Ông Kim Jong-un đã tới thị sát một nhà máy đóng tàu ngầm của Triều Tiên. Ông Kim đặc biệt chú ý tới khả năng chiến thuật và hệ thống vũ khí của phương tiện này.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong chuyến thị sát tàu ngầm mới. Ảnh: Reuters |
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) không mô tả các hệ thống vũ khí trên con tàu ngầm mới đóng hay việc đến thăm, giám sát của nhà lãnh đạo Triều Tiên diễn ra khi nào. Tuy nhiên, hãng tin này nói ông Kim Jong-un đã thể hiện “sự hài lòng lớn” với việc đóng con tàu “thể hiện sức mạnh của chúng ta”.
“Trong một đất nước mà phía đông và phía tây đều là biển, năng lực hoạt động của tàu ngầm là thành tố quan trọng của hoạt động quốc phòng”, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu.
"Triều Tiên cần tiếp tục nâng cao năng lực phòng thủ quốc gia bằng cách tập trung nỗ lực hơn nữa vào việc phát triển thiết bị quân sự cho lực lượng hải quân bao gồm các tàu ngầm”, ông Kim nói thêm.
Theo KCNA, chiếc tàu ngầm sẽ được triển khai hoạt động ở biển Nhật Bản.
KCNA cho biết thêm, ông Kim Jong-un đã giao nhiệm vụ cho các quan chức quốc phòng và các nhà khoa học tháp tùng ông cần phải đưa ra nhiều sáng kiến chiến lược hơn nữa trong sử dụng tàu ngầm.
Hải quân Triều Tiên (KPN) được cho là có khoảng 60.000 người, chưa bằng 1/20 tổng quân số của lục quân Triều Tiên (KPA).
Cùng với quy mô, ngân sách hạn hẹp của KPN khiến lực lượng này chỉ đóng vai trò hỗ trợ đối với KPA. Nhân lực của KPN thường phục vụ 5-10 năm, do vậy mặc dù họ không có những trang bị tốt nhất, họ thường rất thành thục công việc của mình.
Bình Nhưỡng đang biên chế ít nhất 70 tàu ngầm, nhưng chỉ một số ít có khả năng phóng tên lửa đạn đạo. Bình Nhưỡng dường như cũng đã chế tạo được đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ trang bị cho tên lửa phóng từ tàu ngầm.
Một số chuyên gia cho rằng tàu ngầm Triều Tiên đã quá lạc hậu và ồn ào, dễ bị phát hiện từ xa. Tuy nhiên, giới chức quốc phòng Hàn Quốc thừa nhận khoảng 50 tàu ngầm Triều Tiên từng đột ngột biến mất khỏi màn hình giám sát của họ hồi năm 2015.
Mộc Miên (Theo telegraph.co.uk)