Xử lý nghiêm...
Dẫn nguồn báo giới trong nước, ngày 1/10/2014, Nhật Bản bắt đầu phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) - Tamio Kakinuma, 65 tuổi; Cựu Giám đốc điều hành JTC Tatsuro Wada, 67 tuổi; Cố vấn Koji Ikeda, 58 tuổi với cáo buộc vi phạm Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh tại Tòa án Tokyo. Cả ba bị cáo đều thừa nhận đã hối lộ một số quan chức Việt Nam, Indonesia, Uzbekistan để nhận được các dự án đường sắt do Nhật đầu tư vốn tại các nước này.
Theo hãng tin Kyodo được báo Giao thông Vận tải dẫn lại cho thấy, trong phiên tòa khai mạc, các công tố viên thông báo, chính các quan chức địa phương đã yêu cầu công ty JTC hối lộ. Đồng thời, các bị cáo tiếp tục "đút lót" ngay cả khi các cơ quan thuế của Nhật điều tra một khoản giao dịch tiền mặt đáng ngờ của công ty này tại Việt Nam vào năm ngoái.
Theo cáo trạng, các bị cáo đã chi khoảng 70 triệu yên Nhật cho 3 quan chức đường sắt Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2009 - 2014 để giành được việc thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội do Nhật hỗ trợ vốn phát triển chính thức (ODA). Ngoài ra, từ năm 2010 - 2013, các bị cáo cũng "lại quả" khoảng 20 triệu yên cho 5 quan chức bộ Giao thông Indonesia. Tại Uzberkistan, các bị cáo đã hối lộ 3 quan chức công ty đường sắt do Nhà nước Uzberkistan quản lý khoảng 54 triệu yên từ năm 2012- 2013.
Cơ quan thuế Nhật Bản đã điều tra vụ bê bối này từ tháng 4/2013 và yêu cầu công ty JTC bồi thường 103 triệu yên. Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật cấm các công ty của nước này cung cấp tiền hoặc lợi ích cho công chức các nước khác. Mức phạt tối đa cho tội danh này là 5 năm tù giam và phạt 5 triệu yên.
Ngay sau khi thông tin được dư luận công bố, trao đổi nhanh với PV báo Đời sống và Pháp luật, một lãnh đạo bộ GTVT (xin được giấu danh tính - PV) cho hay: "Việc xét xử ở mỗi quốc gia có tính pháp lý và độc lập riêng. Việc thừa nhận hành vi của lãnh đạo JTC sẽ được cơ quan pháp luật Việt Nam xem xét chứ không phải là căn cứ pháp lý để xử lý những người liên quan, cụ thể là 6 cán bộ ngành đường sắt. Truy tố và xét xử những người này dựa trên căn cứ các quy định của pháp luật Việt Nam nên không thể đưa ra khẳng định cụ thể mức độ phạm tội.
Tuy nhiên, phiên tòa xét xử từ phía Nhật Bản sẽ là một việc làm khiến chúng ta phải xử lý nghiêm những người vi phạm trong nước để thể hiện tính minh bạch và quyết tâm chống tiêu cực ở Việt Nam".
Vị này cũng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải vẫn theo sát sự vụ này từ khi có thông tin ban đầu cho tới hiện nay Nhật Bản đã đưa quan chức của họ ra xét xử. Bộ theo dõi với quan điểm là để xử lý triệt để những người có liên quan.
Các quan chức ngành đường sắt trong vụ nhận hối lộ của JTC sẽ bị xử nghiêm. |
Chưa có tiền lệ?!
Theo luật sư Trần Thu Nam (đoàn Luật sư TP. Hà Nội - Văn phòng luật sư Tín Việt và Cộng sự) thì đây là một lĩnh vực mới, phát sinh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Việc truy tố, xét xử và chứng cứ trong phiên tòa của Nhật có được coi là chứng cứ để có thể sử dụng cho việc điều tra, truy tố, xét xử của Việt Nam hay không thì từ trước đến nay trong luật không có quy định. Tuy nhiên, Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam quy định chứng cứ là những gì có thật, được thu thập một cách hợp pháp, chứng cứ này phải phù hợp với những chứng cứ khác, phải thực tiễn, có thật. Nếu giữa Việt Nam - Nhật Bản có sự tương trợ tư pháp thì có thể qua các Cơ quan điều tra (CQĐT), Tòa án (TA) hoặc cơ quan công tố của nước bạn để thu thập những chứng cứ liên quan, sử dụng cho việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án ở Việt Nam nhưng phải dựa trên yếu tố chứng minh được.
"Việt Nam có 3 cơ quan tiến hành tố tụng là CQĐT, viện Kiểm sát (VKS) và TA. Giai đoạn đầu là cơ quan CSĐT và muốn chứng minh chứng cứ đó có chính xác hay không thì còn có những cơ quan khác sử dụng chứng cứ đó là VKS, TA. Quan trọng là các cơ quan này có chứng minh được chứng cứ xác thực hay không và các chứng cứ của Nhật Bản họ thu thập được như thế nào (hình ảnh, video, ghi âm, chuyển khoản tiền,...) để kiểm tra lại", luật sư Nam nói.
Từng nhiều năm gắn bó ở cơ quan giữ quyền công tố (VKSND Tối cao), TS. Đỗ Cao Thắng cho rằng: Về vấn đề tương trợ tư pháp trong vụ án hình sự rất khó và gần như chưa có tiền lệ. Đây có thể là vụ án đầu tiên liên quan đến vấn đề tham nhũng có yếu tố nước ngoài. Việc có thể lấy được lời khai, trích sao được hồ sơ vụ án, quy trình đối với một vụ án từ phía nước ngoài có liên quan đến vụ án của Việt Nam cần phải tuân theo các thủ tục nghiêm ngặt của nguyên tắc tương trợ tư pháp.
Cũng theo TS. Thắng, để có thể sử dụng được những thông tin liên quan có yếu tố nước ngoài của TA Nhật tại Việt Nam, phụ thuộc nhiều vào sự tương trợ tư pháp giữa hai nước. Nhưng nếu dựa vào việc điều tra, xét xử của một vụ án bên Nhật mà coi đó làm chứng cứ cho vụ án của Việt Nam là không thể được, phải cần phân định rõ việc điều tra hay những lời khai của bị cáo trong vụ án do Nhật xét xử nằm trong hoàn cảnh nào, có phù hợp với quá trình điều tra và chứng cứ có được tại Việt Nam hay không. Cần xem lại những lời khai của các bị can tại Việt Nam, thẩm định lại những chứng cứ của phía Nhật Bản, kiểm tra lại toàn bộ dự án của phía Nhật Bản trợ giúp cho Việt Nam để có những quyết định chính xác trong vụ án này.
"Thực tế, quy trình tố tụng của Nhật Bản có khác với Việt Nam, tội danh đối với các bị cáo cũng khác nhau. Vấn đề thất thoát trong xây dựng cơ bản ở Việt Nam xảy ra rất nghiêm trọng. Vụ án liên quan tới việc "bôi trơn" giữa công ty nước ngoài với cán bộ Việt Nam có thể coi là sự việc nghiêm trọng. Để có thể thuận lợi cho việc điều tra thì cần có sự hợp tác giữa các CQĐT của Việt Nam với nước bạn bằng các văn bản ghi nhớ, hợp tác, hỗ trợ các bên". (Luật sư Trần Thu Nam - đoàn Luật sư TP. Hà Nội) |