Báo Dân trí dẫn thông tin từ Reuters, CNBC, sáng 29/1, thẩm phán Linda Chan (Hong Kong) đưa ra phán quyết với Evergrande. Bà cho biết công ty này không thể đưa ra kế hoạch tái cấu trúc hợp lý dù phiên tòa đã được trì hoãn nhiều tháng.
"Hiện tại, tòa án nhận thấy việc này đã là quá đủ", bà nhấn mạnh.
“Chúa chổm” bất động sản Trung Quốc Evergrande bị toà tuyên thanh lý tài sản.
Thẩm phán nói sẽ thông báo thêm chi tiết về quyết định này. Các chuyên gia cho rằng tòa án sẽ chỉ định một người chịu trách nhiệm tạm thời về khối tài sản của Evergrande.
Công ty này hiện có khoảng 240 tỷ USD tài sản, nhưng lại phải gánh khối nợ hơn 300 tỷ USD. Họ được coi là công ty nặng nợ nhất thế giới.
Evergrande đã vỡ nợ quốc tế cuối năm 2021 và trở thành ví dụ điển hình cho cuộc khủng hoảng tại thị trường bất động sản Trung Quốc.
Theo Nhịp sống thị trường, sau khi lệnh thanh lý được ban hành, toà án sẽ chỉ định người thanh lý tạm thời và người thanh lý chính thức để nắm quyền kiểm soát và bán các tài sản của Evergrande để trả nợ.
Nhà thanh lý có thể đề xuất kế hoạch tái cơ cấu nợ mới cho các chủ nợ nước ngoài, nếu họ xác định công ty có đủ tài sản để trả hoặc có một hiệp sĩ xuất hiện cứu nguy. Evergrande đang nợ các nhà đầu tư nước ngoài 23 tỷ USD.
Họ cũng sẽ điều tra các vấn đề của công ty và có thể chuyển những sai phạm đáng nghi tới các công tố viên Hồng Kông.
Evergrande có thể kháng cáo lệnh thanh lý này.
Cổ phiếu của Evergrande và các công ty con niêm yết đã bị đình chỉ giao dịch sau lệnh thanh lý. Quy định niêm yết yêu cầu công ty phải chứng minh cơ cấu doanh nghiệp và giá trị tài sản.
Trước đó, tập đoàn này tiến hành kế hoạch cải tổ khoản nợ trị giá 23 tỷ USD đối với nhóm trái chủ đặc biệt trong gần 2 năm. Tuy nhiên, kế hoạch ban đầu này đã thất bại vào cuối tháng 9 năm ngoái khi tỷ phú Hứa Gia Ấn, nhà sáng lập Evergrande, bị điều tra.
"Việc Evergrande phải thanh lý tài sản là tín hiệu Trung Quốc sẵn sàng làm đến cùng để chấm dứt bong bóng bất động sản. Điều này có thể tác động tích cực với nền kinh tế trong dài hạn, nhưng sẽ gây ra khó khăn trong ngắn hạn", Andrew Collier, Giám đốc công ty nghiên cứu Orient Capital Research, nhận định với Reuters.
Phán quyết thanh lý Evergrande có thể sẽ làm rung chuyển thị trường vốn và thị trường bất động sản vốn đã mong manh của Trung Quốc.
Với quy mô khổng lồ của các dự án và khoản nợ của Evergrande, quá trình này sẽ liên quan đến nhiều cơ quan chức năng. Và việc hoàn thành các dự án dang dở sẽ là ưu tiên hàng đầu của công ty, của ngành bất động sản và chính phủ.
Thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn chìm sâu trong vũng lầy khủng hoảng. Thị trường chứng khoán cũng xuống thấp nhất 5 năm. Tin tức về Evergrande có thể khiến tình hình trở nên tệ hơn.
Vân Anh (T/h)