Thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết, trước đó, một số công dân trên địa bàn TP.HCM và tỉnh Đồng Nai tố cáo ông Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích thuộc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tân Hiệp Phát và một số cá nhân khác đã thực hiện hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Trốn thuế, Cưỡng đoạt tài sản, là các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại tỉnh Đồng Nai và TP.HCM từ tháng 11/2020.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích thuộc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tân Hiệp Phát.
Sau khi tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết nội dung Đơn tố cáo, từ ngày 8/4 đến ngày 10/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, quy định tại khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng thi hành Lệnh bắt tạm giam đối với Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương.
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: Vụ án này đã diễn ra trong thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận. Vụ án có sự tham gia của nhiều người, họ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thậm chí cả những kẽ hở của pháp luật để thực hiện hành vi phi pháp. Vì thế tính chất, mức độ của vụ án được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả rất lớn.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối.
Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, quá trình điều tra đến nay cho thấy đã có đủ căn cứ xác định: Hành vi của ông Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đủ yếu tố cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, quy định tại khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự. Đây là nhóm tội đặc biệt nghiêm trọng, hậu quả chiếm đoạt tài sản trên 500 triệu đồng.
Quan điểm của Luật sư cho rằng, hành vi được tổ chức chặt chẽ, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Đối với tội danh này thì ban đầu các bên bằng việc giao dịch hợp pháp, có hợp đồng, văn bản. Tuy nhiên, sau đó các bên bằng các thủ đoạn gian dối, sử dụng sai mục đích tài sản hoặc cố tình không trả lại tài sản khi có điều kiện. Theo quy định của Bộ luật hình sự thì khung hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù.
Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.
Là một chuyên gia trong lĩnh vực hình sự, Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng: Cơ quan Cảnh sát điều tra rất thận trọng trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ và đến nay mới tiến hành bắt tạm giam ông Trần Quí Thanh cùng con gái.
Với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hình thức vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Luật sư Bình phân tích: Hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được thực hiện do cố ý, với mục đích muốn chiếm đoạt được tài sản. Trong khi lừa đào chiếm đoạt tài sản bắt buộc có hành vi gian dối. Thực hiện hành vi gian dối trước thời điểm chuyển giao tài sản.
Còn trốn thuế được hiểu là hành vi của cá nhân, tổ chức thực hiện các phương thức trái pháp luật nhằm giảm số tiền thuế phải nộp theo quy định hoặc trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế. Đối với hành vi trốn thuế theo khoản 1 Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), các hành vi được xem là trốn thuế như sau: Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật; Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp; Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán…
Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017). Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
“Riêng hành vi trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”, Luật sư Bình cho biết.
Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”.
Tư Viễn