“Kể ra vào chính vụ kiếm ăn cũng dễ hơn, ta - tàu lẫn lộn bán sạch sẽ, khách tin là không có hàng tàu khi đúng mùa thu hoạch trái. Em về trước, các chị về sau nhé”, câu chuyện nhỏ to của một người bán hoa quả dong trên phố Đội Cấn (Hà Nội) với “đồng nghiệp” của mình, khiến chúng tôi thấy tò mò về nguồn gốc của loại trái cây chính vụ này.
Xoài Trung Quốc “gắn mác” đặc sản
Thời điểm này là chính vụ của xoài nên đâu đâu cũng thấy bày bán loại hoa quả này với màu sắc vàng, xanh bắt mắt… Nhưng điều đáng nói là hầu hết các loại xoài này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc và được dân buôn ủ hóa chất thúc chín, chất chống thối để vận chuyển đi xa. Quả nhỏ thì "đội lốt" hàng Việt Nam, quả to đẹp sẽ mang mác "hàng nhập khẩu" từ Úc, Thái...
“Công nhân” đang cho xoài “ngậm” hóa chất thúc chín. |
Để tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc loại trái cây này, chúng tôi đã thâm nhập vào chợ đầu mối Long Biên, nơi cung cấp hoa quả chính cho Hà Nội và các tỉnh lân cận (Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình…).
Từ 1h sáng đến hơn 4h, chợ tấp nập ra vào bởi những chiếc xe tải lớn chở hoa quả, khách buôn từ khắp nơi đổ về đứng chen lấn, xô đẩy nhau lấy hàng. Khu vực giữa chợ là “thiên đường” của các loại xoài. Chủ một quán nước trà đá đầu chợ bật mí: "Xoài của ta cũng có nhưng ít lắm, chủ yếu là xoài Trung Quốc chứ xoài miền Nam, Úc, Thái lấy đâu ra mà nườm nượp thùng lớn thùng nhỏ cân bán cho dân buôn mỗi ngày”.
Chúng tôi quan sát thấy các tiểu thương sau khi nhận hàng đều bóc hết nhãn mác Trung Quốc ghi trên các thùng hoặc được chuyển sang thùng mới trước khi vận chuyển. Cứ như vậy, khi hoàn tất quy trình từ chợ ra sạp thì hoa quả đã được “gắn mác” thành “đặc sản” Việt Nam hoặc ngoại mà người tiêu dùng không hề hay biết.
Chị Q. , chủ một sạp xoài ngay gần đầu chợ nói: “Cũng không biết tên gọi của từng loại, chỉ phân theo trọng lượng quả thôi. Khách lấy loại nào cân tính tiền loại ấy. Không chỉ xoài mà nhiều loại trái cây ở chợ này đều là hàng Tàu cả, tìm được hàng Việt Nam thì hơi hiếm đấy”. Rồi chị Q quả quyết thêm lần nữa: “Giờ đến tháng 6 âm lịch đổ lại chỉ có toàn xoài tàu thôi”.
Để chứng thực cho sự biến hóa thần thông của xoài tàu, chúng tôi đến những chợ nhỏ nơi dân buôn nhập lại xoài từ chợ Long Biên về. Anh Kh.,một người bán trái cây tại chợ Vĩnh Hồ không giấu diếm nói luôn: “Xoài ta mã không đẹp như xoài Trung Quốc quả vừa to vừa bóng mỡ màng… Buôn bán vào chính vụ cũng dễ dàng hơn, người mua yên tâm vì đúng mùa không lo hàng giả hay sử dụng hóa chất, nhưng thực ra xoài ta thì ít mà xoài Tàu thì nhiều”.
Ở đường Đại Cồ Việt, người bán hàng quảng cáo xoài tượng “xịn” với giá 35.000 đồng/kg, đảm bảo ngọt lừ. Khi được hỏi về xuất xứ thì người bán quả quyết miền Nam chuyển ra: “Mùa này là chính vụ làm gì có hàng từ Trung Quốc”.
“Bội thực” lượng hóa chất “làm đẹp” cho xoài
Theo chân một người quen ngay tại chợ Long Biên, phóng viên quan sát thấy xoài đổ về chợ được các chủ hàng ngồi phân loại ra các sọt để dân buôn lựa chọn. Loại xanh chủ buôn sẽ thuê người lấy xoài ra khỏi thùng, tiến hành bọc bằng báo cẩn thận cho vào thùng các-tông, kèm với đó là những gói hóa chất để thúc chín. Loại hóa chất thúc chín phổ biến là đất đèn và không quên kèm theo một gói thuốc chống thối nhét dưới đáy thùng để bảo quản trái được tươi ngon lâu.
Điều đáng nói nhất là họ sử dụng lượng hóa chất với lượng lớn, mỗi lớp xoài “ngậm” 3 gói hóa chất. Tính ra mỗi thùng xoài sử dụng ít nhất cũng phải trên dưới 20 gói. “Mỗi kilogram đất đèn giá 24.000đồng, sau khi mất công chia lẻ ra từng bọc, dùng giấy báo gói lại sẽ bán với giá 31.000đồng/kg”, chị K - một người chuyên gói xoài thuê nói.
Một lượng lớn đất đèn trong mỗi gói báo dùng để ủ chín hoa quả. |
Lấy cớ cần thời gian lựa chọn hàng cẩn thận trước khi cân, chúng tôi trực tiếp nhặt xoài lên quan sát, quả xoài chín vàng ruộm đều, khi ấn mạnh tay không hề tạo ra độ đàn hồi mà trong trạng thái cứng, không dấu hiệu dập nát dù được vận chuyển từ xa về chợ và hoạt động dỡ hàng mạnh tay của dân khuân vác.
Ngoài ra, do tính chất của đất đèn, chúng tôi còn cảm nhận được sức nóng của quả xoài và cả thùng xoài phả ra. Dường như dân buôn, chủ buôn ở đây đã quá quen với việc khách khắp nơi đổ về đây “ăn hàng” nên chẳng ai để ý đến những hành động của chúng tôi.
Thắc mắc về loại “hóa chất” này, chị L., chủ kiot e ngại nói nhỏ: “Phải tẩm ướp như thế thì dù mất nhiều ngày từ khi đóng gói đến khi bày bán quả vẫn tươi bóng, không xuống mã. Xoài Việt Nam quả nhỏ, xấu mã để vài hôm nếu không dùng thuốc thì núm quả có nhiều đốm đen khó bán mà lãi lời cũng chẳng đáng là bao. Nhìn chung, xoài của ta hay tàu cũng đều phải dùng thuốc giấm cả”. Một số người buôn xa chủ yếu chọn lấy loại quả vẫn còn cứng, xanh để dễ vận chuyển, về mới giấm, ủ bằng hóa chất cho chín.
Trung bình giá xoài nhập dao động từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, khi bán ra thị trường được “thổi giá”, thấp cũng lên đến 40.000-60.000đ/kg. Dân buôn lấy hàng rẻ, nhưng vì “đeo” mác Việt Nam, hàng Úc, Thái nên khách hàng đã mua với giá cao hơn gấp hai, ba lần mà không hề hay biết. Chính lý do “một vốn bốn lời” nên mỗi đêm từ chợ Long Biên những chiếc xe máy chở đầy hoa quả xoài, táo, cam, dưa hấu… “made in China” vẫn âm thầm xâm chiếm thị trường hoa quả ở Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận dựa vào lợi thế về hình thức, giá cả đã làm hoa mắt người tiêu dùng.
Linh Chi (theo LĐO)
Phải tẩm ướp như thế thì dù mất nhiều ngày từ khi đóng gói đến khi bày bán quả vẫn tươi bóng, không xuống mã. Xoài Việt Nam quả nhỏ, xấu mã để vài hôm nếu không dùng thuốc thì núm quả có nhiều đốm đen khó bán mà lãi lời cũng chẳng đáng là bao. Nhìn chung, xoài của ta hay Tàu cũng đều phải dùng thuốc giấm cả. |