Cũng không ai không biết đến uy danh “ngài” rùa ở Hồ Hoàn Kiếm, hay “ngài” rùa Vĩnh Lăng đội tấm bia do chính tay Nguyễn Trãi chấp bút năm 1433, khi Lê Thái Tổ qua đời... tuy nhiên, xét về tước vị cho các “ngài” rùa trên đất Việt từ xưa đến nay, duy chỉ có một “ngài” rùa được phong tước Vương. Đó chính là “ngài” rùa ở TT. Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên-Huế).
Miếu thờ “ngài” rùa khi mới được xây dựng (có biển hiệu màu vàng). |
Rùa được phong vương duy nhất ở Việt Nam?
Ở thị trấn Phú Lộc có hai địa danh đặc biệt gắn với hình tượng linh vật thứ ba trong tứ linh “Long – Ly – Quy – Phụng”. Nếu như xóm Quy Thạch gắn liền với “ngài”. Rùa đá tự nhiên, được xem là một trong hai linh vật trấn yểm vùng đất này. Thì tên gọi xóm Rùa lại gắn với số phận long đong của một ngài rùa được chạm khắc bằng loại đá Thanh, độc đáo hơn trên đỉnh đầu của "cụ" rùa đá khắc độc nhất một chữ Vương.
“Ngài” rùa ở xóm Rùa, thị trấn Phú Lộc. |
Anh Nguyễn Tiến Vinh (Phòng VH – TT huyện Phú Lộc) cho biết: “Rùa đá có chiều dài 1,7m, rộng 1,2m, cao 0,5m ước chừng nặng 3 tạ, được tạc từ đá Thanh nguyên khối. Các họa tiết được tạo rất cầu kỳ, chi tiết khá rõ ràng như mắt, lằn ở cổ, lằn ở lưng, sống lưng, tai, mũi... Trên lưng có ô lõm lớn hình chữ nhật kích cỡ 30 x 24cm, có khả năng là điểm để đặt bia đá nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm thấy”. Theo anh Vinh, rùa đá ban đầu có lẽ nằm ở khu vườn của nhà bác Ga (trú khu vực 4, Phú Lộc). Bởi vì đây chính là nơi đã tìm thấy ba chân trụ bằng đá còn khá nguyên vẹn.
Dựa vào kích thước và sự phân bố của ba trụ bằng đá thì có thể thấy đây chính là những chiếc cột để dựng mái che rùa đá. Cụ Ga, chủ nhân khu vườn cho biết: “Vợ chồng tui bắt đầu mua lại ngôi nhà năm 1989, khi dọn về thì đã có sẵn hai chân cột trụ đá trong vườn. Một năm trước, người con trong gia đình làm vườn tìm ra thêm một cột trụ đá giống như hai cột trụ trước. Tôi đoán còn thêm một trụ đá nữa nhưng nó bị vùi lấp sâu trong lòng đất nên chưa tìm ra thôi...”.
Một trong những bậc cao niên nhất làng là cụ Nguyễn Văn Đằng (86 tuổi) còn cho biết thêm: “Ba cái chân cột trụ đá mới tìm thấy cỡ vài chục năm trở lại đây thôi chứ cụ rùa thì đã tồn tại hàng trăm năm nay. Từ lúc tóc tôi còn để chỏm, người làng đã nhìn thấy ngài rùa giữa một vùng bàu đìa, ao trũng hoang vu. Hàng ngày, qua lại trên đường, tôi thấy “ngài” ghếch đầu nổi thân mình, oai phong cạnh một bờ ruộng lúa”. Mặc dù, biết là linh vật của làng, nhưng hồi ấy trong làng không có ai dám di chuyển “ngài”, vì lời đồn, hễ ai đụng vào “ngài” là ngay lập tức gặp tai ương.
Chuyện rằng, có đôi vợ chồng nọ, vì biết “ngài” linh thiêng, nên muốn đưa về nhà làm của riêng. Liền tranh thủ lúc nửa đêm khênh “ngài” rùa về nhà, nhưng không thể xê dịch nổi một ly. Ngày hôm sau, ông chồng lăn ra chết bất đắc kỳ tử. Cho đến giờ, người dân xóm Rùa vẫn truyền tai nhau câu chuyện vào thời Pháp thuộc, giặc Pháp xua quân, đưa cả một đại đội xe tăng, bọc thép đến cẩu “ngài” rùa đi nơi khác nhưng không may cho chúng là cả ba lần nối cáp để giật thì cả lần cáp đứt. Lần cuối chúng lệnh dùng xe tăng húc thẳng vào “ngài” thì chiếc xe này bị lật nhào, máy khởi động mấy ngày trời cũng chẳng nổ, bất lực chúng đành hậm hực kéo nhau về”, cụ Đằng tiết lộ.
Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi thắc mắc là chỗ phát hiện các chân trụ bằng đá ở khu vườn nhà cụ Ga cho đến miếu thờ “ngài” hiện tại cách nhau đến hơn 200m. Trong khi theo người dân thì “ngài” rùa vô cùng linh thiêng, không ai có thể di chuyển được, thậm chí xe tăng cũng phải lắc đầu chào thua.
Giải mã lịch sử
Cách đây hơn 10 năm, cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tinh Thừa Thiên-Huế về nghiên cứu rùa đá cổ, và có đặt vấn đề chuyển di vật về nơi trưng bày, nhưng người dân địa phương không đồng ý. Nguyên do vì dân xóm Rùa cho rằng, “ngài” rùa là linh vật của cả làng bảo vệ dân làng khỏi tai ương, chướng khí. Nhà nước đem đi rồi lấy ai bảo vệ dân làng, lỡ may “ngài” trách phạt, tai ương giáng xuống vùng đất này, ai chịu trách nhiệm. Trước lý lẽ của người dân, đoàn cán bộ cũng đành ngậm tăm đi về”.
Đến năm 2010, một nhà hảo tâm tên Phước đã phát nguyện, hỗ trợ kinh phí xây dựng am thờ ổn định như ngày nay. Theo lời cụ Đằng thì trong ngày di chuyển “ngài”, người dân làm lễ cúng rất linh đình và huy động hàng trăm trai tráng trong xóm, hì hục suốt một ngày dài mới có thể di chuyển “ngài” rùa. Người dân ở đây tin tưởng rằng, khi chuyển được “ngài” rùa lên vị trí mới, “cao ráo” và phong thủy tốt hơn, “ngài” sẽ không quấy phá và luôn bảo vệ dân làng.
Tuy nhiên, điều không ai ngờ tới là sau khi lập miếu thờ, tai ương đã giáng xuống mảnh đất này. Người dân xóm Rùa cho biết, nhà hảo tâm này là một doanh nhân trẻ thành đạt, ông là người gốc Cầu Hai (Phú Lộc) nhưng lập nghiệp tại miền Nam. Ngoài khối tài sản kếch xù, đại gia này còn có một cô vợ xinh đẹp chẳng khác gì hoa hậu. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà sau khi lập miếu thờ “ngài”, hai vợ chồng đang sống hạnh phúc đột nhiên kéo nhau ra tòa ly dị. Điều đặc biệt là người vợ quyết định ra đi tay trắng mà không lấy bất cứ tài sản gì. Cũng từ đó, việc làm ăn liên tiếp gặp trắc trở, thua lỗ triền miên.
Bẵng đi một thời gian, người đàn ông này mới về thăm quê, rồi đem chuyện này nói với các bậc cao lão trong làng. Nghe xong, các cụ ngẫm nghĩ một hồi mới chợt nhớ đến tấm biển hiệu ở miếu “ngài”. Thứ nhất, biển đề miếu thờ Thần Kim Quy là đã sai về mặt lịch sử. Thứ hai, tấm biển hiệu lại ghi tên người phụng lập miếu. Nên bỏ đi thì tự khắc tai ương sẽ được giải trừ?
Nghe lời chỉ dạy của các bậc cao lão trong làng, ông này liền sắm mâm lễ đích thân tới thắp nhang cáo lỗi với “ngài” sau đó xin phép “cất” tấm biển hiệu trên đi. Trùng hợp kỳ lạ, từ đó công việc làm ăn bắt đầu trở nên khởi sắc, khấm khá trở lại. Nghe nói, người vợ ít lâu sau cũng trở về chung sống hòa thuận như xưa... Tất nhiên câu chuyện trên mang nhiều màu sắc liêu trai có chăng chỉ là sự ngẫu nhiên trong cuộc sống.
Rùa đá Phú Lộc của đền Tùng Giang? Theo nhà nghiên cứu Trần Viết Điền, rùa đá xóm rùa được tạc từ một tảng đá Thanh nguyên khối nên có khả năng hiện vật được tạc trước năm 1627 hoặc sau năm 1786. Trên đầu rùa đội bia có chữ “Vương”, chứng tỏ bia mà rùa đội ghi sự tích của một nhân thần được hoàng đế phong tước vương. ở Thừa Thiên-Huế, sau năm 1786 chỉ có hoàng đế Quang Trung, các hoàng đế triều Nguyễn, không thấy phong một vị nhân thần nào ở gần cửa Tư Khách tước vương. Trong khi đó, trước 1627 chỉ có các hoàng đế thời Lê sơ và Mạc. Vậy rùa đá phải được tạo tác vào thời Lê-Mạc. Thời Lê-Mạc không có một vị tước vương nào sống và làm việc ở Phú Lộc, ngoài Phi vận tướng quân Nguyễn Phục, trong đoàn quân thân chinh của vua Lê Thánh Tông năm 1470 - 1471, bị trảm theo quân lệnh, sau đó được phong thần “Đông Hải đại vương”. Vậy nhiều khả năng chữ “Vương” trên đầu rùa đá, đội bia ghi công trạng của Đông Hải đại vương Nguyễn Phục. |