàng theo đuổi bắt bằng được những tên cướp, không thể để chúng nhởn nhơ ngoài pháp luật. 10 năm qua, cứ thấy cướp ngoài đường, tôi đều tham gia truy bắt”.
Không chỉ bắt cướp giỏi, Thượng úy Thương còn được đồng nghiệp biết đến như một chiến sỹ giàu lòng nhân ái, vị tha. Thấy người vi phạm giao thông phạm lỗi, nhưng không có tiền nộp phạt, Thượng úy Thương lại móc tiền túi cho họ “mượn”. Thậm chí, anh còn cho người dân thêm tiền để phòng những trường hợp hư hỏng xe.
Tham gia bắt giữ hàng chục vụ cướp Trao đổi với PV báo ĐS&PL, Thiếu tá Đào Xuân Út, Đội trưởng đội CSGT Phú Lâm cho biết: “Thượng úy Thương được chuyển về đội CSGT Phú Lâm năm 2012. Trong quá trình công tác tại đây, Thượng úy Thương sống hòa đồng vui vẻ và được đồng nghiệp yêu quý. Không chỉ thế, Thượng úy Thương luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và truy bắt hàng chục vụ bắt cướp, buôn lậu trên địa bàn thành phố. Thượng úy Thương từng vinh dự được nhận 9 giấy khen từ ban Giám đốc Công an TP.HCM và Công an quận 6 về thành tích bắt cướp”. |
LÀNH NGUYỄN