Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Giảm giờ học có đồng nghĩa giảm áp lực cho học sinh?

(DS&PL) -

Bên cạnh những lời khen về việc chương trình phổ thông mới đã giảm tải cho học sinh thì một số nhà giáo vẫn còn nhiều băn khoăn.

Bên cạnh những lời khen về việc chương trình phổ thông mới đã giảm tải cho học sinh thì một số nhà giáo vẫn còn nhiều băn khoăn. Có ý kiến cho rằng, nhìn qua ở bậc THPT thì đúng là chương trình mới có giảm giờ học so với chương trình cũ nhưng giảm giờ học không đồng nghĩa với giảm áp lực cho học sinh.

Chiều 27/12, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới gồm Chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục. 

Một trong những điểm mà dư luận xã hội trông chờ nhất từ chương trình GDPT mới là Bộ GD-ĐT sẽ giảm tải như thế nào khi mà chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đang được xem là “quá tải” về kiến thức, gây áp lực cho học sinh.

Tổng thời lượng học tập theo chương trình GDPT mới ở cả 3 cấp học là 8.172 giờ (60 phút/giờ), trong đó, thời lượng học tập ở cấp tiểu học là 2.817,5 giờ; thời lượng học tập ở cấp THCS là 3.070,5 giờ; thời lượng học tập ở cấp THPT là 2.284 giờ, báo Công an nhân dân thông tin.

Theo chương trình hiện hành, học sinh tiểu học học 2.353 giờ, trong khi đó chương trình mới là chương trình học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi học. Với thời lượng tăng, học sinh tiểu học sẽ có điều kiện tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí nhiều hơn.

Ở THCS, theo Chương trình GDPT hiện hành, học sinh học 3.124 giờ. Như vậy, thời lượng học ở THCS giảm 53,5 giờ. Ở cấp THPT, theo Chương trình GDPT hiện hành, học sinh Ban cơ bản học 2.546 giờ; học sinh Ban A, Ban C học 2.599 giờ; điều này cũng đồng nghĩa với việc, so với chương trình hiện hành, chương trình mới giảm khoảng hơn 200 giờ.

Mục tiêu tăng thời lượng ở cấp tiểu học theo hướng dạy 2 buổi 1 ngày trong chương trình GDPT mới là để học sinh có thời gian tham gia các hoạt động thể thao, văn hóa trong nhà trường; tăng cường giáo dục kỹ năng, an toàn cho trẻ em đang ở độ tuổi mong manh, hiếu động. Còn đối với bậc THCS, việc thời lượng tiết học được giảm tải là do đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích hợp liên môn; ở cấp THPT, giảm tiết học nhờ phân hóa theo hướng tăng cường các môn tự chọn”- GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT mới cho biết.

Chương trình GDPT mới cũng giảm mạnh số lượng môn học so với chương trình hiện hành. Ở cấp tiểu học, lớp 1 và lớp 2 có 7 môn học; lớp 3 có 9 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 10 môn học.

GS Nguyễn Minh Thuyết (đứng), tổng chủ biên chương trình, khẳng định chương trình mới đã giảm tải nhiều - Ảnh: Người lao động.

Tuy nhiên, dù Bộ GD-ĐT khẳng định chương trình đã được giảm tải nhưng nhiều nhà giáo vẫn tỏ ra băn khoăn, lo lắng.

Chia sẻ với báo Người lao động, ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (TP HCM), cho biết chương trình lần này có ưu điểm là cách tiếp cận của đội ngũ viết chương trình đã khác, giống với các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, đó là xây dựng chuẩn đầu ra cho người học, từ chuẩn đầu ra quay lại để xây dựng chương trình sao cho phù hợp. Không giống như chương trình cũ là xây dựng chương trình trước. Cũng theo ông Hiếu, chương trình mà Bộ công bố đã chú trọng đến các hoạt động trải nghiệm, giáo dục STEM cho học sinh.

Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TP HCM), cho biết ông không cảm thấy hào hứng với chương trình giáo dục phổ thông chính thức mà Bộ GD-ĐT công bố, lý do là chương trình không thay đổi so với dự thảo chương trình trước đó.

"Nhìn qua ở bậc THPT thì đúng là chương trình mới có giảm giờ học so với chương trình cũ nhưng giảm giờ học không đồng nghĩa với giảm áp lực cho học sinh" - ông Phú cho biết.

Sẽ giảm tải lượng kiến thức hàn lâm, tăng trải nghiệm sáng tạo trong chương trình GDPT mới - Ảnh minh họa.

Theo ông Phú, chương trình phổ thông mới đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào vấn đề làm sao giáo dục toàn diện năng lực, phẩm chất cho học sinh mà quên mất giáo dục cá thể. Ngoài ra, vấn đề đào tạo của các trường sư phạm thế nào cũng chưa được đề cập.

“Bản thân là một nhà quản lý, tôi chưa thấy được hơi thở của thế kỷ 21, của cách mạng 4.0, nó chưa hiện hữu trong các kiến thức của chương trình. Tôi cảm thấy chương trình mới sẽ gây khó cho người thầy và HS. Và một điều đang gây thách thức cho người thầy là việc dạy tích hợp. Liệu vài năm nữa, các trường đại học chuyên ngành sư phạm có thể đào tạo nguồn giáo viên đáp ứng nhu cầu của chương trình hay không?” - thầy Phú chia sẻ băn khoăn với báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh.

Thầy giáo Đỗ Đức Anh (Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM) cũng bày tỏ: “Chương trình mới có chiều sâu nhưng dường như kiến thức quá sâu so với trình độ của HS THPT.

GV, HS, phụ huynh trông đợi một chương trình mới cần phải có tính ứng dụng cao vào thực tế cuộc sống. Chương trình mới dù nói gì cũng cần phải kế thừa những điều tích cực của chương trình cũ. Tôi mong sự đổi mới cần quyết liệt, mạnh mẽ nhưng phải có sự chuẩn bị đầy đủ và không gây bất ngờ đối với thầy và trò”.

Minh Minh (T/h)

Tin nổi bật