(ĐSPL) - “Thưa những người đàn ông đáng kính! Lẽ ra các anh đã có thể trở thành những người đàn ông giỏi giang, tháo vát, chu đáo, tận tâm, và yêu thương gia đình... nếu như không gặp phải những người đàn bà cạn nghĩ như chúng tôi.”
Mới đây, cư dân mạng xôn xao truyền nhau bài viết 'Chúng tôi đã làm hỏng người đàn ông của mình thế nào!' của nữ nhà văn Chung Lê - nhân vật đã từng có những bài viết rất hay về cuộc sống gia đình.
Ngòi bút trách móc sâu cay nhưng rất nhẹ nhàng của nhà văn đã tạo nên một vũ khí âm thầm phê phán những thói xấu của đàn ông, người chỉ khư khư bảo thủ tính cách của mình, những người tự cho rằng, đàn ông có quyền được ăn, ngủ, xem tivi trong khi vợ phải làm quần quật.
Bài viết của nhà văn Chung Lê gây sốt trên mạng. |
“Thưa những người đàn ông đáng kính! Lẽ ra các anh đã có thể trở thành những người đàn ông giỏi giang, tháo vát, chu đáo, tận tâm, và yêu thương gia đình... nếu như không gặp phải những người đàn bà cạn nghĩ như chúng tôi.”Mở đầu bài viết, tác giả đã rất khéo léo để 'những người đàn bà' tự nhận lỗi về mình, tự trách mình để rồi “làm hư” những người đàn ông bên cạnh họ.
Dường như tất cả "nỗi khổ của đàn bà" cũng được tác giả phản ánh hết trong toàn bộ bài viết. Từ khi phụ nữ đến tuổi lấy chồng, họ đã hiểu được bổn phận của mình, hiểu được vai trò của người phụ nữ trong gia đình.
“… Ngày bước lên xe hoa về nhà chồng, mẹ chúng tôi dặn với theo con gái: "một điều nhịn, chín điều lành, nghe con”.
Khi đi làm dâu, đàn bà chúng tôi cần phải biết đọc được ý nghĩ của bố mẹ chồng (anh chị em chồng) trong vòng ba nốt nhạc. "Từ bé đến giờ, tôi không bao giờ để cho nó động tay vào việc gì trong nhà". Nghĩa là mọi việc từ chợ búa, cơm nước, cửa nhà, con cái... tất tật phải đặt trong bàn tay phụ nữ. Chúng tôi muốn khi các anh trở về nhà, mâm cơm đã được dọn sẵn ở trên bàn. Bọn trẻ con đã được tắm rửa thơm tho. Ấm nước trên bếp reo vui chờ được rót vào bình trà khi các anh ngồi trên sofa xem tin tức trên tivi hay hờ hững với tay vào chồng báo mới. Chúng tôi muốn gia đình thực sự là chốn để tìm về, ngả lưng thư thái sau những vật lộn, bon chen nơi công sở. Vâng, chị em chúng tôi từng ước mỗi ngày có 36 tiếng đồng hồ để có thể làm được việc đó”.
Chân dung nữ nhà văn Chung Lê. Ảnh: FBNV |
Nhà văn cũng khéo léo nói lên quan điểm của mình khi mô tả những khoảnh khắc đời thường trong cuộc sống vợ chồng. Người chồng dường như chỉ biết chăm chăm nghĩ đến những công việc của họ mà không hề quan tâm đến cảm xúc hay biết chia sẻ công việc với vợ.
“Sau bữa ăn, các anh có thể ngồi chơi cùng các con, đọc báo, xem tin thì chị em chúng tôi bê mâm bát ra sau nhà. Việc dọn rửa, lau chùi, giặt giũ cho ngần ấy con người thường kết thúc khi cô phát thanh viên xinh đẹp trên TV đọc bản tin cuối ngày. Ngày mới của chúng tôi thường bắt đầu từ trước nhạc hiệu chào buổi sáng của chiếc loa phường. Bữa sáng phải sẵn sàng trước khi chúng tôi đánh thức đứa lớn, lôi đứa bé ra khỏi giường. Đang là tuổi ăn tuổi ngủ, chúng nó thường mè nheo xin mẹ cho thêm năm phút, rồi năm phút... Kiểu gì thì chúng tôi cũng phải đảm bảo cho chúng ăn xong, mặc quần áo ấm, rồi đặt cả hai đứa lên yên xe máy, thả từng đứa đến trường. Bốn rưỡi chiều ở cơ quan, đám phụ nữ đã bắt đầu nhấp nhổm dọn đồ. "Tối nay nhà chị ăn gì?" Trao đổi với nhau để biết có thể đổi món cho nhà mình; để có thể biết được mua gì, ở đâu, vừa ngon vừa rẻ...”
Dường như người phụ nữ nào cũng hiểu được, lấy chồng là phải theo chồng, sống cùng nhà chồng thì phải làm người vợ chu toàn, là người con dâu thảo hiền. Nhưng người phụ nữ cũng khao khát hơn ai hết được chồng của mình yêu thương, chở che. Họ khát khao có được người chồng biết lo lắng cho gia đình, san sẻ công việc cùng họ biết bao. Chỉ là đàn ông không nghe thấy hoặc cố tình không nghe thấy.
“…Vâng, có một tỷ lý do để các anh về nhà muộn; để các anh không nhận thấy đèn không sáng, máy giặt không quay... Chị em chúng tôi không thể chờ cho đến khi các anh vui vẻ để cất lời nhờ; lại càng không thể chờ cho đến khi các anh tìm được thời gian rảnh rỗi để có thể xắn tay áo lên làm những việc chả đúng với chuyên môn của mình (lại càng không bao giờ là sở thích). Thế là chúng tôi phải tự xoay xở. Xông xênh thì ra đầu phố gọi ông thợ vào sửa. Chật hẹp thì mang dao, búa, kềm, kéo... trăm hay chả bằng tay quen. Sau ngần ấy năm lấy chồng, chúng tôi đều trở thành thợ bảo dưỡng nhà siêu hạng.”
Và rồi, cuối cùng nhà văn lại một lần nữa thay cho phụ nữ tự trách bản thân để rồi “làm hỏng người đàn ông của họ”. Người phụ nữ cũng nhận ra tất cả những gì mà họ cố gắng, họ làm đều không đúng hướng, vì họ quá nhường nhịn, quá chăm lo, quá hiền… để rồi làm hư hỏng đàn ông.
“Vâng, chúng tôi biết nhận ra lỗi lầm thì cũng sẽ biết sửa chữa lỗi lầm.
Từ hôm nay, chúng tôi sẽ đón bình minh cùng cả nhà. Chúng tôi sẽ chia sẻ với các anh niềm vui, niềm hạnh phúc được chăm chút cho những người thân yêu nhất. Chúng tôi sẽ ngờ nghệch, sẽ dịu dàng, sẽ làm những con mèo nhung cọ cọ vào tay các anh chờ âu yếm... Chúng tôi sẽ làm mọi điều để các anh được trở lại làm người đàn ông chân chính, người đàn ông mạnh mẽ, người đàn ông tự chủ, người đàn ông biết cho và nhận, người đàn ông biết yêu thương và xứng đáng được yêu thương."
Với những lời trách móc sâu sắc, thực tế nhưng rất nhẹ nhàng, hợp tình, hợp lý, bài viết của nhà văn Chung Lan thực sự đã chạm đến trái tim của những đức ông chồng – những người chỉ biết sống cho mình mà dần quên đi trách nhiệm làm trụ cột gia đình. Chắc hẳn, những ai đọc được sẽ hiểu, không nổi khùng và bắt tay ngay vào công cuộc giúp vợ, giúp cho cuộc sống gia đình thêm bình đẳng, hạnh phúc.
KHÁNH HÀ
Xem thêm Video: Em bé đòi mẹ ăn đêm gây bão mạng xã hội