Mới đây, một người đàn ông ở Trung Quốc khiến dư luận tranh cãi gay gắt khi ra "tối hậu thư" cho người vợ 33 tuổi của mình phải có con trong vòng 2 năm, nếu không sẽ ly hôn.
Theo đó, người phụ nữ sống tỉnh Chiết Giang ở miền Đông Trung Quốc, được truyền thông cho biết với tên gọi Xiaomei, đã tìm kiếm lời khuyên từ cư dân mạng sau khi từ chối yêu cầu có con của chồng.
Theo lời người vợ, vợ chồng cô kết hôn và đã sống hạnh phúc trong 2 năm. Cô rất sốc khi chồng đưa tối hậu thư về chuyện này. "Chỉ vì tôi không muốn có con, anh ấy nói sẽ ly dị", Xiaomei nói.
Ảnh minh họa.
Cô cho biết chồng đặt ra giới hạn 2 năm vì cho rằng sinh con khi lớn tuổi sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người mẹ.
Xiaomei cho biết cô cảm thấy việc có con sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của hai vợ chồng. Ngoài ra, cô từng chứng kiến người bạn thân nhất gặp nguy hiểm lúc "vượt cạn", trong khi gia đình chồng chỉ quan tâm đến đứa trẻ mà phớt lờ người mẹ.
Mẹ đẻ và mẹ chồng cũng thúc ép Xiaomei sinh con. "Không đẻ con thì về già định sống thế nào?", hai người mẹ nói.
Mặc dù phản đối việc có con, Xiaomei cho biết áp lực đã đè nặng lên cô, khiến cô phải tìm kiếm lời khuyên trên mạng xã hội.
Sau khi bài viết được đăng tải, cư dân mạng nhanh chóng chia thành hai luồng ý kiến. Nhiều ý kiến cho rằng sinh con là cần thiết. "Tư tưởng không cần có con là sai. Bạn sẽ cảm thấy tiếc nuối khi về già. Có con sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn", một người khẳng định.
Bên cạnh đó, không ít người cho rằng nên tôn trọng quyết định của người vợ. "Sống mà không có con cũng chẳng sao. Mỗi người đều có lựa chọn lối sống của riêng mình", một tài khoản bình luận.
Những câu chuyện về phụ nữ bị ép sinh con ở Trung Quốc thường gây ra những cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng. Năm 2021, một cậu bé ở tỉnh thuộc miền Đông Trung Quốc giục mẹ sinh thêm cho cậu đứa em, khiến nhiều người dùng mạng xã hội ngạc nhiên.
Cùng năm đó, một phụ nữ ở miền Bắc Trung Quốc bị mẹ ép lập kế hoạch sinh con thứ hai ngay sau khi sinh đứa con đầu lòng và câu chuyện cũng đã nhanh chóng lan truyền trên mạng.
Đầu năm nay, đoạn clip cô gái 24 tuổi từ chối lời thúc giục lấy chồng, đẻ con từ mẹ và họ hàng cũng khiến dân mạng bàn tán.
"Tốt nhất là cháu nên ở lại đây và tham gia kỳ thi công chức. Tại sao cháu muốn rời đi? Cháu nên ở nhà. Làm công chức và kết hôn ở quê là chuyện bình thường mà", một phụ nữ lớn tuổi nói với cô.
Cô gái trẻ vừa cắn hạt dưa, vừa đáp: "Cháu thà nằm trong quan tài còn thấy yên bình hơn. Treo thêm bức ảnh thờ trên tường nữa cho an tâm".
Nhiều dân mạng cho rằng cô gái mới 24 tuổi đã bị thúc giục kết hôn, đẻ con là quá sớm.
Một thống kê hồi tháng 12/2022 cho thấy, ở Trung Quốc, số cặp đôi kết hôn giảm mạnh. Theo đó, số người kết hôn lần đầu ở nước này giảm còn 11,6 triệu vào năm 2022 (thấp hơn so với năm 2021 đến 700.000 người), và kém xa mức cao nhất từng được ghi nhận là 23,9 triệu vào năm 2013.
Theo Niên giám điều tra dân số Trung Quốc 2020, độ tuổi trung bình của những người lần đầu kết hôn cũng tăng đáng kể, từ 24,89 (năm 2010) tăng lên 28,67 (năm 2020). Theo báo cáo, hầu hết người độc thân là phụ nữ trên 30 tuổi, được hưởng nền giáo dục tốt, có thu nhập cao và sống ở các thành phố hạng nhất.
Tình trạng số cặp đôi kết hôn sụt giảm có thể được phản ánh qua cuộc khủng hoảng tỉ lệ sinh ở Trung Quốc. Năm 2022, tỉ lệ sinh tại quốc gia này ở mức thấp kỷ lục, chỉ 6,77 ca sinh/1.000 người. Điều này khiến dân số Trung Quốc lần đầu tiên suy giảm trong hơn 6 thập kỷ qua.
Linh Chi (T/h)