Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

"Bom nợ" trái phiếu nhìn từ Evergrande

(DS&PL) -

Sau khi tập đoàn bất động sản lớn của Trung Quốc Evergrande tuyên bố vỡ nợ hạn chế vào tháng 12/2021, nhiều mối lo ngại được đặt ra về những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ trái phiếu đến nền kinh tế của quốc gia này.

Bom nợ 300 tỷ USD

Evergrande được biết đến là một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc. Được niêm yết tại sàn chứng khoán Hong Kong và có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, miền Nam Trung Quốc, công ty sở hữu khoảng 200.000 lao động. Họ cũng gián tiếp giúp duy trì hơn 3,8 triệu việc làm mỗi năm.

Được thành lập bởi tỷ phú Trung Quốc Xu Jiayin, tập đoàn Evergrande từ lâu đã thành danh trong lĩnh vực bất động sản. Công ty sở hữu hơn 1.300 dự án tại hơn 280 thành phố trên khắp Trung Quốc, theo CNN, lợi ích thực sự của Evergrande còn vượt xa hơn thế. 

Ngoài nhà ở, tập đoàn đã đầu tư vào xe điện, thể thao và công viên giải trí. Evergrande thậm chí còn sở hữu doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống, bán nước đóng chai, hàng tạp hóa, sản phẩm sữa và các hàng hóa khác trên khắp Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, các khoản nợ của Evergrande tăng lên khi công ty này đi vay để tài trợ cho các mục đích khác nhau của mình. Evergrande đã trở thành nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất Trung Quốc, với khoản nợ trị giá hơn 300 tỷ USD, tương đương khoảng 2% GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tỷ phú Xu Jiayin, người sáng lập tập đoàn Evergrande. Ảnh: Getty Images.

Ngày 9/12/2021, hãng xếp hạng tín dụng Fitch đã hạ xếp hạng của Evergrande xuống mức “vỡ nợ giới hạn - restricted default” do không thể trả lãi kịp 2 lô trái phiếu đáo hạn ngày 6/11 và ân hạn đến 6/12. Hãng tín dụng trên cho biết Evergrande đã không phản hồi yêu cầu xác nhận về các khoản trả lãi trên từ hãng. Vì thế, Fitch đã kết luận rằng các khoản lãi này vẫn chưa được thanh toán.

3 "lằn ranh đỏ"

Thực chất, sự kiện Evergrande còn đại diện cho làn sóng rủi ro ngày càng tăng của ngành bất động sản Trung Quốc. Cụ thể, theo Bloomberg, tính trong quý I/2021, trái phiếu bất động sản Trung Quốc đã chiếm tới 27% trong tổng số lượng trái phiếu vỡ nợ, mức cao nhất từng được ghi nhận trong nhiều năm trở lại đây.

Đáng chú ý, trước khi đối diện nguy cơ vỡ nợ, Evergrande đã chịu áp lực lớn khi vào tháng 8/2020, Chính phủ Trung Quốc đã áp đặt quy tắc “3 lằn ranh đỏ” vào lĩnh vực bất động sản. Đây là một bộ tiêu chí được Chính phủ Trung Quốc đặt ra nhằm kiểm soát lĩnh vực bất động sản, với 5 mục tiêu chính: kiểm soát giá nhà, kiểm soát thị trường đất, phân bổ tín dụng cho lĩnh vực khác, giảm tính chu kỳ và phát triển bền vững cho bất động sản.

Chính sách cắt giảm đòn bẩy tài chính áp dụng với các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc được gọi là 3 "lằn ranh đỏ" mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã đưa, nếu công ty đạt được chỉ tiêu của 3 chỉ số, công ty có thể tăng nợ tối đa 15% trong năm tới.

3 chỉ số “lằn ranh đỏ” gồm: tổng nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu (100%); tiền/nợ vay ngắn hạn (tối thiểu là 1); tổng các khoản phải trả (không bao gồm khoản người mua trả tiền trước và doanh thu chưa thực hiện)/tổng tài sản (tối đa 70%).

Đối chiếu chỉ tiêu trên với Evergrande, tổng nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của công ty là 199% (ngưỡng giới hạn 100%); tiền/nợ vay ngắn hạn là 0,52 (ngưỡng giới hạn 1); nợ phải trả/tổng tài sản là 85% (ngưỡng giới hạn 70%). Như vậy, có 2 chỉ số của Evergrande Group là nợ vay/vốn chủ sở hữu và nợ phải trả/tổng tài sản đều vượt "lằn ranh".

Cơ quan quản lý Trung Quốc có vào cuộc?

Theo hãng tin Bloomberg, tuyên bố vỡ nợ giới hạn có thể là khởi đầu cho sự sụp đổ của Evergrande. Số phận của Evergrande cũng sẽ là thách thức lớn đối với nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ngăn cuộc khủng hoảng nợ trong thị trường bất động sản lan ra các mảng khác của nền kinh tế Trung Quốc.  Thậm chí, một số người đã liên tưởng quả "bom nợ" Evergrande của tỷ phú Hứa Gia Ấn đến vụ vỡ nợ ngân hàng Lehman Brothers tại Mỹ - sự kiện đã châm ngòi cho khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Ở thời điểm hiện tại, tập đoàn này đang phải đối mặt với cuộc tái cấu trúc doanh nghiệp lớn nhất châu Á. Mọi động thái tiếp theo của Evergrande đều có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc, người mua nhà, hơn 3,8 triệu việc làm và hàng trăm nghìn nhân viên làm việc cho công ty.

Trụ sở chính của Evergrande ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.

Tờ New York Times cho biết, các nhà quan sát hiện đang theo dõi cách xử lý tiếp theo của Bắc Kinh sau khủng hoảng "bom nợ" của Evergrande. 

Cũng theo đánh giá của New York Times, phần lớn những động thái tiếp theo sẽ nằm trong tay các nhà chức trách chính phủ Trung Quốc.

Trong nhiều năm, nhiều người đã đầu tư cho các công ty như Evergrande vì họ tin rằng Bắc Kinh sẽ sẵn sàng đứng ra "giải cứu" nếu có vấn đề lớn xảy ra. Ở nhiều thập kỷ trước, quan điểm này của các nhà đầu tư đã đúng. Tuy nhiên trong những năm gần đây, nhà chức trách đã để cho các công ty thất bại nhằm kiềm chế vấn đề nợ không bền vững của Trung Quốc.

Khi nói đến nhà phát triển bất động sản, các nhà chức trách Trung Quốc cho đến nay vẫn kiên quyết không can thiệp. Trong năm 2021, đã có ít nhất 11 nhà phát triển bất động sản vỡ nợ về thanh toán trái phiếu.

Để nhấn mạnh điểm này, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho rằng “sự quản lý kém và mở rộng thiếu thận trọng” của Evergrande gây ra các vấn đề và cuộc khủng hoảng chỉ giới hạn ở tập đoàn này. Ông Dịch Cương, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, đã chỉ ra rằng Evergrande không có khả năng nhận được gói cứu trợ.

Ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc thế nào? 

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc mở một chiến dịch nhằm xử lý nợ bất động sản và giảm sự tiếp xúc của khu vực ngân hàng với các nhà phát triển gặp khó khăn, điều này có nghĩa sự thất bại của Evergrande sẽ ít ảnh hưởng hơn đến hệ thống tài chính của Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế có thể phức tạp hơn.

Nó cũng có thể làm rung chuyển các thị trường tài chính toàn cầu và khiến các công ty Trung Quốc khác khó tiếp tục tài trợ cho các doanh nghiệp của họ bằng vốn đầu tư nước ngoài.

Chen Zhiwu, giáo sư tài chính tại Đại học Hong Kong, cho biết một thất bại có thể dẫn đến khủng hoảng tín dụng cho toàn bộ nền kinh tế khi các tổ chức tài chính trở nên lo ngại hơn trước các rủi ro có thể xảy đến.

Ông nói, thất bại của Evergrande “không phải là thông tin tốt cho hệ thống tài chính hoặc nền kinh tế nói chung".

Trong khi đó, nhà kinh tế học Bruce Pang của China Renaissance Securities, cho biết một vụ vỡ nợ có thể tạo cơ sở cho một nền kinh tế lành mạnh hơn trong tương lai. Ông Pang nói: “Nếu Evergrande sụp đổ, điều đó sẽ chứng tỏ chính quyền Bắc Kinh có xu hướng chấp nhận các vụ vỡ nợ, bất chấp những thiệt hại và gián đoạn trong thời gian ngắn hạn”.

Hãng tin CNBC cho biết, trái phiếu bất động sản của Trung Quốc đang dần tạo thành phần lớn trái phiếu rác của châu Á. Tại thời điểm cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande được làm sáng tỏ, các nhà phát triển bất động sản khác của Trung Quốc cũng bắt đầu có dấu hiệu đáng lo ngại, một số người bỏ lỡ các khoản thanh toán lãi suất, trong khi những người khác rơi vào tình trạng vỡ nợ hoàn toàn.

Martin Hennecke, người đứng đầu bộ phận truyền thông và tư vấn đầu tư châu Á tại St. James’s Place chia sẻ: "Các nhà đầu tư nên 'tránh sử dụng đòn bẩy của bất kỳ trái phiếu hoặc quỹ trái phiếu nào vào thời điểm này'." 

Ông Hennecke nói rằng khả năng dự đoán lợi nhuận của trái phiếu có lợi suất cao "gần như không được xác định rõ ràng và một chiến lược như vậy có thể mang lại rủi ro cao hơn nhiều so với dự đoán".

“Đợt bán tháo mạnh trái phiếu gần đây đối với sản lượng cao ở châu Á, cùng với khả năng vỡ nợ hoặc tái cơ cấu là một ví dụ điển hình về điều này”, ông nói với CNBC hồi tháng 11/2021.  Martin Hennecke cũng cho biết các nhà đầu tư nên đa dạng hóa trên toàn cầu để quản lý rủi ro trong lĩnh vực và quốc gia.

Wai Mei Leong, người quản lý danh mục đầu tư cho thu nhập cố định của Eastspring Investments, cho hay: “Với việc Trung Quốc chiếm 50% thị trường trái phiếu lợi suất cao của châu Á, những phát triển xung quanh lĩnh vực bất động sản của quốc gia này có thể sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong thời gian tới nhưng chúng tôi tin rằng các cơ hội vẫn tồn tại cho các nhà đầu tư sáng suốt”.

Bà Leong đánh giá, lĩnh vực bất động sản vẫn là một động lực quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc và chiếm 27,3% đầu tư tài sản cố định của đất nước vào năm 2020, đồng thời là nguồn thu chính của nhiều chính quyền địa phương.

“Các nhà đầu tư có khả năng sẽ đánh giá lại kỳ vọng rủi ro của họ đối với lĩnh vực trái phiếu bất động sản có lợi suất cao của Trung Quốc trong thời gian tới”, bà Leong nói thêm.

Bà Sandra Chow, Đồng trưởng nhóm nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương của CreditSights chia sẻ: “Nhìn chung, chúng tôi sẽ tuân theo các khoản tín dụng thận trọng hơn ở Trung Quốc. Các khoản tín dụng có lợi suất cao ở Indonesia và Ấn Độ đã linh hoạt hơn và được hỗ trợ tốt hơn bởi các nhà đầu tư tìm kiếm sự đa dạng hóa bên ngoài Trung Quốc hoặc bất động sản Trung Quốc".

"Chúng tôi sẽ không tránh hoàn toàn lợi nhuận cao nhưng việc lựa chọn tín dụng cá nhân là rất quan trọng", bà Chow kết luận. 

Bích Thảo - Thu Thanh (Theo New York Times, CNN, CNBC) 

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Tư (100) 

Tin nổi bật